Tại sao lãnh đạo không quản những người nhàn rỗi, lại "ưa" quản những nhân viên nghe lời: 3 "chiêu" giúp bạn thoát khỏi tình huống khó chịu

Thiên Tuyết, Theo Trí Thức Trẻ 16:08 10/01/2020

Công ty không phải quân đội, chỉ cần biết vâng lời và chấp hành tốt là được tuyên dương. Đôi lúc bạn càng nghe lời, chỉ càng khiến lãnh đạo tin rằng bạn là nhân viên không đặc biệt, không đủ năng lực.

Jack Ma từng nói: Trong tất cả các loại lý do mà nhân viên dùng để xin nghỉ việc, có 2 điều là đúng và chân thực nhất:

Đầu tiên: Tiền, không xứng với tài.

Thứ hai: Tâm, vì nhẫn nhịn nhiều lần mà sinh ra thất vọng.

Trên thực tế, có rất nhiều nhân viên tính tình chăm chỉ, thật thà xin từ chức bởi vì thấy bản thân mình không được coi trọng. Rõ ràng họ là những người làm nhiều nhất, nhưng tại sao người được trọng dụng lại không phải họ?

Tại sao lãnh đạo không quản những người nhàn rỗi, lại ưa quản những nhân viên nghe lời: 3 chiêu giúp bạn thoát khỏi tình huống khó chịu - Ảnh 1.

1. Người trung thực dễ quản lý, không sợ họ phản bội

Một trong những ưu điểm lớn nhất của người trung thực chính là họ có tinh thần trách nhiệm rất cao. Họ cảm thấy rằng, lãnh đạo đã giao việc cho họ, vậy họ nhất định phải hoàn thành thật tốt. Chỉ cần là nhiệm vụ lãnh đạo giao, họ đều nghiêm túc thực hiện. Nhìn sơ qua thì có vẻ đây là việc tốt?

Không! Chỉ tốt với lãnh đạo, bởi vì những nhân viên như vậy, họ không biết cách đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Có rất nhiều người thuộc kiểu: dùng nỗ lực của bản thân để đổi lấy cơ hội tăng lương và thăng tiến. Nhưng lại có một số không quan tâm đến việc chính mình đang làm việc một cách "quá tải".

Bạn có thể siêng năng, nhưng nên có thời gian cụ thể; bạn có thể "nghe lời" lãnh đạo, nhưng nên có chừng mực, giới hạn.

Bởi vì ở một nơi "cá lớn nuốt cá bé" như doanh nghiệp, "hiền quá" cũng là một cái "tội".

Tại sao lãnh đạo không quản những người nhàn rỗi, lại ưa quản những nhân viên nghe lời: 3 chiêu giúp bạn thoát khỏi tình huống khó chịu - Ảnh 2.

2. Người trung thực tuân thủ quy định, bị "bắt nạt" cũng không dám "trả thù"

Lúc trước, lớp tôi có một bạn tên Khánh, cậu ấy chính là đại diện điển hình cho những người trung thực.

Khi đi thực tập ở công ty du lịch, giám đốc từng hứa với Khánh nếu kiếm được khách hành mới, sẽ chia cho cậu ấy 10% hoa hồng.

Nhưng kết quả những khách hàng mà Khánh kiếm được, đều bị người hướng dẫn, cũng là quản lý phòng kinh doanh trong công ty, nhận hết về phần mình.

Tôi từng bảo Khánh hay là nói việc này với giám đốc đi, nhưng cậu ấy đã phủ nhận và bảo rằng: "Người hướng dẫn của tớ bảo những khách hàng kia sau đó đã đổi ý, không muốn đăng kí tour nữa mà muốn đi riêng."

Cậu ấy tin điều đó, và vì tính cách thành thật này mà suốt 2 năm ra trường, cậu ấy đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi.

Những người thật thà luôn quá tốt bụng, nhưng họ lại không biết rằng lòng tốt của họ rất dễ bị người xấu lợi dụng. Bạn càng nhẫn nhịn, người khác càng cảm thấy bạn dễ bắt nạt.

Tại sao lãnh đạo không quản những người nhàn rỗi, lại ưa quản những nhân viên nghe lời: 3 chiêu giúp bạn thoát khỏi tình huống khó chịu - Ảnh 3.

