Vào khoảng 6 giờ chiều ngày 21/10, trong lúc chuẩn bị bữa tối, chị Cao (tên đã được thay đổi) phát hiện cô con gái 12 tuổi của mình là bé Dao (tên đã được thay đổi) cứ ở lì trong phòng từ lúc đi học về và khóa trái cửa. Sau đó, chị Cao gõ cửa nhưng Dao không trả lời. Lo lắng con gái gặp chuyện chẳng lành, chị tiếp tục gọi tên con. Lúc này, từ trong phòng mới vọng ra tiếng con gái nức nở, hoảng hốt: "Mẹ ơi, con đang bận, không mở cửa được".
Vì giọng nói của con gái có vẻ bất thường, chị Cao càng thêm lo lắng nên kiên quyết yêu cầu Dao mở cửa. Cuối cùng, khi con gái vừa khóc vừa mở cửa thì liên tục nói rằng mình sắp bị bắt.
Lúc này, chị Cao thấy con gái đang gọi video cho một người tự xưng là "cảnh sát" và người này đang yêu cầu Dao cung cấp mã xác thực. Nhớ lại những video về phòng chống lừa đảo mà mình từng xem, chị Cao lập tức nhận ra đây là một vụ lừa đảo mạo danh cảnh sát và nhanh chóng giật lấy điện thoại của con gái.
Ngay sau đó, chị Cao đã trình báo sự việc lên cơ quan chức năng. Cảnh sát khu vực nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Theo lời kể của Dao, cô bé được một người lạ kết bạn và tự xưng là cảnh sát của một thành phố, yêu cầu Dao hợp tác điều tra. Kẻ này còn đe dọa: "Nếu không muốn bị bắt thì phải hợp tác điều tra". Quá hoảng sợ vì chưa từng gặp phải tình huống như vậy, Dao vội vàng làm theo yêu cầu của kẻ gian.
Cô bé không chỉ dùng điện thoại của mình để gọi video cho kẻ lừa đảo mà còn lấy cả điện thoại của bà ngoại để làm theo hướng dẫn. Trong suốt quá trình này, kẻ gian liên tục gây áp lực khiến Dao không dám nghi ngờ. Thậm chí, Dao đã làm theo hướng dẫn đến bước cuối cùng là chuyển tiền. May mắn thay, mã xác thực đã được gửi đến điện thoại của bà ngoại và chị Cao đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi của kẻ gian.
Cảnh sát sau đó đã kiểm tra tài khoản ngân hàng của gia đình chị Cao và thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết. Rất may, không có thiệt hại về tài sản xảy ra. Đồng thời, cảnh sát cũng xóa toàn bộ tin nhắn của kẻ lừa đảo và nhắc nhở chị Cao cần tăng cường giáo dục cho con về vấn đề phòng chống lừa đảo trên mạng.
Sự việc này là một lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh về việc giáo dục con cái kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến, đặc biệt là trong bối cảnh tội phạm mạng ngày càng tinh vi.
Để tránh trường hợp trở thành nạn nhân của lừa đảo online, người dân cần tuyệt đối không công khai thông tin cá nhân (ngày, tháng, năm sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng…) trên mạng xã hội; thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và bảo mật tuyệt đối thông tin các tài khoản trên, gồm: Tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP), số thẻ tín dụng… Khi nhận được tin nhắn hỏi vay tiền qua mạng xã hội, người nhận phải trực tiếp gọi điện thoại cho người vay để xác nhận kỹ thông tin trước khi chuyển tiền.
Nguồn: 163