Vốn không phải poster cổ vũ nữ quyền
Năm 1942, Ủy ban điều phối sản xuất chiến tranh của Công ty Westinghouse (Mỹ) thuê họa sĩ J. Howard Miller (đến từ thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania) thiết kế một loạt poster cổ động thời chiến.
Một trong những thiết kế poster này đã trở thành hình ảnh kinh điển nổi tiếng "We Can Do It!" (Chúng ta nhất định làm được!), nhiều năm sau này còn được biết đến với tên gọi "Rosie the Riveter".
Poster "We Can Do It!" được lưu hành nội bộ tại Công ty Westinghouse ở vùng Trung Tây nước Mỹ trong khoảng hai tuần vào tháng 2/1943, sau đó biến mất trong gần 4 thập kỷ.
Poster "We Can Do It!" do họa sĩ J. Howard Miller thiết kế năm 1943.
Trong Thế chiến II, cái tên "Rosie" không gắn liền với hình ảnh này, mục đích của poster cũng không phải để tuyển dụng lao động nữ mà là nhằm cổ động tinh thần cả công nhân nam và nữ làm việc tại Westinghouse. Chỉ tới đầu những năm 1980, poster do Miller thiết kế được "đào mộ" trở lại và nổi tiếng toàn thế giới, gắn liền với nữ quyền và thường bị gọi nhầm là "Rosie the Riveter".
Năm 1982, poster "We Can Do It!" được tái đăng trên bài viết "Poster Art for Patriotism's Sake" (Nghệ thuật thiết kế poster vì lòng yêu nước) của Tạp chí Washington Post về các poster trong kho sưu tập của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia.
Nhiều năm sau đó, "We Can Do It!" trở thành biểu tượng của phái nữ, được dùng để thúc đẩy nữ quyền. "We" (Chúng ta) lúc này được hiểu là "We Women" (Phụ nữ chúng ta), mang ý nghĩa kêu gọi đoàn kết tất cả phụ nữ để đấu tranh chống lại bất bình đẳng giới. Ý nghĩa này khác hẳn với mục đích sử dụng ban đầu vào năm 1943 nhằm kiểm soát công nhân và ngăn chặn tình trạng bất ổn lao động hay đình công.
Giáo sư lịch sử Jeremiah Axelrod từng nhận xét hình ảnh trong "We Can Do It!" là sự kết hợp giữa sự nữ tính với "ngôn ngữ cơ thể đậm chất nam tính".
Tháng 3/1994, tạp chí Smithsonian đã đưa hình ảnh poster lên trang bìa để mời người xem đọc một bài viết nổi bật về poster thời chiến. Tháng 2/1999, Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ lấy hình ảnh làm cảm hứng thiết kế con tem với dòng chữ "Phụ nữ hỗ trợ chiến tranh" có giá 33 cent.
Tấm áp phích nguyên bản của Westinghouse từ năm 1943 được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hoa Kỳ, là một phần của triển lãm trưng bày hiện vật từ những năm 1930 và thập niên 40.
Đi tìm người phụ nữ bí ẩn trên poster "We Can Do It!"
Thiết kế poster "We Can Do It!" được cho là lấy cảm hứng từ một bức ảnh của hãng thông tấn United Press International chụp một nữ công nhân trẻ. Ban đầu, nữ công nhân này được cho là Geraldine Hoff Doyle. Đây là giả thuyết được nhiều người công nhận, tuy nhiên, bằng chứng sau đó lại chứng minh Naomi Parker (sau này là Fraley) chụp tại Trạm hàng không hải quân Alameda ở California mới là nữ chính thực sự trong bức ảnh.
Ảnh chụp Geraldine Hoff Doyle vào năm 1942, khi bà 17 tuổi.
Năm 1984, cựu nữ công nhân Geraldine Hoff Doyle tình cờ thấy một bài báo trên tạp chí Modern Maturation đăng một bức ảnh thời chiến của một phụ nữ trẻ làm việc bên máy tiện. Doyle cho rằng bức ảnh chụp chính bà khi ấy đang làm việc tại nhà máy vào giữa năm 1942. 10 năm sau, Doyle lại bắt gặp poster "We Can Do It!" trên bìa tạp chí Smithsonian và càng tin rằng hình ảnh trên poster chính là mình. Sau đó, Doyle được công nhận rộng rãi là nguồn cảm hứng cho hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ trên poster của họa sĩ Miller.
Tuy nhiên, Giáo sư James J. Kimble đã có được bản in ảnh gốc từ một kho lưu trữ của hãng ảnh tin tức Acme, trong có chú thích người phụ nữ trong ảnh là Naomi Parker. Đây là một trong những bức ảnh được chụp tại Trạm hàng không Hải quân Alameda ở California, chụp lại hình ảnh Parker và em gái làm nhiệm vụ thời chiến vào tháng 3/1942. Những bức ảnh này được đăng trên nhiều tờ báo và tạp chí bắt đầu từ tháng 4/1942, thời điểm này, Doyle vẫn đang học trung học ở Michigan.
Naomi Parker (trái), em gái Ada Parker (giữa) và Frances Johnson trình diễn trang phục thời chiến tại Trạm hàng không hải quân Alameda năm 1942 - Ảnh: Getty Images.
Naomi Parker làm việc tại Trạm không quân hải quân ở Alameda, California, vào tháng 3/1942 - Ảnh: Getty Images.
Suốt 30 năm đằng đẵng, Naomi Parker không hề biết hình ảnh của mình xuất hiện trên poster cho đến khi người ta thông báo cho bà sự nhầm lẫn về nhân vật chính trong bức hình.
"Tôi không thể tin được bởi vì rõ ràng người trong ảnh là tôi nhưng chú thích lại đề tên một người khác là Geraldine. Tôi đã rất ngạc nhiên", bà Naomi nói với tờ People vào tháng 9/2016.
Tuy nhiên, bà Naomi đã lên tiếng quá trễ khi phần lớn dư luận đã công nhận Hoff Doyle gắn liền với hình ảnh tấm poster nổi tiếng.
Naomi Parker Fraley chụp với poster "We Can Do It!" vào năm 2015 - Ảnh: New York Times.
Nhà sử học Westinghouse Charles A. Ruch (sống tại Pittsburgh) - một người bạn cũ của họa sĩ J. Howard Miller từng chia sẻ, Miller không có thói quen vẽ poster dựa vào các bức ảnh. Tuy nhiên, bức ảnh bà Naomi Parker xuất hiện trên tờ Pittsburgh Press vào ngày 5/7/1942 có lẽ là một bằng chứng cho thấy họa sĩ Miller thực sự lấy cảm hứng từ bà.
"Tôi không muốn danh tiếng hay tiền bạc, tôi chỉ muốn danh tính của mình được công nhận cùng bức ảnh", bà Naomi nói.
Naomi Parker Fraley (phải) và em gái Ada Wyn Parker Loy tháng 9/2016 - Ảnh: New York Times.
Tháng 2/2015, Giáo sư Kimble phỏng vấn chị em Parker, khi ấy tên là Naomi Fern Fraley, (93 tuổi) và em gái Ada Wyn Morford (91 tuổi). Hai chị em cho biết, họ đã biết bức ảnh bị đưa thông tin sai lệch từ 5 năm trước và cố gắng đính chính thông tin nhưng bất thành.
Sau chiến tranh, Parker làm nhân viên phục vụ tại nhà hàng Doll House ở Palm Springs, bang California. Bà kết hôn 3 lần. Ngày 20/1/2018, Parker qua đời tại Longview, Washington, thọ 96 tuổi.
(Nguồn: Vintage)