Thảm cảnh của thổ dân trước vụ cháy rừng Amazon tàn khốc nhất lịch sử: "Chúng tôi đã khóc khi dập lửa, nhiều gia đình mất hết tất cả"

Đạt Lê, Theo Helino 14:55 23/08/2019
Chia sẻ

Trước sức mạnh của thiên nhiên được tiếp tay bởi hành động ưu tiên lợi ích kinh tế, bất chấp môi trường của chính phủ Brazil, những người thổ dân sống dưới tán rừng Amazon đang lâm vào cảnh khốn cùng. Họ vẫn chống chọi từng phút để bảo vệ mảnh đất, ngôi nhà mà mình yêu thương nhưng ngày càng đuối sức trong cuộc chiến này.

Nhiều gia đình mất trắng tất cả

Trong hai tuần qua, Zonalia Santos và hàng xóm của cô đã dành nhiều ngày cố gắng để cứu nhà cửa và mùa màng của họ khỏi đám cháy rừng lớn ở bang Rondonia phía tây Brazil. Santos sống trong một khu định cư với 35 gia đình khác, gia đình cô may mắn giữ được căn nhà của mình nhưng ngọn lửa đã thiêu sạch mọi thứ khác.

Thảm cảnh của thổ dân trước vụ cháy rừng Amazon tàn khốc nhất lịch sử: Chúng tôi đã khóc khi dập lửa, nhiều gia đình mất hết tất cả - Ảnh 1.

Gia đình Santos "mót" những gì còn lại sau các trận cháy liên tiếp

"Chúng tôi đã dành cả ngày để tự mình chữa cháy nhưng đã mất đi các đồng cỏ, cây ca cao, gỗ, quả hạch hoặc quả acai" - Santos nói. Cô và gia đình mình phụ thuộc vào việc trồng cacao để sản xuất sô-cô-la, từ đó họ kiếm được khoảng 100 đô mỗi tháng, vừa đủ để trang trải cuộc sống.

Santos nói rằng họ đã may mắn khi ngọn lửa không bén vào mùa màng của mình nhưng một số gia đình khác thì mất sạch tất cả. "Thiệt hại đến không thể cứu vãn. Trong một lúc nào đó khi chúng tôi dập lửa, chúng tôi bắt đầu khóc. Thật đau buồn khi nhìn thấy mọi thứ mà chúng tôi đã hết lòng yêu thương và bảo vệ bị tàn phá trong một trận cháy".

Thảm cảnh của thổ dân trước vụ cháy rừng Amazon tàn khốc nhất lịch sử: Chúng tôi đã khóc khi dập lửa, nhiều gia đình mất hết tất cả - Ảnh 2.

Số trận cháy rừng Amazon đạt con số kỉ lục vào năm 2019

Thảm cảnh của thổ dân trước vụ cháy rừng Amazon tàn khốc nhất lịch sử: Chúng tôi đã khóc khi dập lửa, nhiều gia đình mất hết tất cả - Ảnh 3.

Cột khói bốc lên có thể nhìn thấy rõ từ trên cao, mảng xanh dần thu hẹp lại

Trung tâm nghiên cứu vũ trụ INPE của Brazil cho biết, khu vực phía bắc và phía tây của Brazil đã chứng kiến sự gia tăng 83% số vụ hỏa hoạn trong tám tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ trong một tuần, có đến 9.017 đám cháy mới đã được phát hiện trong khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới - nơi thường được gọi là "lá phổi của hành tinh".

Đám khói dày đã bay khắp lục địa, buộc các chuyến bay phải hủy bỏ và nhiều người nhập viện do vấn đề hô hấp. Tại São Paulo, người dân đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy bầu trời chuyển sang đen kịt giữa ban ngày mặc dù thành phố này cách nơi xảy ra cháy rừng đến 2.700 cây số.

Thảm cảnh của thổ dân trước vụ cháy rừng Amazon tàn khốc nhất lịch sử: Chúng tôi đã khóc khi dập lửa, nhiều gia đình mất hết tất cả - Ảnh 4.

São Paulo chìm trong tối tăm cả ngày lẫn đêm do khói từ cháy rừng, dù thành phố này cách xa đến 2.700 km

Nếu rừng tiếp tục cháy, cả dòng sông cũng sẽ cạn kiệt và Amazon không còn gì nữa

Tổng thống Brazil - Jair Bolsonaro từ khi nhậm chức đã liên tục đề ra các chính sách khai phá rừng Amazon nhằm khôi phục kinh tế. Đồng thời, ông Bolsonaro còn khẳng định sẽ "không phân định thêm một centimet nào nữa để dự trữ bản địa" trong nhiệm kỳ của mình - điều khiến người thổ dân vô cùng bất bình. Và giờ thì hậu quả đã xảy đến ngay trước mắt, ảnh hưởng sâu rộng đến toàn cầu.

