Trong một tuyên bố mới nhất, Pep Guardiola đã gạt giới chủ Man City sang một bên khi mô tả European Super League (ESL) là "giải đấu phi thể thao và thiếu công bằng".
Thật ra cụm từ này đã trở nên vô cùng quen thuộc trong những ngày qua. Nó được nhắc đi nhắc lại bởi Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin, Chủ tịch La Liga Javier Tebas, Thủ tướng Anh Boris Johnson và nhiều người khác phản đối đề xuất ESL của 12 CLB nổi loạn. Tất cả đều nêu bật "giá trị thể thao và tính công bằng" trong bóng đá, sau đó yêu cầu sự tôn trọng.
Tuy nhiên, có thực sự bóng đá hiện tại còn mang các giá trị thể thao và tính công bằng mà người ta đang cố khoác lên nó? Có lẽ là không.
Pep Guardiola là HLV mới nhất công khai phản đối ESL
Kể từ khi Premier League ra đời, các CLB đã biến thành doanh nghiệp, hay cỗ máy kiếm tiền, thay vì tài sản cộng đồng. Rồi C1, giải đấu vốn dành cho các nhà vô địch quốc gia đổi tên thành Champions League, tạo ra vòng bảng với rất nhiều đội không vô địch, thậm chí xếp thứ 3, 4 hay thứ 5, vẫn được phép tranh tài.
Sắp tới, theo đề xuất của UEFA, Champions League tiếp tục cải tổ lần nữa, với số đội tăng lên 36, số trận vòng bảng tăng thành 10. Dĩ nhiên tiền thưởng sẽ tăng lên. Với công thức phân bổ lợi nhuận, phần lớn sẽ chảy vào túi các đội bóng lớn vốn đã rất giàu.
Phía FIFA, cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới cũng không chịu kém. Họ đã lên ý tưởng tinh chỉnh FIFA Club World Cup thành một giải đấu quy tụ những CLB hàng đầu, và không nhất thiết phải là nhà vô địch của các châu lục.
Rất nhiều nhân vật đứng ra ngăn chặn ESL, bao gồm Chủ tịch UEFA và Thủ tướng Anh
Hệ thống bóng đá cũng là guồng quay kiếm tiền, và các CLB lớn là công cụ chủ yếu. Vì vậy, thật khó để nói về giá trị thể thao nguyên bản vào bây giờ. Đồng thời cũng phi thực tế khi tìm kiếm sự công bằng trong bóng đá.
Hơn hai thập kỷ, Champions League không đón chào nhà vô địch mới ngoại trừ Chelsea, một đội bóng bỗng chốc trở nên giàu có bởi túi tiền không đáy của tỷ phú Roman Abramovich. Sự cục bộ còn thu hẹp đến mức Real đăng quang 4 lần chỉ trong 3 năm, tạo nên chiến tích vô tiền khoáng hậu 3 lần lên ngôi liên tiếp.
Ở các giải vô địch quốc gia, sự phân cực còn rõ ràng hơn. Tại Bundesliga, Bayern 8 lần vô địch liên tiếp và trở thành đội đầu tiên ở Đức đoạt cú ăn 3. Nhìn sang Italia, Inter cũng là đội đầu tiên giành cú ăn 3, sau đó là sự thống trị tuyệt đối trong 9 năm liền của Juventus. Ở Pháp, PSG đoạt ngôi vương 7 lần trong 8 năm, và 4 mùa thâu tóm mọi chiếc Cúp quốc nội. Những đội cán mốc 100 điểm trong một mùa giải cũng xuất hiện ở Premier League, Serie A và Tây Ban Nha.
Chưa cần đến ESL, sự mất cân bằng ở châu Âu đã diễn ra từ lâu, như việc Bayern vừa đoạt cú ăn 3
Chưa bao giờ bóng đá mất cân bằng đến thế. Đôi khi cũng có vài câu chuyện cổ tích xảy ra, như Leicester tại nước Anh mùa 2015/16, nhưng rất hãn hữu. Và cần lưu ý, Leicester cũng nhận được sự hậu thuẫn từ ông chủ nước ngoài, với dòng tiền mới đổ về King Power giúp họ thay đổi hoàn toàn diện mạo.
Người hâm mộ có quan tâm tới giá trị thể thao và tính công bằng? Có. Nhưng họ sẽ hạnh phúc hơn nếu CLB gặt hái danh hiệu và trở nên vĩ đại. Vì vậy, những người yêu mến Chelsea sẽ luôn biết ơn Abramovich, bất chấp ông này "phá hoại bóng đá bằng việc mang tới chiếc xe tăng và bắn ra những đồng bảng Anh" như cựu Phó Chủ tịch Arsenal, David Dein, miêu tả. Người hâm mộ Man City chắc chắn cũng thích Man City dưới thời Sheikh Mansour hơn là lóp ngóp dưới giải hạng 3.
12 đội bóng lớn âm mưu thành lập ESL là những đội đi đầu trong ngành công nghiệp bóng đá
Bóng đá trong thời đại toàn cầu hóa đã không còn là môn thể thao thuần túy với hai đội thắng thua. Nó là một nền công nghiệp với sự tham gia của các nhà tài phiệt, người đại diện thích đẩy giá cầu thủ và những cầu thủ triệu phú, tham gia vào cuộc chơi kiếm tiền bất tận được đạo diễn bởi các tổ chức như UEFA hay FIFA.
Bây giờ, những nhân vật chính, tức nhóm các đội bóng lớn, muốn kiêm luôn vai trò đạo diễn. Vậy là ESL ra đời. Như Chủ tịch La Liga, Javier Tebas nói, "mục đích để làm giàu cho những đội giàu nhất". Hệ lụy là khoảng cách giữa các siêu cường và phần còn lại tiếp tục bị đào sâu. Sự mất cân bằng trở nên mất cân bằng hơn nữa.
Ở một góc độ, đây chỉ là bước tiến của ngành công nghiệp bóng đá vốn dĩ đã xa rời các giá trị thể thao từ lâu. Nhưng người ta khó chấp nhận bởi nó tiến quá xa, quá mạnh mẽ và nhanh chóng đẩy các hệ thống kiếm tiền cũ như Premier League, La Liga hay Champions League vào sự diệt vong. Trong khi đó, người hâm mộ đang tạm hài lòng với những gì đang có và chưa sẵn sàng cho một cuộc thay đổi.