Luôn sống trong nỗi sợ hãi vì bị bắt cóc, bị cắt cụt chân tay, mổ lấy nội tạng hoặc bị đem đi tế thần bất cứ lúc nào, cộng đồng những người bạch tạng bấy lâu nay phải đơn độc chiến đấu để được sống còn. Thế nhưng, nay đã đến lúc cả thế giới cần chung tay, phá vỡ những quan niệm và cách nghĩ sai lầm, giúp cho những nạn nhân bạch tạng được quyền sống bình đẳng và có cơ hội khẳng định mình.
Người đăng quang ngôi vị Nam thần của cuộc thi: anh Jarius Ongetta, và Hoa hậu Loise Lihanda.
Mới đây, cuộc thi "Hoa hậu Bạch tạng 2016" vừa được tổ chức lần đầu tiên ở thủ đô Nairobi, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Cộng Đồng Bạch Tạng ở Kenya.
Loise Lihanda, 20 tuổi, người đã giành được vương miện Hoa hậu của cuộc thi kể lại rằng, cô đã từng bị chính người ông của mình xua đuổi và muốn cô phải chết, do quan niệm người bị bạch tạng đều là những phù thủy và linh hồn xấu ác.
Trong số 5 chị em, chỉ có Loise mắc phải căn bệnh quái ác và phải hứng chịu sự ghét bỏ, kỳ thị của những người xung quanh. Nhờ có sự bảo vệ của mẹ và các chị em của mình, Loise mới may mắn thoát được cái chết. Thế nhưng, suốt 20 năm sống trên đời, vẫn chẳng có giây phút nào cô gái đáng thương không lo sợ về việc bị sát hại, bị hãm hiếp hay bị rơi vào tay của những kẻ săn người bạch tạng.
Lần đầu tiên những người bạch tạng được tự tin sải bước trong một cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp của họ.
Loise cho biết: "Tôi luôn bị nhìn chằm chằm, bị bắt nạt và đối xử tệ. Nhưng có nhiều khi đang ở trên đường, một chiếc xe buýt đi qua và cả đám đông nháo nhác nhìn tôi chỉ trỏ: "Tiền kìa!". Vì đối với họ, các bộ phận cơ thể của tôi nếu bán đi sẽ được giá rất cao."
Không chỉ có thế, những người bạch tạng còn phải chịu đựng các khiếm khuyết bẩm sinh về sức khỏe như: bị mẫn cảm với ánh nắng, thị lực kém, dễ bị bỏng nắng và ung thư da.
Cho đến 2 năm gần đây, nạn bắt cóc, buôn bán và sát hại người bạch tạng vẫn xảy ra lan tràn và diễn biến phức tạp.
Người thứ 2 đăng quang ngôi vị Nam vương của cuộc thi là anh Jarius Ongetta. Jarius cũng đã từng có một tuổi thơ cô độc và khắc nghiệt chỉ vì căn bệnh bạch tạng của mình.
Anh Jarius chia sẻ: "Mọi người nghĩ rằng tôi bị nguyền rủa, tôi và anh trai đã phải sống cô lập từ khi còn nhỏ. Họ còn quan niệm rằng da và nội tạng của người bạch tạng dùng để làm bùa cầu may, xương thì dùng để chữa bệnh, do đó người bạch tạng bị bắt cóc, buôn bán và giết hại rất nhiều. Thế nên, điều quan trọng khi tôi đạt được danh hiệu Nam vương ngày hôm nay, là tận dụng vai trò mới này để trở thành một đại sứ mang lại hy vọng đến với những người bạch tạng, tuyên truyền những thông điệp về người bạch tạng để nâng cao nhận thức của những người chưa biết hoặc có nhận thức sai lầm về căn bệnh này."
Để có thể tồn tại, người bạch tạng luôn phải tự cô lập bản thân.
Xen giữa cuộc thi, ban tổ chức đã cho trình chiếu một loạt các hình ảnh kinh hoàng về các nạn nhân bạch tạng bị giết chết, bị tế lễ và cắt xẻ thi thể để lấy chân tay và nội tạng. Được biết, ở vùng Tanzania, chỉ trong thời gian gần đây đã xảy ra 161 vụ tấn công và sát hại người bạch tạng.
Ông Isaac Mwaura, người sáng lập của Hiệp hội Bạch Tạng ở Kenya cho biết: "Đối với những người bạch tạng trẻ tuổi đến với cuộc thi ngày hôm nay, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời họ được có cảm giác rằng mình xinh đẹp và được trân trọng. Tôi hy vọng rằng thế giới sẽ quan tâm đến họ, bảo vệ họ và công nhận vẻ đẹp của họ không chỉ về diện mạo mà cả về nội tâm."
Nhiều gia đình có con bạch tạng luôn bị rình rập tấn công, hoặc bị những kẻ buôn người thuyết phục họ bán con lấy tiền.
Họ không có cơ hội được sống một cuộc đời bình thường, chưa có bộ luật riêng nào để bảo vệ những người bạch tạng.
Thị lực kém là một trong những vấn đề sức khỏe mà người bạch tạng phải gánh chịu.
Theo thống kê và cảnh báo từ Liên Hiệp Quốc, người bạch tạng đang đứng trước hiểm họa bị diệt chủng, nếu không kịp thời có các biện pháp bảo vệ họ.
Cuộc thi Hoa hậu bạch tạng vừa diễn ra cũng đã thay cho lời khẩn cầu tự đáy lòng của cộng đồng người bạch tạng.
Thậm chí có nhiều nhà chính trị trên thế giới đã bị phanh phui về việc sử dụng bùa may mắn từ da và nội tạng của người bạch tạng.
Không ai có thể thấu hiểu được hết nỗi đau của những con người này, khi cả đời họ phải trốn tránh những cuộc truy sát kinh hoàng.
Và giờ đây, lần đầu tiên họ có cơ hội được nói lên tiếng nói của riêng mình, được công nhận và được tỏa sáng.