Ivaneide Bandeira - một thành viên của Hiệp hội Kaninde hoạt động để bảo vệ môi trường và các nhóm bản địa ở bang Rondonia - cho biết: "Tình hình ở đây thật tồi tệ, từ hỏa hoạn đến xâm chiếm vùng đất bản địa và tôi đổ lỗi cho chính phủ vì điều này".

Cô Ivaneide nói rằng bầu trời đã liên tục tăm tối suốt nhiều tuần liền, các bệnh viện chứa đầy những người có vấn đề về hô hấp và tất cả các khu bảo tồn bản địa trong bang đã bị ảnh hưởng. Bản thân nhà hoạt động vì môi trường này thì thường xuyên tỉnh giấc vào nửa đêm vì cảm thấy khó thở.

"Các tình huống tồi tệ hơn hàng ngàn lần so với những năm trước, bạn thậm chí không thể so sánh nó. Trong khi đó, chính quyền đang làm suy yếu các biện pháp bảo vệ môi trường" - Ivaneide bày tỏ.

Thảm cảnh của thổ dân trước vụ cháy rừng Amazon tàn khốc nhất lịch sử: Chúng tôi đã khóc khi dập lửa, nhiều gia đình mất hết tất cả - Ảnh 5.

Tại "điểm nóng" cháy rừng, không khí đặc quánh mùi khói và bệnh viện chen đầy người mắc bệnh hô hấp

Khu bảo tồn bản địa Karipuna là một trong nhiều khu vực bị ảnh hưởng. Adriano Karipuna, người thuộc nhóm lãnh đạo của bộ tộc Karipuna, nói rằng nhiều người thân của anh đang bị viêm họng, đau mắt đỏ và ho khan vì khói thuốc. "Ngôi làng của tôi vẫn phụ thuộc vào việc săn bắn và câu cá. Giờ thì các loài động vật đã chết hoặc chạy trốn. Và nếu tiếp tục mất rừng, dòng sông cuối cùng sẽ chết theo và chúng tôi cũng vậy".

Phá rừng tràn lan - tội ác chống lại loài người

Theo News.com.au, có khoảng 1 triệu người bản địa từ 500 bộ lạc sống dưới tán rừng Amazon. Mặc dù phần lớn họ có liên hệ với "thế giới hiện đại" tuy nhiên nhiều bộ tộc vẫn hoàn toàn giữ lối sống truyền thống của mình, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố tự nhiên của rừng.

Trong vụ cháy rừng thảm khốc này, người ta có thể sẽ nhớ đến bầu trời đen kịt của siêu đô thị São Paulo nhưng từ chính nơi ngọn lửa bùng phát, có những sự tang thương mất mát sẽ chẳng bao giờ được biết đến.

Thảm cảnh của thổ dân trước vụ cháy rừng Amazon tàn khốc nhất lịch sử: Chúng tôi đã khóc khi dập lửa, nhiều gia đình mất hết tất cả - Ảnh 6.

São Paulo bị khói mù vây hãm, biến ngày thành đêm thì được truyền thông quốc tế đưa tin rầm rộ. Tuy nhiên trong các cánh rừng chịu thiệt hại nặng nề nhất, có những bộ lạc âm thầm chịu đựng mà chưa bao giờ được biết tới (Ảnh minh họa: BBC)

Mặt khác, chia sẻ "ngôi nhà chung" rừng Amazon đâu chỉ có 500 bộ lạc mà còn có vô số loài thực vật, động vật quý hiếm - nhiều loài thậm chí còn chưa được khoa học ghi nhận. Theo Britannica, một khu vực 4046 m2 điển hình có thể chứa hơn 250 loài cây cỏ.

Điều đáng nói hơn là nhiều nhà sinh thái học lo ngại rằng cháy rừng Amazon 2019 sẽ còn tiếp tục kéo dài do chính phủ Brazil chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn. Đồng thời, các thảm họa như thế này chắc chắn sẽ còn tái diễn do nạn phá rừng vẫn đang diễn ra tràn lan trên toàn cầu. "Đó là một thảm kịch. Một tội ác chống lại Mẹ thiên nhiên và chống lại loài người" - nữ khoa học gia Adriane Muelbert cho biết trên National Geographic. Theo đó, cô mạnh mẽ lên án những hành động phá rừng hay thậm chí chỉ là vô cảm, dửng dưng trước những "lá phổi của hành tinh" đang chết dần vì sự tàn phá của con người.

(Theo Al Jazeera, News.com.au)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày