Lý do Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản thông báo về ông Thích Minh Tuệ

NAM AN (T/H), Theo Phụ nữ mới 07:48 18/05/2024
Chia sẻ

Thượng tọa Thích Đức Thiện đã lý giải rõ hơn về văn bản liên quan đến ông Lê Anh Tú bộ hành xuyên Việt với danh xưng “pháp danh Minh Tuệ”.

Ngày 16/5, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký văn bản thông báo ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Liên quan đến văn bản thông báo nói trên, chia sẻ trên báo Giác Ngộ, Thượng tọa Thích Đức Thiện đã lý giải quan điểm, mục đích của Giáo hội trước hiện tượng ông Lê Anh Tú bộ hành xuyên Việt với danh xưng “pháp danh Minh Tuệ”.

Lý do Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản thông báo về ông Thích Minh Tuệ - Ảnh 1.

Ông Thích Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú, quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Theo đó, mục đích phát hành thông báo liên quan tới hiện tượng một công dân Việt Nam Lê Anh Tú (SN 1981 tại Hà Tĩnh, sinh sống tỉnh Gia Lai) bộ hành xuyên Việt, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, GHPGVN luôn luôn hướng dẫn, cổ vũ, khuyến tấn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Tăng Ni, Phật tử và mọi người trong xã hội bày tỏ niềm tin, thực hành giáo pháp, kính ngưỡng, phụng hành lời dạy của Đức Phật, tu tập các pháp môn của đạo Phật theo đúng Chính pháp, giới luật Phật chế, cũng như phải tuân thủ theo pháp luật Nhà nước.

Giáo hội tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; cũng như quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo của tất cả mọi người dân. Đồng thời, Giáo hội có trách nhiệm xử lý các tổ chức, cá nhân có những phát ngôn, thông tin truyền thông có nội dung xuyên tạc, thiếu chính xác, thiếu khách quan liên quan đến Phật giáo và GHPGVN.

Tu tập theo hạnh đầu đà là một trong số các pháp môn mà người tu học Phật pháp thực hành. Hiện nay có những Tăng Ni GHPGVN đang thực hành hạnh đầu đà, tu khổ hạnh tại các chùa, cơ sở tự viện theo đúng Chánh pháp và các quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp bộ hành của ông Lê Anh Tú đã bị các Tiktokers, Youtubers lợi dụng đẩy hình ảnh câu views và đưa ra nhiều bình luận xúc phạm tới đạo Phật và GHPGVN. Đây đang là vấn nạn câu views lợi dụng hình ảnh Phật giáo rất cần chấn chỉnh hiện nay.

Do đó, Giáo hội có thông báo để tránh biến tướng đồng hóa với Phật giáo, như một vài trường hợp đáng tiếc: “5 chú tiểu”, các “nhà sư” ở Long An tham gia các trò chơi giải trí "Thách thức danh hài", ca hát… nổi sóng dư luận trong thời gian dài.

Liên quan đến sự việc này, chia sẻ với báo Vnexpress vào ngày 17/5 khi dừng chân tại địa phận xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, ông Thích Minh Tuệ (tên thật là Lê Anh Tú, 43 tuổi) cho biết quê gốc ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1994, gia đình chuyển vào tỉnh Gia Lai sinh sống. Trước đây ông từng có thời gian ngắn tu tập tại một ngôi chùa, được đặt pháp danh là Thích Minh Tuệ. "Minh có nghĩa là sáng, tuệ là trí tuệ, ý nghĩa cái tên là con đường soi sáng. Sau này khi cảm thấy không còn duyên ở chùa, con ra ngoài và vẫn giữ pháp danh này", ông giải thích.

Ông Tú cho hay mình không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những năm qua, ông chỉ nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tập học tu hạnh đầu đà. Tu hạnh này có 13 pháp khổ hạnh, trong đó hạnh đầu đà là một trong những pháp môn cao nhất và kinh điển nhất của Phật pháp. Người tu hạnh đầu đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở (mặc áo vá, khất thực, ngày ăn một bữa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi...).

Để theo tu hạnh đầu đà, ông Tú bắt đầu đi bộ tới nhiều tỉnh thành từ năm 2017. Thời gian đầu, đôi lúc ông di chuyển bằng xe khách. Năm 2020 đến nay, ông Tú luôn bộ hành tuyệt đối, chỉ đôi lúc di chuyển bằng đường thủy thì phải dùng thuyền hoặc đò qua sông. Đến nay, ông đã đặt chân đến gần như khắp mọi miền đất nước, chỉ còn ba tỉnh Tây Ninh, Trà Vinh, Bến Tre là chưa tới bởi những địa phương này không nằm trên trục đường chính.

Phản hồi việc Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Tú không phải là tu sĩ Phật giáo, ông Tú nói không liên quan đến văn bản trên. Từ lâu nay ông chưa từng nhận là tu sĩ và bản thân cũng "cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày