Sự thật về “gái hư” của làng trượt băng Mỹ trong phim tranh Oscar "I, Tonya"

Nguyễn Vân, Theo Trí Thức Trẻ 16:00 06/03/2018

Màn hóa thân vào một trong những nữ vận động viên tai tiếng nhất của làng thể thao Mỹ trong "I, Tonya" đã giúp kiều nữ sinh năm 1990 – Margot Robbie có được đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp.

I, Tonya không được tham gia tranh giải hạng mục Best Pictures (Phim xuất sắc nhất) ở giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar, nhưng Margot Robbie, nữ chính của bộ phim, vẫn xuất hiện trong đề cử hạng mục Nữ chính xuất sắc nhất với vai diễn Tonya, còn Allision Janney cũng đã chiến thắng ở hạng mục Nữ diễn viên phụ.

Sự thật về “gái hư” của làng trượt băng Mỹ trong phim tranh Oscar I, Tonya - Ảnh 1.

Vào đầu những năm 1990, Tonya Harding (Margot Robbie) được xem như là "báu vật" của bộ môn trượt băng nghệ thuật Mỹ. Cô đã giành chức vô địch trượt băng Mỹ và sau đó là giải bạc tại giải thế giới vào năm 1991. Không những thế, cô gái này còn là một trong số ít người từng thực hiện thành công "triple axel" (cú xoay ba vòng trên không) – một trong những kỹ thuật rất khó của bộ môn trượt băng thời bấy giờ.

Năm 1994, Tonya và người đồng nghiệp Nancy Kerrigan bị xếp vào thế phải cạnh tranh nhau để lấy chiếc vé duy nhất tham dự Thế vận hội mùa đông. Một vụ scandal lớn xảy ra khi Nancy bị đánh gãy chân tại giải National Figure Skating.

Sự thật về “gái hư” của làng trượt băng Mỹ trong phim tranh Oscar I, Tonya - Ảnh 2.

"I, Tonya" trên phim (trái) và nhân vật ngoài đời thật

Hung thủ được xác định là Jeff Gilllooly (Sebastian Stan) – chồng cũ của Tonya và tay vệ sĩ Shawn Eckhardt. Mối liên hệ này khiến cho Tonya bị kéo vào vòng xoáy chỉ trích khủng khiếp. Giới truyền thông quy kết cô là kẻ chủ mưu gây ra sự việc, quan tòa phán quyết cô 3 năm tù treo vì tội thông đồng và đỉnh điểm là quyết định cấm thi đấu vĩnh viễn. Đang ở trên đỉnh vinh quang, Tonya bỗng chốc rơi xuống địa ngục của sự chế giễu, gièm pha có lẽ sẽ mãi theo cô tới suốt cuộc đời.

Hành trình đẫm máu và mồ hôi của một vận động viên thể thao

Để có được phút giây thăng hoa trên sân đấu cùng không khí ca tụng nhất thời của công chúng khi chứng kiến chiến thắng, các vận động viên thể thao đã phải bỏ ra hàng năm trời khổ luyện. Cuộc đời của một con người theo đuổi sự nghiệp thể thao chưa bao giờ là dễ dàng. Họ phải đánh đổi nhiều thứ, thời gian, công sức, mồ hôi và đôi khi là cả máu.

Sự thật về “gái hư” của làng trượt băng Mỹ trong phim tranh Oscar I, Tonya - Ảnh 3.

Tonya Harding là một ví dụ như thế. Bên cạnh thiên khiếu trượt băng, bản thân cô cũng phải trải qua những tháng ngày khổ luyện vất vả. Cùng với đó, là sự quản thúc có phần độc tài của người mẹ ruột khắc nghiệt.

Với một vận động viên, bản lĩnh và tâm lý luôn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành bại trong thi đấu. Tonya Harding có tài – khi thực hiện được 2 cú xoay 3 vòng lúc mới 15 tuổi. Tonya cũng rất yêu trượt băng – cô đã khóc và rũ bỏ danh dự bản thân để cầu xin được tiếp tục gắn bó với sân băng.

Tai tiếng của Tonya vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Nhưng điểm mà không ai có thể bác bỏ được, chính là nghị lực vượt qua những khó khăn bên ngoài cuộc sống để tạo ra thăng hoa trong thể thao của Tonya. Đây là điểm xung đột mà phim đã khắc họa rất tốt, níu kéo sự đồng cảm của khán giả dành cho nhân vật.

"Bôi đen" sự thật để tạo ra cảm xúc

I, Tonya là một tác phẩm tiểu sử, khắc họa cuộc đời của nữ vận động viên người Mỹ từ năm cô 15 tuổi đến khi 44 tuổi. Một giai đoạn ngắn của đời người nhưng là quá đủ để khán giả nắm được những nhân tố tác động đến tính cách, sự nghiệp của Tonya.

Theo phim, cuộc đời và sự nghiệp của Tonya luôn bị nhấn chìm trong bao lực và sự áp chế tinh thần. Lúc nhỏ, cô phải sống trong sự hà khắc của một bà mẹ độc đoán, bạo lực. Khi lớn lên, cô gái thiếu thốn tình cảm lại rơi vào lưới tình của một người đàn ông rượu chè, tính tình vũ phu.

Sự thật về “gái hư” của làng trượt băng Mỹ trong phim tranh Oscar I, Tonya - Ảnh 4.

Những con người quan trọng trong cuộc đời Tonya khiến cô bật khóc ngoài đời nhưng lại là nhân tố thúc đẩy, giúp cô tỏa sáng trong sự nghiệp. Càng chịu nhiều căng thẳng, áp lực thì Tonya lại càng trượt hay hơn. Sân băng giống như nơi để cô gái giải tỏa mọi kìm nén, ức chế và chịu đựng bấy lâu nay.

Đạo diễn Craig Gillespie đã rất khéo léo trong việc tái hiện lại câu chuyện đời tư của Tonya. Nhưng việc tạo ra quá nhiều thương cảm cho Tonya lại khiến cho tác phẩm vấp phải sự tranh cãi.

Craig đã chọn cách kể chuyện theo lối hài châm biếm (black comedy) kết hợp với phong cách quay phim giả tài liệu để hạn chế việc phán xét cá nhân, áp tiêu chuẩn đạo đức của bản thân vào nhân vật. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy bộ phim của đạo diễn người Australia là một sự "đổi trắng thay đen", tô hồng cho những tội lỗi mà Tonya đã thực hiện.

J.E.Vader – người đưa tin về scandal 24 năm trước đã trực tiếp viết thư tố cáo phim bóp méo sự thật. Theo nhà báo, nhiều chi tiết trong phim đã bị hư cấu và toàn bộ tác phẩm giống như một sự đổ lỗi dành cho nhân vật Shawn Eckhardt – kẻ đồng lõa hiện đã qua đời. Ngay từ đầu phim cho đến phút cuối cùng, Tonya chỉ như một con rối, chịu sự sai khiến của người khác mà thôi.

Sự thật về “gái hư” của làng trượt băng Mỹ trong phim tranh Oscar I, Tonya - Ảnh 5.

Nữ diễn viên Allison Janney trong vai mẹ của Tonya Harding

Với số khán giả còn lại, họ cảm thấy I, Tonya lại giống như lời thấu hiểu, đồng cảm cho những số phận nhỏ bé đã bị xâu xé, tàn phá bởi sự chỉ trích tàn nhẫn, độc mồm độc miệng của truyền thông và người đời. Họ bị đặt vào thế càng im lặng thì càng bị đặt điều mà giải thích thì chẳng ai chịu tin.

Sự thật ra sao, âu chỉ có chính Tonya là biết rõ nhất. Nhưng những tranh cãi, lùm xùm xoay quanh việc I, Tonya có đang là lời biện hộ của nhân vật sau 24 năm đã khiến cho cơ hội tranh tài của bộ phim tại các giải thưởng bị ảnh hưởng.

Sàn diễn của Margot Robbie

Xuất hiện đầy bốc lửa bên cạnh Leonardo di Caprio trong The Wolf of Wall Street, mê hoặc khán giả với tạo hình quyến rũ trong bom tấn Suicide Squad cùng Jared Leto, Margot Robbie hiện lên như một biểu tượng gợi cảm mới ở Hollywood.

Nhưng với I, Tonya, cô đào người Australia đã chứng minh nội lực diễn xuất của bản thân cũng rất xuất sắc. Phân cảnh Tonya đứng trước gương, tay vội vã trang điểm để ra sân thi đấu nhưng nét mặt thì hoang mang, rối bời thật sự gây ấn tượng với khán giả.

Margot đã trải qua 31 ngày ghi hình trong cảm giác căng thẳng, lo sợ khi chính cô phải tự mình thực hiện nhiều cảnh trượt băng đầy rủi ro. Những động tác khó, những pha xoay người mà chỉ vận động viên chuyên nghiệp mới làm được sẽ do kỹ xảo hỗ trợ sau.

Sự thật về “gái hư” của làng trượt băng Mỹ trong phim tranh Oscar I, Tonya - Ảnh 6.

Margot Robbie

Bên cạnh Margot Robbie, nữ diễn viên Allison Janney cũng có màn hóa thân đầy xúc cảm, tạo ra mối quan hệ căng thẳng tột cùng giữa mẹ con Tonya trong phim. Đây chính là lý do khiến nữ diễn viên đạt giải.

Làm phim về một nhân vật gây tranh cãi luôn là thử thách lớn và dĩ nhiên, không thể tránh khỏi việc làm vừa lòng tất cả mọi người. Nhưng bỏ qua những yếu tố lịch sử, chỉ xem xét I, Tonya dưới con mắt nghệ thuật, thì đây là một tác phẩm đủ tốt, khơi gợi được sự quan tâm của người xem. Hơn nữa, diễn xuất tuyệt vời của hai nữ diễn viên Margot Robbie và Allison Janney là những nét sáng mà bạn không thể bỏ qua.

Trailer "I, Tonya"