Cách dưỡng môi sai lầm gây hậu quả khôn lường

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 28/06/2013

Vùng môi bạn có thể bị chàm hóa vĩnh viễn đấy nhé!

Cách dưỡng môi sai lầm gây hậu quả khôn lường 1

Cách đây khoảng hơn 1 tuần, em có mua một lọ son bóng dưỡng môi. Sau đó hầu như lúc nào em cũng sử dụng. Cho đến 2 hôm nay, sau khi rửa mặt tẩy trang, em thấy môi mình bị thâm đi, không còn hồng như lúc trước. Em đã ngừng sử dụng và dùng kem đánh răng để tẩy tế bào chết trên môi nhưng không những không khỏi mà còn xuất hiện thêm triệu chứng môi khô rát, cứng, kém mềm mại, chảy máu và rất khó chịu. Mong bác sĩ tư vấn cho em phương pháp thích hợp nhất để chữa khỏi tình trạng trên với ạ! Em xin cảm ơn! (QuyEn...@yahoo.com.vn).
Cách dưỡng môi sai lầm gây hậu quả khôn lường 2

Chào em,

Môi được xếp vào vùng bán niêm mạc. Đây là vùng tiếp giáp giữa môi trường bên ngoài và bên trong cơ thể. Do đó, môi sẽ có một số đặc trưng riêng biệt sau:
 
- Là điểm nhấn của khuôn mặt, thể hiện sức khỏe và sự tươi trẻ của mỗi người thông qua màu sắc và bề mặt môi.
 
- Là vùng da mỏng manh, dễ chịu tác động của ánh nắng mặt trời, thức ăn, hóa chất trong mỹ phẩm hoặc chất tẩy rửa, vi trùng - vi nấm thường trú ở da, lão hóa nhanh hơn da mặt.
- Rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân từ bên trong đường tiêu hóa như vi trùng - vi nấm thường trú trong khoang miệng - đường tiêu hóa, nước bọt, dịch tiết có chứa acid trong lòng dạ dày…
 
Tổn thương môi khô, rát và thâm có thể gặp trong một số trường hợp sau:

- Chàm môi do tiếp xúc với hóa chất, thức ăn.
 
- Viêm môi do vi trùng hoặc vi nấm thường trú ở da hoặc trong đường tiêu hóa trên cơ địa môi vốn đã bị tổn thương sẵn như khô môi do khí hậu.
 
- Một số bệnh nội khoa như bệnh hệ thống, dị ứng thuốc, rối loạn nội tiết, nhất là bệnh lý của tuyến giáp…
 
- Thiếu vitamins nhóm B (Niacin, Riboflavin, PP)
 
- Bệnh lý ác tính của môi khác.

Khô môi, nứt môi, thâm môi, đau rát ở khóe miệng … là những vấn đề thường gặp về môi nhất. Mặc dù không nguy hiểm nhưng chúng có thể gây nên nhiều phiền toái trong sinh hoạt. Nhận biết yếu tố tác động xấu đến đôi môi sẽ rất có ích để hạn chế những vấn đề nói trên. Cụ thể trong trường hợp của em đó là:

- Những thỏi son mềm mại và hương thơm của nó vốn chứa nhiều hóa chất, đặc biệt là dầu mỏ, làm cho môi nhạy cảm dễ bị thâm, khô, nứt, dị ứng.

- Kem đánh răng: nhiều loại kem đánh răng mới có chất chống mảng bám (thường là sodium pyrophosphate) thật sự không tốt với chứng khô môi hay nứt môi.

Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em nên đến khám chuyên khoa Da Liễu để được điều trị tình trạng viêm môi, điều trị bằng thuốc kháng nấm hoặc kháng sinh nếu cần, chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân toàn thân khác.

Ngoài ra, em cũng nên chú ý thực hiện những điều sau để bệnh chóng khỏi:
 
- Tuyệt đối không tiếp xúc hóa chất như mỹ phẩm hoặc các chất tẩy rửa cho vùng môi.
 
- Cân đối chế độ ăn uống sao cho cung đầy đủ Vitamins nhóm B. Các vitamin này có nhiều trong hạt ngũ cốc, rau xanh, thịt, trứng, gan, sữa, men bia rượu…
 
- Dưỡng ẩm và chống nắng cho môi bằng Vaselin, son dưỡng môi có chứa Vitamin hoặc chất chống nắng theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
 
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Cách dưỡng môi sai lầm gây hậu quả khôn lường 3