Dưới ánh nắng chói chang, Chikumbutzo Massina đưa mắt nhìn ra khoảng sân khô cằn, nơi anh trai Fletcher từng vui chơi. Cậu bé kể lại với ánh mắt rơm rớm.
"Đây là nơi mà cháu nhìn thấy những vết máu trên người Fletcher. Còn trên luống đất này, cháu nhìn thấy cơ thể bị chặt ra làm nhiều phần của anh".
Một đứa trẻ bạch tạng trong gia đình nghèo khó tại Malawi.
Tại Malawi, chứng bạch tạng phổ biến hơn nhiều nơi khác trên thế giới. Các thầy phù thủy giờ đây chuyển qua thuê những sát thủ từ nhiều vùng nông thôn nghèo để giết hại những đứa trẻ bạch tạng, trước khi lấy nội tạng của nạn nhân.
Theo lời kể của Chikumbutzo, cả 4 chân của người anh trai đã bị chặt cùng bộ phận sinh dục. Răng của cậu bé cũng bị nhổ, trong khi các nội tạng như tim, gan, phổi, thận, não cũng đã không còn.
Cô bé bạch tạng Catherine Amidu, 12 tuổi ngồi trong nhà mình tại Nkole, Machinga, Malawi.
Cơ thể của những đứa trẻ này được cho là có khả năng chữa lành vết thương và mang lại sự giàu có cho người dùng. Các vụ tấn công trẻ bạch tạng cũng thường diễn ra trước khi cuộc bầu cử diễn ra tại các vùng nông thôn.
Bác sĩ Oscar Duke, 30 tuổi - một người mắc chứng bạch tạng đã cùng BBC đến Tanzania để điều tra về số phận của những đứa trẻ bạch tạng. Tại đất nước này, nhiều người bạch tạng phải sống trong các căn nhà tập thể và được lính gác bảo vệ.
Được biết, hơn một nửa dân số tại Tanzania vẫn tin rằng, các phù thủy có thể tạo ra những thứ như bùa chú, thuốc từ nội tạng trẻ bạch tạng để mang lại sự giàu có và quyền lực cho mọi người. Một món đồ như vậy thường có giá khoảng hơn 150 triệu đồng trên thị trường chợ đen. Đây là một công việc béo bở với người dân một quốc gia nghèo khó, bất chấp sự vô nhân đạo của con người.
Tại Tanzania, người ta vẫn tin rằng những phương thuốc, bùa chú từ cơ thể trẻ bạch tạng có thể đem lại sự giàu có quyền lực cho người dùng.
Còn tại Malawi, một nước láng giềng với Tanzania, đã có hơn 70 trẻ em bạch tạng bị tấn công, bắt cóc và giết hại trong 2 năm qua. Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn khiến Liên Hiệp Quốc phải cử các nhóm chuyên gia tới đây và đưa ra lời cảnh báo, trẻ bạch tạng có thể hoàn toàn "tuyệt chủng" tại Đông Phi.
Tại Tanzania, từ năm 2006 tới đây đã ghi nhận 170 vụ tấn công người bạch tạng, trong đó có 70 vụ sát hại dã man.
Hiện tại, chính quyền các nước khu vực Đông Phi đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng "săn" người bạch tạng. Nếu không có những thay đổi và động thái kiên quyết hơn, sẽ có hàng loạt các vụ giết người thương tâm xảy ra không chỉ tại Tanzania, Malawi mà còn nhiều nước khác trong khu vực.