3. Người trung thực quá nghe lời, khiến lãnh đạo cảm thấy họ không có chủ kiến riêng, cũng không có năng lực

Nhiều nhà lãnh đạo từng phàn nàn với tôi rằng: "Tôi có rất nhiều nhân viên trung thành, nhưng họ lại không có chủ kiến riêng, do đó tôi không biết có nên trọng dụng họ hay không?"

Vậy thực tế, rốt cuộc có phải những nhân viên kia thực sự là người không năng lực, không sáng tạo như lãnh đạo nhận thấy?

Tôi đã thử liên lạc với bọn họ và nhận ra, trong số những nhân viên được nhắc đến, có rất nhiều người tài giỏi. Họ có kiến thức phong phú và tầm nhìn xa, góc độ suy nghĩ sâu sắc và những ý tưởng đáng tin cậy.

Nhưng họ lại không dám nói lên suy nghĩ của mình, bởi vì họ nghĩ chỉ cần thực hiện tốt yêu cầu của lãnh đạo là được. Lý giải theo các bộ phim cổ trang thời xưa chính là: họ quá "ngu trung" rồi.

Công ty không phải quân đội, chỉ cần biết vâng lời và chấp hành tốt là được tuyên dương. Đôi lúc bạn càng nghe lời, chỉ càng khiến lãnh đạo tin rằng bạn là nhân viên không đặc biệt, không đủ năng lực.

Và nếu xui xẻo, khi công ty rơi vào tình huống cần sa thải bớt người, lãnh đạo sẽ giữ người mà họ cho là thông minh, dù không "nghe lời" cũng được. Còn những người trung thực như bạn, họ sẽ xếp vào hàng "vô dụng" và chờ bị sa thải.

Tại sao lãnh đạo không quản những người nhàn rỗi, lại ưa quản những nhân viên nghe lời: 3 chiêu giúp bạn thoát khỏi tình huống khó chịu - Ảnh 4.

4. Vậy làm thế nào để phá vỡ được tình huống khó xử này?

Thứ nhất: Nâng cao kĩ năng chuyên môn, khiến bản thân trở nên mạnh mẽ hơn

Có một câu nói thế này: "Khi ông trời đóng của bạn một cánh cửa, nhất định sẽ mở cho bạn một cánh cửa khác."

Người trung thực có thể chịu thiệt thòi vì dễ bị người khác lợi dụng, nhưng họ có một lợi thế, đó là dễ chuyên tâm và dồn hết sức lực vào công việc.

Thế nên, nếu tận dụng tốt điểm này, nâng cao khả năng bản thân lên từng ngày, thành công với bạn là không khó!

Thứ hai: Tập từ chối những việc mình không thích.

Người thành thật không phải người ngốc. Nhưng bởi vì bản tính lương thiện, thật thà, họ mới sinh ra một "tật xấu" gây tự thiệt thân, đó chính là "ngại từ chối".

Trong tâm lý học, có một phương pháp điều trị gọi là "Giải mẫn cảm". Phương pháp này hoạt động bằng cách cho người bệnh không ngừng tiếp xúc với những chất gây dị ứng để loại bỏ nỗi sợ và lo lắng do dị ứng gây ra.

Những người trung thực cũng như vậy, họ ngày càng dễ bị ức hiếp là do quá nghe lời và sợ từ chối. Do đó, muốn thay đổi, hãy bắt đầu bằng cách từ chối những việc mình không muốn, những người mình không thích.

Thứ ba: Đặt ra cho mình một giới hạn chịu đựng

Vẽ ra một đường ranh giới riêng cho chính mình, ai dám vượt qua giới hạn chịu đựng của bạn, thì nhất định phải dũng cảm, kiên quyết từ chối, đấu tranh.

Ví dụ: Nếu lãnh đạo giao cho bạn quá nhiều công việc, vượt mức quy định, hoặc bắt tăng ca không lương nhiều lần, bạn nên can đảm đứng lên từ chối, nói chuyện này lại với lãnh đạo.

Như vậy, trong tương lai, người xung quanh sẽ không coi bạn là "quả hồng mềm" mà dễ dàng bắt nạt nữa.