Loại cây ‘hái ra tiền’ ở Tây Nguyên
Mới đây, báo Vietnamnet đưa tin nhiều nông dân ở Đắk Nông, Đắk Lắk có thể kiếm được 500-700 triệu đồng/năm từ 1ha ca cao, thậm chí có hộ thu được tới 1 tỷ đồng. Ca cao đang trở thành loại cây 'hái ra tiền' cho đồng bào Tây Nguyên.
Điển hình là ông Cầm Bá Biên, 64 tuổi, ở thôn 2, xã Đắk Wil, Đắk Nông. Ông chỉ vào vườn ca cao sau nhà và nói: “Đây chính là lương hưu của tôi đấy”.
Niềm vui của ông Biên bắt đầu từ mùa ca cao năm ngoái. Giá ca cao đột ngột tăng cao, lên khoảng 80.000 đồng/kg, gấp gần 4 lần so với năm trước. Ông bỏ túi gần 300 triệu đồng từ vườn cây.
Nông dân trồng ca cao ở Đắk Lắk. Ảnh: Vũ Sinh/Vietnamnet.
Hàng xóm của ông, ông Nguyễn Kim Đình (72 tuổi), cũng vui mừng khi cây ca cao mang lại lợi nhuận lớn. Ông kiếm được 300 triệu đồng trong vụ mùa trước và đang mở rộng diện tích ca cao.
Hợp tác xã Nhất Tâm ở xã Ea Đar, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) đang thu mua hạt ca cao tươi của nông dân với cam kết giá tối thiểu để nông dân yên tâm phát triển loại cây này. Giám đốc Hợp tác xã, bà Nguyễn Hồng Thương, cho biết, khi nông dân chăm sóc đúng kỹ thuật, họ có thể kiếm được 500-700 triệu đồng/năm từ 1ha ca cao, thậm chí có hộ thu được 1 tỷ đồng. Hợp tác xã đang liên kết với hơn 200 hộ dân trồng và bao tiêu ca cao.
Cũng theo Vietnamnet, diện tích trồng ca cao tại Việt Nam năm 2024 là 2.800 ha, dự đoán sẽ tăng lên hơn 8.000 ha vào năm 2035. Đây là cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, tương đối dễ trồng, có tuổi thọ lên tới vài chục năm. Diện tích trồng ca cao tập trung chủ yếu tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Lợi ích sức khỏe của ca cao
Cây ca cao cho quả chín, được thu hái để lấy hạt làm bột ca cao.
Theo chuyên trang dinh dưỡng Anh BBC Good Food, ca cao chứa nhiều dưỡng chất và là nguồn cung cấp vi chất dinh dưỡng dồi dào như magie, đồng, kali, sắt và kẽm, cùng với các hợp chất thực vật có tính bảo vệ được gọi là flavanol.
Quả ca cao trên cây.
Ca cao rất giàu các hợp chất thực vật gọi là polyphenol, bao gồm flavonol, catechin và anthocyanidin. Lượng và loại hợp chất này có thể thay đổi tùy thuộc vào loại và chất lượng cây ca cao, cũng như mức độ xử lý (lên men, sấy khô, rang, nghiền và ép).
Những hợp chất thực vật này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm: bảo vệ tế bào thần kinh giúp tăng cường nhận thức và tâm trạng; hỗ trợ sức khỏe tim mạch; bảo vệ làn da khỏi tác hại của oxy hóa và giúp cơ thể chống lại các bệnh mãn tính.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy các hợp chất thực vật trong ca cao có thể hỗ trợ giảm cân và tăng cường trao đổi chất. Ngoài ra, các hợp chất này còn cải thiện khả năng sử dụng carbohydrate từ chế độ ăn, quản lý đường huyết và tăng khả năng hấp thu glucose trong cơ bắp, từ đó cải thiện sức bền cơ bắp.
Với hàm lượng polyphenol cao, ca cao có thể tác động đến hệ miễn dịch theo nhiều cách. Trước hết, ca cao kích hoạt các tế bào miễn dịch gọi là T-cell – đóng vai trò trong việc chống lại bệnh tật. Polyphenol còn làm giảm giải phóng kháng thể IgE, từ đó giúp điều hòa phản ứng dị ứng và mang lại tác dụng kháng viêm nhẹ nhưng có ích. Thêm vào đó, ca cao ảnh hưởng đến sự phát triển của lợi khuẩn trong đường ruột, từ đó điều chỉnh mối quan hệ giữa hệ vi sinh đường ruột và các tế bào trong cơ thể.
Bột ca cao được sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm, đồ uống.
Ca cao được ghi nhận là có tác dụng cải thiện cholesterol LDL (lipoprotein mật độ thấp – thường gọi là “cholesterol xấu”) và cholesterol toàn phần. Mặc dù kết quả nghiên cứu còn khác nhau, nhưng việc tiêu thụ ca cao có thể giúp giảm đáng kể LDL và cải thiện nhẹ cholesterol toàn phần ở những người có nguy cơ tim mạch cao.
Các hợp chất thực vật trong ca cao đã được chứng minh là kích thích sản sinh nitric oxide trong lớp nội mạc của mạch máu – giúp mạch máu giãn ra và cải thiện lưu lượng máu, từ đó điều hòa huyết áp. Ngoài việc giảm huyết áp, ca cao còn có các lợi ích khác giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Flavonol trong ca cao dường như giúp tăng lưu thông máu đến cả lớp da trên và dưới, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và vẻ đẹp của làn da. Một nghiên cứu cho thấy mật độ và độ ẩm của da được cải thiện, dẫn đến những thay đổi rõ rệt về mặt thẩm mỹ trên bề mặt da.
(Theo Vietnamnet, BBC Good Food)