Một cuộn giấy vệ sinh, hay thậm chí một thứ hoa quả đều là những vật vô tri vô giác trong đời sống thường ngày, dĩ nhiên chúng không thể có những dấu hiệu sống và hoạt động như loài vật được. Ấy thế mà trong một diễn biến mới nhất, cư dân mạng Trung Quốc đã được một phen hú hồn hú vía khi vô tình phát hiện một cuộn giấy vệ sinh có... nhịp tim khi dùng máy đo thử. Vậy đầu đuôi câu chuyện này ra sao mà khó tin đến như vậy?
Thiết bị có công phát hiện ra dấu hiệu "động trời" đầy nghi vấn này là một chiếc Mi Band 3 của Xiaomi, với chức năng đo quét nhịp tim có sẵn trong hệ thống. Đây là một dạng vòng đeo tay thông minh, có khả năng theo dõi các chỉ số vận động, sức khỏe và vài vai trò khác được điều khiển từ smartphone.
Một thành viên trên mạng xã hội Weibo, trong một phút nghịch ngợm táy máy tò mò, chẳng hiểu sao lại tự đi lấy chiếc Mi Band 3 của mình đi đeo thử cho một cuộn giấy vệ sinh. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như bất chợt, một chỉ số nhịp tim bỗng hiện lên trên màn hình, nói rằng cuộn giấy này đang "đập thình thịch" như bao người bình thường khác. Câu chuyện này đã tạo ra một hiện tượng mạng xã hội, kéo theo rất nhiều người khác làm thử với kết quả hoàn toàn sửng sốt y như nhau.
Rất nhiều bình luận và hình ảnh sôi nổi nói về những phát hiện của mình khi tự tay làm thử.
Quyết không chịu đứng ngoài cuộc chơi rồi giương mắt ếch nhìn, trang tin abacusnews đã dứt khoát vào cuộc, tự tay mua một chiếc Mi Band 3 và thử nghiệm ngay tại trận:
Thử nghiệm cuộn giấy có nhịp tim như con người
Video trên đã tổng hợp lại kết quả mà họ thu được: Quả đúng như lời đồn của cư dân mạng, cuộn giấy vệ sinh được chọn hay thậm chí cả một quả chuối cũng cho kết quả y hệt như khi thử trên cơ thể người. Dù vậy, sau cho biết thực ra tỷ lệ đo được thành công hiện lên nhịp tim chỉ khoảng 25%, nhảy số trong khoảng 59-88 nhịp/phút. Nhưng ít nhất những con số đó là thật, và cư dân mạng không bịa chuyện.
Điều đặc biệt nằm ở chỗ: Không chỉ Mi Band 3 mà ngay cả một chiếc Apple Watch Series 4 mới nhất của Apple và vài phiên bản đồng hồ thông minh Android khác cũng có kết quả tương tự. Cái quái gì đang xảy ra vậy?
Tất cả thực chất đều phụ thuộc vào cơ chế đô nhịp tim của những thiết bị này. Thông thường, công nghệ nhận biết nhịp tim phổ biến của đồng hồ thông minh là ứng dụng quang học, chiếu một tia sáng xanh lên bề mặt da cơ thể, sau đó cảm biến sẽ ghi nhận mức độ phản xạ lại của ánh sáng để biết nhịp đập từ mạch máu. Cụ thể, máu sẽ có xu hướng tiếp nhận bước sóng ánh sáng xanh và phản xạ ánh sáng đỏ - nếu cảm biến ghi nhận sóng ánh sáng xanh bị "nuốt chửng" nhiều, điều đó có nghĩa lưu lượng máu tăng cao và tim đang đập nhanh.
59 nhịp/phút, cuộn giấy này cũng cũng tim à?
Việc các đồ vật có thể gây ra tình trạng khó hiểu trên là vì bề mặt bên ngoài của chúng cũng có khả năng hấp thụ và phản xạ ánh sáng so với cảm biến của đồng hồ. Từ đó, các chuyên gia khi biết chuyện cũng khuyến cáo không nên quá lo lắng về độ chính xác của máy đo, vì chúng vốn được thiết kế riêng cho cổ tay con người, chứ không kèm những nhiệm vụ lạ lẫm như đo tín hiệu sống của một quả chuối bao giờ cả.
Nếu vẫn muốn tìm kiếm một thiết bị không bao giờ nhầm lẫn hiện tượng này, chính chiếc Apple Watch Series 4 của Apple là nhân tố cần được vinh danh. Theo lời giới thiệu của Apple, họ đã cải tiến Apple Watch thế hệ này để có cảm biến điện tim đồ tân tiến theo chuẩn ECG trên thế giới, đo trực tiếp chứ không đơn thuần là chiếu một tia sáng truyền thống gián tiếp kia (tất nhiên cả 2 cách vẫn đều được tích hợp trên Apple Watch). Dù vậy, hiệu quả của nó vẫn cần thêm một thời gian để được người dùng phản hồi và đánh giá xác thực nhất.