Tài khoản ngân hàng của bạn có thể bị dùng làm địa chỉ nhận tiền lừa đảo nếu vô ý làm điều này

Linh San (TH), Theo antt.nguoiduatin.vn 23:01 17/02/2025
Chia sẻ

Người dùng có thể gặp những rủi ro pháp lý nghiêm trọng nếu tài khoản ngân hàng được sử dụng để nhận tiền lừa đảo.

Thời gian qua, cơ quan công an và nhiều ngân hàng cho biết phát hiện các đối tượng lừa đảo hầu hết sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để làm địa chỉ nhận tiền lừa đảo.

Đa phần các tài khoản này là của người những người lao động có thu nhập thấp, người còn thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc học sinh sinh viên,…vì hoàn cảnh khó khăn hoặc do bị dụ dỗ, không biết việc mình mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho tội phạm sử dụng làm công cụ thực hiện lừa đảo trên không gian mạng.

Các đối tượng lừa đảo sử dụng các tài khoản này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền của người bị hại qua nhiều tài khoản nhằm xóa dấu vết, gây khó khăn cho Cơ quan chức năng và Ngân hàng trong quá trình điều tra.

Bên cạnh đó, thời gian qua xuất hiện nhiều thủ đoạn đối tượng giả danh là cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án...không làm việc trực tiếp mà điện thoại hoặc thông qua mạng xã hội Zalo, Viber... liên lạc, hù dọa, yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, mở tài khoản ngân hàng, cung cấp mã OTP (mật khẩu chỉ sử dụng 1 lần được ngân hàng tạo ra gửi đến số điện thoại chủ tài khoản nhằm xác nhận giao dịch) hoặc yêu cầu người dân nộp tiền, chuyển tiền để xác minh, giải quyết các vụ án nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Theo quy định pháp luật, việc thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản, mua, bán thông tin tài khoản ngân hàng có thể bị phạt tiền và/hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 và Nghị định số 23/2023/NĐ-CP ngày 12/05/2023) đối với hành vi: "Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán" với số lượng:

- Từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự" có thể bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng;

- Từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự" có thể bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng;

Để tránh vô tình tiếp tay cho tội phạm hoặc vướng vào các bẫy lừa đảo, khuyến cáo người dân:

1. Không mở và mua, bán tài khoản cá nhân. Trường hợp đã từng mở tài khoản ngân hàng sau đó chuyển cho người khác sử dụng, người dân cần mang giấy tờ cá nhân đến ngân hàng để làm thủ tục đóng tài khoản đó nhằm bảo vệ mình, đồng thời ngăn chặn các đối tượng sử dụng tài khoản làm công cụ phạm tội.

2. Không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu của các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng, ví điện tử và mã OTP cho những người lạ hoặc chuyển tiền cho tổ chức, cá nhân mạo danh cán bộ, cơ quan nhà nước để giải quyết các thủ tục pháp lý, từ đó đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tài sản.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày