"Sư Thích Minh Tuệ" mong mọi người đừng ai cho nhiều vì chỉ nhận vừa đủ một bữa ăn

Trang Anh, Theo Đời Sống Pháp Luật 20:59 18/05/2024
Chia sẻ

Năm 2015, khi ấy 34 tuổi, ông Tú bất ngờ xin gia đình đi tu. Từ đó, "sư Thích Minh Tuệ" không liên lạc gì với gia đình.

Nhặt vải may lại làm quần áo mặc, mỗi ngày chỉ ăn 1 bữa

Thời gian gần đây, hình ảnh một người được gọi là "sư Thích Minh Tuệ" (tên thật là Lê Anh Tú, 43 tuổi, quê Nghệ An) trang phục mang hình thức như tu sĩ Phật giáo đi bộ qua các tuyến đường từ Nam ra Bắc thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đặc biệt, trong quá trình trò chuyện với mọi người, ông Tú luôn xưng "con".

Ông Lê Anh Tú cho biết, trước kia từng có thời gian ngắn tu tập tại một ngôi chùa và pháp danh Thích Minh Tuệ đã được đặt tại ngôi chùa này. Tuy nhiên, thời gian sau đó, ông không còn duyên ở chùa nên đã ra ngoài và vẫn giữ pháp danh này.

Nhiều năm qua, ông chỉ nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tập học tu hạnh đầu đà. Ông bắt đầu đi bộ tới nhiều tỉnh thành từ năm 2017 và đến nay đã đặt chân đến gần như khắp mọi miền đất nước.

"Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Con chỉ muốn thực hành những lời dạy của đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình", VnExpress dẫn lời ông Tú nói.

Sư Thích Minh Tuệ mong mọi người đừng ai cho nhiều vì chỉ nhận vừa đủ một bữa ăn - Ảnh 1.

"Sư Thích Minh Tuệ" trò chuyện với người dân lúc dừng chân nghỉ ngơi - Ảnh: Người lao động

"Sư Thích Minh Tuệ" cho biết, vì theo khổ hạnh đầu đà nên quá trình đi bộ ông nhặt vải vứt bên đường hoặc trong thùng rác để may lại làm quần áo mặc và khi qua các sông suối thì ông sẽ dừng lại để tắm rửa. Mỗi ngày ông chỉ ăn 1 bữa, đến tối thì nghỉ ngơi bên đường hoặc các nghĩa trang. Vì vậy ông cũng mong mọi người đừng ai cho nhiều vì ông chỉ nhận vừa đủ một bữa ăn và nước uống vừa đủ dùng.

Trong quá trình ông Tú đi bộ, nhiều người mang áo giống nhà sư đi theo. Ông Tú cũng xác nhận, họ không phải đệ tử và đồ đạc ông tự mang, không cần những người đi cùng bảo vệ nhưng nếu ai muốn đi cùng thì ông không cản. Khi dừng chân nghỉ ngơi ông trò chuyện với họ và vẫn nói rằng muốn đi thì đi, muốn về thì về, nhưng nhớ phải xin phép gia đình, nếu khi nào cảm thấy không muốn tiếp tục hành trình thì có thể trở về nhà.

Sư Thích Minh Tuệ mong mọi người đừng ai cho nhiều vì chỉ nhận vừa đủ một bữa ăn - Ảnh 2.

Từng bước chân của "Sư Thích Minh Tuệ" được nhiều người theo dõi - Ảnh: Tiền Phong

"Đi là để tu tập, tu hạnh, giữ giới theo lời Phật dạy, chứ đi theo để nhận tiền, để phát tán tờ rơi hay để làm những việc gì khác thì những người đó tự chịu chứ con không liên quan tới họ. Còn con không liên quan đến tổ chức gì cả", báo Người lao động dẫn lời ông Tú chia sẻ.

Trong suốt nhiều năm qua, ông Tú cũng cho biết không dùng điện thoại nên không liên lạc với gia đình. Tuy nhiên, trong lòng ông lúc nào cũng ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và luôn nguyện cầu cho người thân, gia đình được may mắn, bình an.

34 tuổi xin cha mẹ xuất gia

Ông Lê Xuân (84 tuổi, trú xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) là bố đẻ của ông Lê Anh Tú cho biết trên Người lao động rằng quê ông ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1994, gia đình ông chuyển vào xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai sinh sống.

Ông Xuân có 4 người con, ông Tú là con thứ 2 trong gia đình. Trước kia, ông Tú là một người con ngoan, học khá. Sau khi học xong phổ thông, ông Tú đi bộ đội rồi học một trường trung tấp ở tỉnh Gia Lai. Ra trường, ông Tú làm đo đạc cho một công ty tại Phú Yên. Theo ông Xuân, con trai ông từ xưa không bao giờ thấy có bạn gái hay có tư tưởng muốn lấy vợ. Đến năm 2015 thì ông Tú bất ngờ quyết tâm xuất gia.

Sư Thích Minh Tuệ mong mọi người đừng ai cho nhiều vì chỉ nhận vừa đủ một bữa ăn - Ảnh 3.

Ông Tú thời trẻ - Ảnh: Người lao động

Trước khi đi tu, ông Tú đã tặng cho cha mẹ mỗi người 8m vải vàng. Ngoài ra ông Tú tặng cha chiếc chiếc đồng hồ, một điện thoại, một tủ lạnh. Theo ông Xuân từ khi đi tu, con trai không liên lạc gì với gia đình nữa cho đến khi thời gian gần đây xem được các video của con trên mạng.

Ông Xuân nhìn thấy con gầy, đen cũng rất thương nhưng nghiệp của con mình như vậy thì gia đình luôn ủng hộ và mong con chân cứng đá mềm, không ham mê vật chất, tiền bạc và tu thành chính quả.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam: "Sư Thích Minh Tuệ" không phải là tu sĩ Phật giáo

Ngày 16/5, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đã ký văn bản số 151 thông báo về việc người được mạng xã hội gọi là "Sư Thích Minh Tuệ" không phải là tu sĩ Phật giáo.

Theo thông báo, người này tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông Lê Anh Tú sinh sống tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Thông báo nêu, trong những ngày vừa qua, trên mạng xã hội Tiktok, Facebook, Youtube, Instagram... xuất hiện nhiều hình ảnh, clip về người đàn ông mang hình dáng nhà sư đi bộ hành dọc tuyến đường từ Khánh Hòa ra Hà Giang và ngược lại.

Trong lộ trình đi bộ qua các địa phương đã có nhiều người dân và phật tử tập trung với số lượng đông, cúng dàng vật phẩm, thức ăn tạo ra nhiều hình ảnh, clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến giáo hội.

"Trong mấy ngày nay, ông Lê Anh Tú đang đi bộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh hướng về Khánh Hòa. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố có thông báo tới đông đảo phật tử và nhân dân được biết để không ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư; liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm GHPGVN" - công văn của giáo hội có nêu rõ.

Xác nhận thông tin của giáo hội, ông Tú cũng khẳng định mình không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và bản thân cũng "cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó".

Về thông tin ông Lê Anh Tú từng làm công việc đo đạc địa chính tại tỉnh Phú Yên, cơ quan chức năng tỉnh này xác minh cho thấy từ trước đến nay, chưa có cán bộ địa chính nào từ xã đến huyện, đến tỉnh có tên Lê Anh Tú, quê Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, qua mở rộng xác minh cho thấy trước đây có 1 người tên Lê Anh Tú, quê Hà Tĩnh làm công tác đo đạc địa chính cho 1 công ty tư nhân có trụ sở tại tỉnh Phú Yên.

Tổng hợp

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày