Thắc mắc kinh điển đêm khuya: Tại sao "cậu nhỏ" luôn... đen hơn phần còn lại trên cơ thể chúng ta?

J.D, Theo Helino 00:10 10/12/2019

Tại sao vùng da luôn được "che chắn" kỹ càng lại có màu sắc sậm màu thế nhỉ? Có lý do cả đấy!

Những tưởng chẳng ai hiểu rõ bản thân hơn chính mình, nhưng sự thật lại không được như vậy. Cơ thể người vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn khoa học vẫn chưa thể giải đáp. Mà kể cả có giải đáp được rồi cũng chưa chắc bạn đã hiểu hết về nó cơ.

Tỉ dụ như câu hỏi luôn lọt top search trên Yahoo Answer, liên quan đến... màu da "vùng kín" của chúng ta chẳng hạn. Đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao vùng da "cậu nhỏ" luôn tối màu hơn phần còn lại của cơ thể chưa, bất kể da dẻ của bạn trắng hay rám đen?

Nếu là một người am hiểu một chút về da, bạn sẽ biết rằng sắc tố da được quy định bởi melanin - còn gọi là hắc tố. Chất này hoạt động giống như một lớp bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng Mặt trời. Nghĩa là với các vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng, melanin sẽ tiết ra nhiều hơn và khiến nó đen đi.

Nhưng nếu vậy thì cớ sao vùng kín - khu vực luôn được... che chắn hết sức kỹ càng lại đen đi được nhỉ?

Thắc mắc kinh điển đêm khuya: Tại sao cậu nhỏ luôn... đen hơn phần còn lại trên cơ thể chúng ta? - Ảnh 1.

Thủ phạm hóa ra rất bình thường

Để trả lời cho thắc mắc kinh điển này, tiến sĩ Cameron Rokhsar và bác sĩ Lindsay Bordone tại New York đã có một bài phỏng vấn trên Daily Mail. Và nguyên nhân được tiết lộ hoàn toàn là vì hormone sinh dục.

Nồng đồ hormone sinh dục trong cơ thể - như testosterone và estrogen có thể gây ảnh hưởng đến các tế bào sản sinh melanin. Các tế bào này sẽ hoạt động mạnh hơn khi chúng ta bước vào tuổi dậy thì - thời điểm hormone được tiết ra mạnh nhất. Và bởi hormone sinh dục tập trung vào một số địa điểm "đặc biệt", nên vùng da ở chỗ đó cũng trở nên tối màu hơn.

Thắc mắc kinh điển đêm khuya: Tại sao cậu nhỏ luôn... đen hơn phần còn lại trên cơ thể chúng ta? - Ảnh 2.

"Các hormone gây ảnh hưởng đến khả năng sản sinh ra hắc tố," - trích lời tiến sĩ Rokhsar. "Một số vùng da bị chịu ảnh hưởng nhiều hơn, nên sẽ trở nên tối màu hơn."

"Như với nữ giới chẳng hạn. Khi còn nhỏ, vùng da quanh ngực rất sáng," - bác sĩ Bordone tiếp lời. "Nhưng khi trưởng thành, lượng hormone tiết ra sẽ làm nó tối hơn, tạo ra cái gọi là quầng nhũ hoa."

"Tương tự, cánh đàn ông con trai cũng vậy."

Đây cũng là lý do vì sao lông tóc trẻ em thường mỏng và sáng màu, nhưng khi trưởng thành lại tối và dày hơn.

Thắc mắc kinh điển đêm khuya: Tại sao cậu nhỏ luôn... đen hơn phần còn lại trên cơ thể chúng ta? - Ảnh 3.

Theo Bordone, đây là một hiện tượng hết sức bình thường. Tuy nhiên trong một số trường hợp, việc vùng kín trở nên quá "đen" có thể là dấu hiệu cho thấy các vấn đề về sức khỏe. "Một số vùng da sẽ trở nên tối hơn nếu lượng đường trong máu của bạn quá cao, là dấu hiệu cho thấy đang hình thành chứng tiểu đường." 

"Vậy nên trong trường hợp thấy sắc tố da đột nhiên biến màu mạnh, tốt nhất là nên đi khám một lần cho chắc."

Tham khảo: IFL Science, How Stuff Work