Vấn đề trẻ em bị truyền hình phơi bày cảnh báo cả thế giới: Cha mẹ kiểu này là kẻ hại con lớn nhất!

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ số 20:51 18/07/2025
Chia sẻ

Cuộc đời con chỉ có một lần, hãy cho con dũng khí để yêu đời.

Chương trình "Thuyết tương đối" của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) từng công bố một đoạn phóng sự gây chấn động về những đứa trẻ từ 6 đến 16 tuổi đang đối mặt với các vấn đề tâm lý nghiêm trọng.

Tất cả các em đều bị chẩn đoán mắc trầm cảm ở mức độ khác nhau: Có em tự làm đau bản thân vì bố mẹ thường xuyên cãi vã; Có em muốn tự tử vì không chịu nổi áp lực học hành; Có em bị trầm cảm nặng do sống trong sự lo lắng quá mức của bố mẹ.

Các em nói: "Bố mẹ rất phiền, con không muốn ở gần họ". "Con không muốn học, cảm thấy rất đau khổ, chỉ muốn giải thoát bản thân". "Chỉ cần không vui là con lại lấy dao rạch tay".

Vấn đề trẻ em bị truyền hình phơi bày cảnh báo cả thế giới: Cha mẹ kiểu này là kẻ hại con lớn nhất!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Một cuộc khảo sát kéo dài 9 năm, do Bệnh viện An Định Bắc Kinh chủ trì, tiến hành trên hơn 73.000 trẻ em và thanh thiếu niên từ 6-16 tuổi cho thấy: Tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn tâm lý tại Trung Quốc hiện đã lên tới 17,5% - một con số đáng báo động.

01. Giáo dục "miệng nói tự do, tay siết chặt" đang bào mòn tinh thần của con trẻ

Trên mạng xã hội Trung Quốc từng lan truyền câu chuyện của một bé gái 14 tuổi tên Tiểu Hà. Em đã 3 lần tự rạch cổ tay, 2 lần uống thuốc ngủ, 1 lần nhảy sông. Ban đầu, khi con kêu đau đầu, đau bụng, bố mẹ phớt lờ, thậm chí buông lời cay nghiệt: "Nuôi lớn thế này có ích gì? Không chịu học hành thì chỉ là đồ bỏ đi, đồ lười biếng!".

Sự vô tâm và thiếu lắng nghe khiến tâm lý Tiểu Hà ngày một trầm cảm.

Điều đáng nói là thuở nhỏ em từng được nuôi dạy trong môi trường rất thoải mái, bố mẹ cho rằng chỉ cần con khỏe mạnh, vui vẻ là đủ. Nhưng từ năm lớp 3-4, khi điểm số của em bắt đầu tụt dốc, bố mẹ trở nên lo lắng và thay đổi 180 độ:

Bắt em học 3 lớp phụ đạo mỗi tuần;

Ép em làm bài tập thật hoàn hảo, sai là bị mắng, thậm chí bị phạt;

Khi nghe cô giáo phản ánh, mẹ xé bài vở và bắt em làm lại 3 đề mới;

Thấy con nhà người ta học thêm đàn, mẹ cũng lập tức đăng ký cho em lớp piano…

Sự kỳ vọng càng lớn, áp lực lên em càng nặng, khiến đến cấp 2, em bắt đầu chán học, mệt mỏi, lo âu và trầm cảm.

Nhiều cha mẹ ngoài mặt nói:

"Con cứ vui là được, điểm không quan trọng".

"Cuối tuần con muốn chơi hay học trước tùy con".

Nhưng thực tế lại nói:

"Điểm như này thì nghỉ chơi đi nhé".

"Chơi gì mà chơi, bài còn chưa làm!".

Đó là thứ gọi là "tự do giả tạo" - khi cha mẹ tỏ vẻ cởi mở nhưng thực chất luôn áp đặt suy nghĩ của mình lên con. Điều này không chỉ khiến con mất niềm tin, mà còn khiến tâm lý con luôn trong trạng thái lo âu, cảnh giác và sợ hãi.

02. "Giải phẫu tinh thần" - cách cha mẹ vô tình bóp nghẹt ba giá trị cốt lõi của con trẻ

Trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện cụm từ: "Giải phẫu tinh thần" - chỉ những bố mẹ kiểm soát con quá mức, khiến tâm hồn con bị phân rã từng phần, dần mất phương hướng, mất động lực sống, trở nên trầm cảm và phản kháng.

Ba giá trị mà cha mẹ đang vô tình "phá nát" ở con:

(1) Mất đi mục tiêu sống:

Một nghiên cứu từ Đại học London chỉ ra: "Cha mẹ càng kiểm soát, con càng thiếu khả năng tự lập, càng lớn càng dễ trầm cảm và mất phương hướng sống".

(2) Mất đi cảm giác thành tựu:

Nếu con chỉ nhận được lời phê bình, ít được ghi nhận, con sẽ mất đi động lực. Trẻ không cần khen ngợi vô điều kiện, nhưng cần được công nhận đúng lúc để cảm thấy "mình có giá trị".

(3) Mất đi giá trị bản thân:

Nhà tâm lý học Peck viết trong "Con đường ít người đi": "Cảm giác có giá trị từ thời thơ ấu là nền tảng cho sự tự tin cả đời". Nếu cha mẹ luôn chê bai, phủ nhận, con sẽ sống như một "người rỗng ruột", không còn tin vào chính mình.

03. Cha mẹ tốt là người bảo vệ được tinh thần và cảm xúc của con

Ánh sáng mặt trời cũng cần hơn 8 phút mới tới được Trái đất. Đừng quá vội vàng. Hãy cho mình và cho con thêm thời gian. Nuôi dạy con cũng cần kiên nhẫn, thấu cảm và yêu thương.

(1) Hãy thấu cảm thay vì quát mắng

Khi con:

Vui vẻ, hãy lắng nghe và cùng chia sẻ;

Buồn bã, hãy ôm con và nói: "Mẹ hiểu, con đang rất mệt";

Có lỗi, hãy nhẹ nhàng dẫn dắt: "Mình cùng tìm cách sửa sai, không sao cả".

Trẻ không cần cha mẹ hoàn hảo, trẻ cần cha mẹ tử tế.

(2) Hãy cho con thư giãn

Giáo dục không phải để tạo ra học giả, mà để nuôi dưỡng người sống hạnh phúc. Cho con được "thở", được chơi, được sai lầm, đó mới là cách để tâm hồn con lớn lên khỏe mạnh.

(3) Hãy là "bình chứa áp lực" của con

Khi con gặp thất bại, đừng chê bai mà hãy khích lệ: "Lần sau mình làm lại, không sao cả".

Khi con than mệt, đừng gạt đi, hãy hỏi: "Có gì mẹ giúp được không?".

Cho con không gian để giải tỏa: xem phim, nghe nhạc, chơi thể thao...

Khi cha mẹ biết gánh bớt áp lực, con sẽ vững vàng và ít tổn thương hơn.

04. Trẻ trầm cảm, chán học, nổi loạn đều là tín hiệu cần được "lắng nghe"

Con trẻ không tự dưng mà "bị hỏng".

Khi con bắt đầu có biểu hiện bất thường, đừng trách móc, hãy xem đó là lời cầu cứu từ tâm lý con.

Nếu cha mẹ lắng nghe, con sẽ có cơ hội hồi phục.

Nếu cha mẹ thức tỉnh, con sẽ bước ra khỏi bóng tối.

Hãy thay đổi trước khi quá muộn:

Coi con là một con người độc lập, con sẽ tự do hơn;

Tôn trọng mọi nỗ lực dù nhỏ nhất, con sẽ có sức mạnh nội tại;

Lắng nghe những tín hiệu tinh tế từ cảm xúc con, con sẽ dần hướng về ánh sáng.

Cuộc đời con chỉ có một lần hãy cho con dũng khí để yêu đời.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày