Street style ngày càng thảm hoạ của VIFW: Những chiêu trò mạo danh thời trang hay bản lĩnh bất chấp mọi công kích?

Đại Ngọc, Theo Helino 14:20 26/10/2018
Chia sẻ

Mùa từng mùa, khi ấn tượng đọng lại ở mảng Best Street Style của Vietnam International Fashion Week chỉ đơn thuần là những bộ áo quần khó định nghĩa, bị chê bai thảm hại bởi đa phần người nhìn thì cũng là lúc chúng ta phải tự hỏi rằng: vì sao tình trạng này không thể chấm dứt cho được?

Vào tháng 12 năm 2014, một gạch đầu dòng mới được mở trong lịch sử thời trang Việt: khai sinh Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (VIFW). Sau bao thổn thức và mơ tưởng về những hào nhoáng của chuỗi Tuần lễ thời trang khắp loạt kinh đô danh giá toàn cầu, giới mộ điệu trong nước tin tưởng rằng họ đã có một sự kiện được tổ chức đủ tâm và đủ tầm, hít hà bầu không khí thời trang hào sảng với những sáng tạo vô biên và mãn nhãn.

Thế mà mới trải qua gần tròn đầy 4 năm, VIFW đã bắt đầu lộ những nét "lão hóa" nhất định: những tên tuổi bảo chứng thì đã không còn kiên định với chuỗi sự kiện này mà bắt đầu hoạch định con đường riêng cho mình, tầm phủ sóng truyền thông cũng lắt nhắt dần, cho đến mùa Thu/Đông 2018 này thì ấn tượng duy nhất đang tồn ứ trong tâm trí công chúng chỉ là những bộ áo quần "khó định nghĩa" đang thong dong tại khu vực Best Street Style - vốn được xem như sân chơi thú vị nhất từ trước đến nay của những ai si mê cái đẹp từ cá tính và xu hướng.

Street style ngày càng thảm hoạ của VIFW: Những chiêu trò mạo danh thời trang hay bản lĩnh bất chấp mọi công kích? - Ảnh 1.

Với tình cảnh hiện giờ của VIFW thì chữ "BEST" là một sự dư thừa quá lớn lao.

Là thời trang hay chiêu trò đánh bóng bản thân giả danh?

Từ xưa đến nay thời trang là mảng miếng khó phân định đúng-sai hay phải-trái, trừ khi phạm phải những quy tắc chung mang tính dân tộc hay văn minh nhân loại.

Chúng ta đã thấy nhiều cái đẹp tại Best Street Style của VIFW, đó là những nhân vật không phân định độ tuổi hay giới tính để phô diễn cái tôi bản thân qua ngôn ngữ áo quần một cách tinh tế nhất. Nhưng nếu ví von đó là những nét rực rỡ thì có vẻ thanh xuân của hạng mục Best Street Style hơi yểu, để đến hiện tại tràn ngập trên mạng xã hội và các kênh truyền thông là những nét kém đẹp cả trong hình ảnh của người mặc lẫn lời lẽ của người bình luận.

Một cậu chàng trong bộ trang phục mang dáng dấp của những con người sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc? Hay mặc áo sơmi trắng tinh khôi quàng khăn đỏ phấp phới trên phố như thể đang tự mua cho mình chiếc vé đi về tuổi thơ? Đó không phải thời trang, mà là hóa trang. Thay vì dùng vải vóc sắc màu để tô vẽ nên cá tính bản thân thì họ lại "cosplay" vào một nhân vật hay hình tượng nào khác, chỉ riêng yếu tố này đã đủ thấy sự lệch lạc trong tư duy ứng dụng thời trang vào các hoàn cảnh tương ứng.

Street style ngày càng thảm hoạ của VIFW: Những chiêu trò mạo danh thời trang hay bản lĩnh bất chấp mọi công kích? - Ảnh 3.

"Chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh" là một sự hiện diện lệch lạc giữa môi trường như Best Street Style.

Nếu có một cái nhìn khoan dung, có lẽ không ít người chắc mẩm rằng, thôi thì họ ăn mừng... Halloween hơi sớm. Với tuổi trẻ tràn trề nhiệt huyết và nóng vội, có lẽ những con người đó chỉ muốn phô trương bản thân qua những chiêu trò đánh bóng dễ đoán giữa ban ngày ban mặt, thay vì xách giỏ đi gõ cửa từng nhà để hỏi han "trick or treat" xin ít kẹo bánh.

Là thời trang hay sự liều lĩnh quá đà của giới trẻ?

Người ta thường bảo "Sáng tạo là không giới hạn".

Ở một địa hạt mà sáng tạo là tiêu chí số 1 như thời trang thì không ít bạn trẻ lại tự dẫn mình sang một lối hiểu khác: ăn mặc là không có giới hạn. Thế nên họ khai sinh nên nhiều trường phái lạ lẫm, đông tây kim cổ đều tựu trung vào một bản thể, người xem càng hoang mang thì người mặc càng thích thú.

Những sắc màu chen lấn ngột mắt, nóng lạnh trái khoáy nhưng song hành hỗn loạn cùng nhau hay một kiểu tóc cao ngồng như cây dừa, màu son thâm xì với đôi mắt như mô phạm lại một bộ phim kinh dị đang lên... chừng ấy những yếu tố đã biến Best Street Style thành một nồi lẩu hổ lốn với đầy đủ vị mặn ngọn chua cay, thậm chí đắng ngoét.

Không đảm nhận vai nào, những bạn trẻ đó đã hùng dũng khuếch tán cá tính bản thân bằng những ngôn ngữ thời trang mà hiện vẫn đang nằm ngoài phạm vi cảm nhận của phần đông giới mộ điệu, vốn có sẵn tư duy thông thoáng cởi mở. Báo chí thì không ngần ngại gán cho những tính từ mang đầy tinh thần khủng bố như "kinh dị", "lòe loẹt", "làm quá"... còn netizen thì xem họ như những cái bia di động để ném đá không khoan nhượng bằng đủ lời lẽ thóa mạ nặng nề nhất.

Câu hỏi là vì sao họ đủ can trường để nhắm mắt quăng mình vào một "bể cá mập dữ tợn" như mạng xã hội ngày nay, trong khi có vô khối người phải thú nhận rằng công cuộc áp bức tinh thần của giới netizen từng khiến họ bật khóc?

Sự sáng tạo của họ còn vượt qua cả biên độ của những tác giả truyện tranh Nhật Bản, thế nên đám đông không thẩm thấu nổi cũng là điều dễ hiểu.

Suy đoán khởi đầu, đây ắt là những con chiên cuồng tín của thời trang đang cống hiến một cách bất chấp những "tinh túy" độc đáo nhất, tồn tại duy ngã độc tôn, và cũng chỉ ở họ mới dám làm. Họ không ngần ngại giẫm vào những vết bùn vương lại ở từng mùa VIFW trước đó, chẳng ngán sợ những lời lẽ chỉ trích chê bai của đám đông vốn nhất nhất tuân theo quy chuẩn về ăn mặc, chỉ để huy hoàng trên loạt trang báo hay newsfeed với cả ngàn bình luận mà ai cũng biết nội dung ra sao. Chung quy, họ muốn nổi tiếng bằng tất cả mọi giá.

Luận điệu thứ hai mang thuyết âm mưu hơn, có lẽ do tác giả bài viết này đã phát nhàm với những câu chuyện sặc mùi "drama" rồi cũng nên. Đó là, loạt yếu tố như những bộ cánh sặc sỡ khác lạ vào dạng hiếm có, vô vàn lay-out tóc tai và trang điểm họa hoằn chỉ có ở chuỗi phim siêu anh hùng chứ không tôn vinh bất kỳ nét đẹp nào của người dùng... quả thật khó mà tự phát sinh được ở những bạn trẻ đang độ đôi mươi, được tiếp xúc với Internet hàng ngày, rạch ròi được thứ nào là đẹp thứ nào là không. Họ cũng không đơn lẻ mà quy tụ bên nhau thành các nhóm đa dạng, mỗi nhóm mang một bản sắc riêng nhằm giật cái cúp vô địch trong khoản khiến thị giác bốn bề phải ngoảnh đi ngoảnh lại xem mình có nhìn nhầm không. Châm ngôn của cuộc diễu hành thời trang này có vẻ đại loại như "Lố, và Lố Hơn Nữa"; "Kinh Hồn Bạt Vía"; "Những con người huyền bí và nơi tìm ra họ"... đại để thì họ là một tập thể, có cùng một lý tưởng vì đại cục của Best Street Style thuộc VIFW.

Bên cạnh sự thừa thãi của những "ca khó" như trên thì màn mất tích toàn tập của giới fashionista - fashionisto hữu danh đích thực lại khiến công chúng ngẩn ngơ và hoài nghi. Best Street Style trở thành một cái tên để... đặt cho vui vì những gì "best" được đảm bảo không hề hiện diện. Thậm chí mùa này, mọi fashionista trẻ có lượng người theo dõi cao đều lờ tịt hạng mục này của VIFW.  

Sự thật ra sao chắc chỉ những ai đập trong lồng ngực một con tim "tử vì đạo" với thời trang mới có thể tự lý giải được.

Đám đông quá khắt khe hay thiểu số quá khác biệt?

Một sự thật hiển nhiên là hầu hết những con người có sức ảnh hưởng lớn (Influencer) trong giới thời trang đều tạo dựng danh tiếng bằng cách khoác lên mình sự khác biệt, tách khỏi đám đông. Họ thành công vì dám liều lĩnh, bất chấp có tiên phong hay không, thử nghiệm những điều mới mẻ và được tán thưởng theo vô vàn cách khác nhau.

Đây là 5 stylist trẻ đã có nhiều kinh nghiệm "chinh chiến" tại các Fashion Week thuộc Paris, Milan, Seoul hay Tokyo... Điểm chung thống nhất ở họ là gu thẩm mỹ đắt ra tiền và sự khác biệt đúng lề lối.

Vậy, để có một cái nhìn khách quan hơn, hãy cùng tham khảo những nhận định của giới stylist về diễn biến tiêu cực những ngày gần đây tại hạng mục Best Street Style của VIFW mùa Thu-Đông 2018:

Trong đó, Hoàng Ku được xem như stylist tiên phong trong khoản dám chịu chi để vươn mình đến các Fashion Week thế giới với hành lý đến cả trăm món đồ và những kinh nghiệm quý giá.

Là người theo đuổi phong cách khác biệt, các bạn nghĩ sao về những khác biệt lạ thường được ghi nhận tại Best Street Style năm nay và đâu là giới hạn cho sự khác biệt?

Hoàng Ku: "Những bạn trẻ "cá biệt" trên đã hiểu sai về định nghĩa street style. Thời trang đường phố là ngôn ngữ của chính chúng ta thay vì gồng gánh để mặc những thứ không phải là chính mình. Giới fashionista quốc tế lựa chọn trang phục dự Fashion Week tương ứng với phong cách đời thường của họ, đó là bởi sự khác biệt mà họ có vốn ăn sâu từ trong máu."

Kelbin Lei: "Thật sự là chẳng có giới hạn nào cho sự khác biệt, ngay cả các Tuần lễ thời trang lớn mà mình tham gia cũng có những nhân tố quái lạ. Dù không được đẹp nhưng quan trọng là họ tự tin, dám mặc và thể hiện thôi. Chúng ta cũng không thể nào cấm họ mặc vì họ thích như vậy và ai cũng có sở thích riêng."

Không chỉ là fashionisto hàng đầu Việt Nam khi dẫn đầu làn sóng unisex, Kelbin Lei còn là stylist có cơ hội kinh qua nhiều Fashion Week nhất khắp thế giới.

Kenshj Phạm: "Tôi luôn tôn trọng sự khác biệt của tất cả mọi người, bởi lắm khi những thứ tôi làm khiến nhiều người không hiểu là đang mặc gì. Có điều khác biệt thế nào cho đúng lại là một bài toán khác. Với tôi thì khác biệt chia ra làm hai loại, chẳng hạn như gây tranh cãi vì chông chênh giữa ranh giới đẹp-xấu hoặc là trở thành thảm họa thời trang để bị chỉ trích."

Mạch Huy: "Cuộc đua để thu hút sự chú ý đã khiến nhiều bạn bỏ qua yếu tố cốt lõi là thời trang. Các yếu tố như tỉ lệ, xu hướng, trang điểm hay làm tóc đều bị toan tính thiếu kỹ lưỡng khiến tổng thể hỗn mang không biết nên nhìn vào đâu. Ừ thì ai cũng có cá tính của bản thân nhưng nên biết lắng nghe để điều tiết bản thân cân bằng trong mọi hoàn cảnh."

Một số ý kiến phản biện rằng Tokyo Fashion Week cũng rất dị mà chẳng mấy ai bôi xấu, trong khi người Việt mình lại có lề thói rất giỏi chê đồng bào?

Hoàng Ku: "Giới mộ điệu Tokyo tự tin diện những thứ kỳ quái như vậy là bởi đó là văn hóa mà họ sinh sống hít hà sinh hoạt cùng. Điều đó khác hoàn toàn với những hình ảnh bị chê bai ở VIFW - bởi trang phục thì ấn tượng đấy nhưng nào có phát sinh từ bản chất."

Mạch Huy: "Cơ bản là họ có những giá trị nguyên bản và truyền thống như Harajuku chẳng hạn. Sự phá cách của người Nhật tuy vô biên khoản sáng tạo nhưng được xây dựng bởi kiến thức dày dạn, dễ được chấp nhận bởi những ai có cùng tư duy. Việt Nam chúng ta thì đang trên đà phát triển với sự hội nhập về xu hướng hay trào lưu, khó so bì được."

Stylist Mạch Huy cũng gặt hái được nhiều thành công khi hộ tống các Hoa hậu ra Fashion Week quốc tế.

Kenshj Phạm: "Như tôi đã chia sẻ phía trên, street style của giới fashionista Nhật rơi vào trường hợp 1 - nghĩa là họ khiến chúng ta phải tập trung phân tích và tìm hiểu rõ ngọn nguồn bản sắc thời trang đó. Với các trường hợp như tại VIFW thì tôi không biết là họ mù quáng hay dũng cảm, khó mà vội vàng đánh giá."

Bản thân các bạn đã từng bao giờ bị nhòm ngó tỏ vẻ giễu cợt như loạt trường hợp đó?

Hoàng Ku: "Từ xưa Hoàng đã bị xếp vào dạng "cá biệt" ở trường lớp vì học phổ thông mà mặc quần tụt, đeo dây xích, đi giày không đi tất... Đến khi định hình được bản ngã theo văn hóa Harajuku thì cũng bị kỳ thị không ít. Thế nhưng Hoàng dám khẳng định đó là Hoàng của thường nhật, Hoàng sống như thế từng ngày một chứ không đợi đến một dịp lễ hội nào đó mới trưng trổ."

Kelbin Lei: "Quan trọng là bản thân mình tự thấy đúng và không làm ảnh hưởng đến ai thì không cần bận tâm."

Kenshj Phạm: "Mỗi người một cá tính, nghĩ nhiều quá thì làm sao mà sáng tạo nên cái mới được!"

Kye Nguyễn: "Tôn chỉ là hai chữ "văn minh" thì không có gì phải ngại ngùng. Đúng hay sai, thừa hay thiếu, mỗi trải nghiệm sẽ giúp hoàn thiện chúng ta."

Tự nhận phong cách của bản thân cũng khá "Halloween" nhưng Kye Nguyễn là một trong những stylist được giới ngôi sao tin tưởng nhiều nhất hiện nay.

Cuối cùng, theo các bạn thì những hình ảnh tiêu cực trên có khiến thanh thế của một chương trình thường niên như VIFW giảm sút?

Hoàng Ku: "Đây là chiến lược để giúp VIFW lan tỏa tầm phủ sóng. Chắc chắn tự BTC muốn thế, và suy cho cùng thì họ thành công. Nhưng với tinh thần cầu thị thì Hoàng vẫn xem đây như một sân chơi thú vị và sáng tạo. Xấu có, đẹp có, lạ lùng cũng có thì mới là điều bình thường!"

Kelbin Lei: "Nếu nói giảm hay không thì trước hết còn phải nhìn nhận về khâu tổ chức. Tuy nhiên quả thật mức độ ảnh hưởng của những bình luận tiêu cực về Best Street Style hoàn toàn không thể xem thường."

Mạch Huy: "Tôi thấy càng về sau thì Best Street Style càng bị chuyển hướng thành một nơi thể hiện cá nhân quá đà. Gió tích thành bão, kết quả là mang đến hiệu ứng ngược cho toàn sự kiện."

Kenshj Phạm: "Chắc là không. Xấu và đẹp luôn song hành như lẽ dĩ nhiên. Có nhiều bạn mặc đẹp mà chúng ta chưa có cơ hội chiêm ngưỡng thôi."

Lần đầu tham dự Seoul Fashion Week cùng Phí Phương Anh, Kenshj Phạm đã đạt được nhiều thành tích hơn hẳn mong đợi.

Kye Nguyễn: "Một đặc sản thú vị đấy chứ! Chẳng phải ai cũng trông chờ vào mục Best Street Style mỗi mùa sao? Nếu ai cũng mặc tầm tầm như nhau thì sao có thể nhắc nhiều về VIFW như thế?"

Cảm ơn các bạn về những chia sẻ thú vị!

Tạm kết

Xấu hay đẹp. Đúng hay sai. Thừa hay thiếu. Những tranh cãi và phân tích là nguyên cớ để thời trang trở nên thú vị. Chúng ta cần những câu hỏi để tương tác, cần những lời chê để phản biện và có cả lời khen để nỗ lực hơn. Ở tình trạng của VIFW, Best Street Style đang như con thuyền đắm trong những con sóng bỉ bai cao quá đầu người.

Đến tận cùng của bài viết, hẳn chúng ta sẽ tự hỏi rằng: "Họ sẽ thay đổi chứ?". Tốt hơn hay tệ hơn, đổi thay cũng là một điều tốt nhưng có lẽ chỉ dành cho những ai kiên nhẫn và biết lắng nghe, trân trọng thời trang như một món ngọc ngà ngày ngày trân quý bằng tất cả tấm lòng. Biết đâu mùa tới, tất thảy sẽ làm chúng ta phải ngạc nhiên vì họ... chẳng thèm xuất hiện hay đã "tầm tầm" như bao người khác, không còn gì để nói đến.

Thôi thì hãy cầu chúc cho mọi sự tốt lên, họ tốt lên và bản thân chúng ta cũng tốt lên, để họ khác biệt theo cái đẹp của thời trang và chúng ta cũng biết bình luận theo cái hay của văn minh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày