Đi tìm tương lai nghề nghiệp mới cho người trẻ: Khoa học kỹ thuật sẽ cứu thế giới!

Bài viết: LANA ; Thiết kế: Toran, Theo Trí Thức Trẻ 00:05 23/07/2020

Thế giới này sẽ phát triển mạnh mẽ, tốt đẹp và nhanh chóng hơn nếu chúng ta có thêm nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên viên kỹ thuật. Chúng ta sẽ phát minh ra thêm nhiều cách làm xanh lại môi trường, sản xuất thân thiện với thiên nhiên, phát triển kinh tế tuần hoàn và bền vững, kết nối khoảng cách của những nhóm người khác nhau.

Con người là loài động vật thông minh nhất trái đất. Chúng ta đặt chân lên Mặt trăng, chúng ta chế tạo robot làm thay công việc của mình, chúng ta tìm ra bản đồ gene và cả cách biến đổi gene để thiết kế nên sự sống. Chúng ta đã phát minh ra vô cùng nhiều thành tựu chinh phục tự nhiên. Nhưng nực cười thay, trong một tương lai rất gần thôi, loài người có thể sẽ phải đối diện với việc thiếu hụt những nguồn tài nguyên cơ bản nhất để duy trì sự sống: Không có nước uống, không có khí thở, không có đồ ăn…

Cách khả thi hơn là chúng ta cấp tốc chỉnh đốn lại lối sống để bảo tồn và phục hồi các nguồn tài nguyên. Nền giáo dục cần nhấn mạnh thêm nữa vào khoa học kỹ thuật, nhằm đào tạo thêm nhiều bộ não nghiên cứu giải quyết các vấn đề cộm cán: làm sạch nguồn nước, tẩy ô nhiễm đất, thanh lọc không khí, phát triển năng lượng thay thế cho dầu mỏ, xử lý rác thải, phát triển vật liệu sản xuất bền vững, khôi phục đa dạng sinh học, vân vân. Tương lai của loài người chúng ta phụ thuộc vào khoa học, thật đấy! Thế giới này sẽ phát triển mạnh mẽ, tốt đẹp và nhanh chóng hơn nếu chúng ta có thêm nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên viên kỹ thuật. Chúng ta sẽ phát minh ra thêm nhiều cách làm xanh lại môi trường, sản xuất thân thiện với thiên nhiên, phát triển kinh tế tuần hoàn và bền vững, kết nối khoảng cách của những nhóm người khác nhau…

Nói đao to búa lớn là thế, nhưng bài viết này không đao to búa lớn. Bài viết này chia sẻ cho bạn những kinh nghiệm và hướng dẫn thiết thực hơn: Làm sao để học khoa học tự nhiên hiệu quả? Ngành khoa học kỹ thuật nào dễ xin việc? Những kỹ năng nào bạn nên phát triển đồng thời để tối đa hoá tiềm năng của mình trong ngành khoa học?

Anh Phạm Ngọc Trân - Chuyên viên Viện Thuốc Phóng Thuốc Nổ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Thạc sĩ Kỹ thuật Hoá học, Đại học Công nghiệp Hà Nội

Đi tìm tương lai nghề nghiệp mới cho người trẻ: Khoa học kỹ thuật sẽ cứu thế giới!  - Ảnh 1.

Bí kíp nào để học tốt các môn khoa học tự nhiên?

Tôi yêu thích môn hóa từ năm lớp 8. Tôi tốt nghiệp thạc sĩ kỹ thuật hóa học và có mong muốn được làm việc đóng góp, cống hiến cho nền khoa học nước nhà, nên tôi đã chọn vào viện Thuốc Phóng Thuốc Nổ để công tác.

Ở nước mình, chương trình hóa học tại các bậc cơ sở và phổ thông gồm rất nhiều sự thừa nhận - do bản chất phức tạp của hóa học nên cần làm như vậy để đơn giản cho học sinh tiếp thu. Nhưng có nhiều thứ tôi “không phục” trong sách giáo khoa, nên đã bỏ thời gian đào sâu, học từ căn bản, rồi nhận ra mọi thứ được hệ thống và kết nối rất logic. Đúc kết từ câu chuyện của cá nhân tôi thôi nhé: Muốn học khoa học, đừng “tuân phục” sách giáo khoa! Vì tố chất đầu tiên của một nhà khoa học chính là tò mò và phản biện.

Đi tìm tương lai nghề nghiệp mới cho người trẻ: Khoa học kỹ thuật sẽ cứu thế giới!  - Ảnh 2.

Làm khoa học có đủ sống không?

Trước đây nhiều bạn lo ngại rằng theo ngành khoa học sẽ không đảm bảo kinh tế. Tôi nghĩ, thời thế nay đã khác rồi. Các công việc trong ngành khoa học sẽ tạo ra sản phẩm, sau khi có sản phẩm thì việc triển khai kinh tế hoặc bán lại công trình đều có tiềm năng đảm bảo thu nhập. Cái quan trọng là bản thân của người làm khoa học có đủ tâm huyết với nghề, có bỏ công sức tạo tính đột phá hay không.

Làm khoa học còn đem đến cho bản thân một niềm vui khác, đó là bạn cảm thấy mình đang đóng góp rõ ràng cho sự tiến lên của đất nước. Đất nước muốn phát triển thì cần phải tạo ra được sản phẩm. Để có được sản phẩm đạt chất lượng quốc tế, có sản lượng lớn đủ cung cấp trong nước và dư để xuất khẩu, thì khoa học kỹ thuật đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong tình hình hậu Covid-19, hàng hóa không nhập khẩu được thì việc ý thức tự tạo tiềm lực sản xuất cho đất nước đang nóng hơn bao giờ hết. Đây chính là cơ hội cho các nhà khoa học trong nước thể hiện giá trị của bản thân.

Cá nhân tôi tin rằng: Sau bao nhiêu thế hệ tích lũy kiến thức từ các thế hệ đi trước và từ thế giới, thì các nhà khoa học Việt Nam bây giờ không hề thua kém các nhà khoa học thế giới, có chăng còn thiếu chính là quyết tâm để khẳng định giá trị của mình.

Anh Quách Huỳnh Như Hợp, Cử nhân ngành Khoa học Máy tính, Đại học Kỹ thuật Nanyang (Singapore), Quản lý đối tác - Onnet Consulting Việt Nam, Giám đốc dự án - Onnet Group of Companies

Đi tìm tương lai nghề nghiệp mới cho người trẻ: Khoa học kỹ thuật sẽ cứu thế giới!  - Ảnh 3.

Vài năm trước, cử nhân công nghệ thông tin là rất hot, còn bây giờ ra sao?

Vẫn hot. Và đòi hỏi chất lượng ngày càng tăng.

Các chuyên gia của Bloomberg dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm nay, và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất ASEAN với mức tăng GDP 8,1% trong năm 2021. Nhìn chung, Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn dự đoán trước đây nhờ vào thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát dịch Covid-19 sau khi mở lại nền kinh tế.

Tận dụng đà này, tôi nhận thấy tiềm năng phát triển của đa số các ngành trong nền kinh tế như thời trang, thực phẩm và đồ uống, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp… là khả quan. Ngành công nghệ thông tin cũng đang thay đổi liên tục về chất và lượng để leo lên chuỗi giá trị cao hơn. Tuy nhiên, công nghệ thông tin không nên là một ngành riêng mà phải là một ngành công nghiệp phụ trợ thúc đẩy các ngành khác phát triển đồng bộ trong thời đại công nghiệp 4.0.

Những kỹ năng cần có để phát triển sự nghiệp trong ngành khoa học?

Theo tôi, có bốn kỹ năng các bạn trẻ cần trau dồi nếu có kế hoạch phát triển sự nghiệp trong các ngành khoa học và khoa học ứng dụng. Đó là: ngoại ngữ, khả năng hiểu biết về công nghệ, giao tiếp hiệu quả, và quản trị dự án.

Thời đại này, bạn có rất nhiều thứ để học, kiến thức được cập nhật và thay đổi nhanh chóng. Việc dựa vào các chương trình giáo dục hoặc giáo viên để dạy cho mình mỗi khi cần kỹ năng nhỏ hay thông tin nào đó để làm việc đôi khi sẽ làm trễ nải mọi thứ. Bây giờ bạn phải tự tìm, học và thực hành trên mạng rất nhiều. Và bao nhiêu phần trăm thông tin trên mạng có thể được truy cập bằng tiếng Việt? Chính vì vậy, trình độ tiếng Anh sẽ quyết định số lượng, chất lượng và độ nóng sốt của các thông tin mà bạn tìm thấy và truy cập.

Hơn 2/3 công việc sẽ được cập nhật lên mạng trong tương lai. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi bạn làm việc trong văn phòng theo khung từ 9 giờ sáng đến 6 giờ tối, thì bạn vẫn phải giao tiếp trực tuyến với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng. Bạn sẽ “vô dụng” nếu không biết xài các công cụ kỹ thuật số để thu thập và tổ chức dữ liệu, trình bày thông tin, chia sẻ tài liệu, cập nhật tiến độ.

Đi tìm tương lai nghề nghiệp mới cho người trẻ: Khoa học kỹ thuật sẽ cứu thế giới!  - Ảnh 4.

Kỹ năng giao tiếp hiệu quả không có nghĩa là việc bạn có thể hi hi ha ha vui vẻ như thế nào với các thành viên thân thiết trong nhóm, trong công ty. Giao tiếp hiệu quả là khả năng dùng ngôn từ chuẩn xác, biết trình bày ý tưởng của mình một cách mạch lạc và sinh động, hiểu hành vi của con người, hiểu các yếu tố tác động như văn hóa, tôn giáo – tất cả nhằm có thể cộng tác hiệu quả với nhiều người bên ngoài như nhà đầu tư, các cộng sự, khách hàng, tình nguyện viên dự án.

Cuối cùng là khả năng tự tổ chức và quản lý dự án, có thể làm việc mà không cần người giám sát. Khi tập được cho mình khả năng thích nghi không giới hạn và tự tạo động lực, bạn sẽ có nhiều tự do hơn để biến các ý tưởng trở thành hiện thực.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Nhân, Trưởng Khoa Sinh học - Công Nghệ Sinh Học, Trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Đi tìm tương lai nghề nghiệp mới cho người trẻ: Khoa học kỹ thuật sẽ cứu thế giới!  - Ảnh 5.

Thế kỷ 21 được gọi là thế kỷ của Công nghệ sinh học khi nhiều nước đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn này. Vậy triển vọng việc làm trong ngành này tại Việt Nam như thế nào?

Công nghệ sinh học, nói một cách đơn giản là sử dụng các sinh vật, quá trình hay phân tử sinh học để tạo ra những sản phẩm góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Có thể nói những “ông tổ” của nghề làm nước mắm, làm rượu, làm tương, nem chua… của chúng ta đều là những “nhà công nghệ sinh học”, vì đằng sau những quy trình thủ công mà họ mày mò làm ra, bản chất đều là tạo điều kiện cho các sinh vật và quá trình sinh học diễn ra để tạo sản phẩm.

Từ những năm 1980, công nghệ sinh học hiện đại trên thế giới bắt đầu ứng dụng mạnh mẽ thêm công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ protein - enzyme, công nghệ môi trường, tin sinh học, và gần đây là công nghệ nano, công nghệ in 3D, kỹ nghệ mô, công nghệ chỉnh sửa hệ gen, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và blockchain. Tất cả sự kết hợp liên ngành và đa ngành này đã mang đến những sản phẩm và công nghệ ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó 4 lĩnh vực mà công nghệ sinh học đang phát triển mạnh mẽ là y dược, nông nghiệp, công nghiệp và môi trường.

Nhờ có công nghệ sinh học hiện đại phát triển, chúng ta mới có các kỹ thuật chẩn đoán và phát hiện bệnh nhanh chóng và chính xác hơn. Điển hình nhất là trong giai đoạn COVID-19 này, nhờ vào các kỹ thuật công nghệ sinh học như Realtime-PCR hay ELISA, chúng ta mới tạo nên các bộ kit xét nghiệm nhanh chóng và chuẩn xác. Công nghệ sinh học cũng đã nghiên cứu và sản xuất ra hàng loạt thuốc mới, liệu pháp mới giúp điều trị những căn bệnh mà thế hệ ông bà ta cứ nghĩ là “nan y” như HIV/AIDS, một số dạng ung thư, khiếm thị, khiếm thính, vô sinh…

Nhờ công nghệ sinh học, ngành nông nghiệp đã cải tiến theo hướng tiết kiệm tài nguyên, ít lạm dụng phân bón, thuốc hoá học, gia tăng chất lượng, giá trị dinh dưỡng. Thậm chí thế giới còn đang trên con đường sản xuất thịt nhân tạo thay cho thịt động vật chăn nuôi, để tiêu tốn ít đất, ít nước và thải ít khí nhà kính hơn.

Đi tìm tương lai nghề nghiệp mới cho người trẻ: Khoa học kỹ thuật sẽ cứu thế giới!  - Ảnh 6.

Ngành công nghiệp nhờ có công nghệ sinh học mà các hoá chất được sản xuất bằng công nghệ sạch - xanh hơn, thay thế cho các sản phẩm từ hoá dầu, như nhựa sinh học, tơ sinh học, thuốc nhuộm sinh học, nhiên liệu sinh học… Môi trường được cải thiện tốt hơn nhờ các công nghệ xử lý nước thải, xử lý tràn dầu, xử lý đất nhiễm độc bằng các vi sinh vật và thực vật chuyên biệt, các công nghệ tái chế phụ, phế phẩm thành những sản phẩm có giá trị như nuôi vi tảo để thu dầu sinh học từ khí thải CO2 của nhà máy, nuôi ruồi lính đen để thu ấu trùng làm thức ăn chăn nuôi từ phân thải chăn nuôi…

Trong khoảng 5-10 năm tới, ngành Công nghệ sinh học được dự đoán sẽ trở thành ngành nghề mũi nhọn cùng với sự phát triển của công nghệ. Bởi vì, các vấn đề sức khỏe và phát triển môi trường bền vững đang là một vấn đề bức thiết và Công nghệ sinh học là một nhân tố then chốt giúp giải quyết những điều đó một cách hiệu quả. Nhìn chung, cơ hội phát triển trong ngành học này rất lớn.

Nếu yêu thích việc nghiên cứu để làm ra những công nghệ và sản phẩm mới, bạn có thể trở thành nhà nghiên cứu tại các trường đại học lớn, các viện, trung tâm (như Viện Công nghệ sinh học, các Trung tâm Công nghệ sinh học của các tỉnh thành, Viện Tế bào gốc...) hoặc các bộ phận “R&D” (Research and Development) của một số tập đoàn hay công ty có triển khai các dự án đầu tư cho ngành công nghệ sinh học như VinGroup, FPT, Nanogen, Vietnam Food, UV Việt Nam...

Nếu bạn muốn tiếp cận ngay với một quy trình sản xuất hay một dịch vụ đã thương mại hoá thành công, bạn có thể cân nhắc vị trí nhân viên quản lý và đảm bảo chất lượng (QC&QA), kỹ thuật viên phòng thí nghiệm hay nhân viên phòng khám tại các công ty, bệnh viện, phòng khám như Ajinomoto, Vinamilk, Rhoto, Frieslandcampina, Khoa Thương, Bệnh viện Vạn Hạnh, Bệnh viện Mỹ Đức...

Bạn cũng có thể đi theo hướng thương mại, phát triển nghề nghiệp trong mảng sales và marketing cho các công ty kinh doanh về hoá chất, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ công nghệ sinh học. Kiến thức sinh học nói riêng và khoa học nói chung hỗ trợ cho công việc của các bạn khá tốt. Lấy ví dụ về việc bán một chiếc máy phục vụ trong y tế nhé. Nếu bạn học thuần về thương mại, không có nền tảng sinh học thì sẽ khó giải thích được cho bác sĩ hiểu cái máy này vận hành như thế nào để thuyết phục bệnh viện nhập máy.

Nhưng nói như vậy không hẳn tất cả là màu hồng. Nếu chọn công nghệ sinh học hay các ngành khoa học làm hướng đi tương lai cho mình, các bạn trẻ cũng nên xác định rõ một chút:

Học và làm khoa học đòi hỏi tính kiên nhẫn và chấp nhận. Có thể bạn sẽ phải thử đi thử lại, thất bại rất nhiều lần trong phòng thí nghiệm để rồi nhận ra đề tài của mình là… không khả thi. Có thể đề tài của bạn có tiềm năng nhưng sẽ không tìm được nguồn lực để phát triển. Nói riêng về lĩnh vực công nghệ sinh học, ví dụ như để nghiên cứu sản xuất được một loại thuốc mới thì cần đến 600 triệu USD – 1 tỷ USD và mất 8 – 10 năm, không phải công ty nào cũng có khả năng đầu tư mạo hiểm với rủi ro cao như vậy.

Nhà khoa học cần biết kết nối. Quan điểm rằng nhà khoa học chỉ cần làm việc trong phòng thí nghiệm thôi đã không còn đủ nữa rồi. Thế giới phẳng và có nhiều cơ hội, nhưng nếu không có kết nối thì rất khó để nắm bắt được cơ hội. Ví dụ như bạn có một đề tài khoa học tiềm năng, nếu bạn biết kết nối - bạn hoàn toàn có thể làm việc với các trường đại học, các phòng nghiên cứu lớn, các doanh nghiệp đầu tư để có thêm cơ sở vật chất và nhân lực thực hiện nó, cho đề tài của mình “cơ hội sống” tốt nhất.

Tự trau dồi kiến thức liên ngành, như kết nối các ngành khoa học với nhau, kết nối khoa học với xã hội, hoặc kết nối khoa học với thương mại. Khi có cái nhìn liên ngành, bạn có thể nhìn ra được là vấn đề nào trong cuộc sống đang cần áp dụng khoa học công nghệ để giải quyết. Hoặc bạn sẽ biết nên vận dụng nền tảng khoa học kỹ thuật của mình để kinh doanh gì cho phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển.