World Cup 2014 đã trôi qua, nhưng không phải vì thế mà FIFA không còn gặp rắc rối gì nữa. Qatar, đất nước được chọn để đăng cai World Cup 2022 đang bị lên án kịch liệt vì không chịu trả tiền cho các công nhân di cư từ nước ngoài.
90% những công nhân này đều di cư từ Nepal, Ấn Độ, Sri Lanka, họ đến đây với niềm hy vọng kiếm được nhiều tiền đem về cho gia đình, thế nhưng tất cả những gì họ nhận được sau thời gian lao động cực khổ chỉ là sự lảng tránh của nhóm chủ đầu tư. Theo phóng sự của tờ Guardian, các công nhân nghèo khổ đã không được trả lương suốt 13 tháng trời và phải sống trong điều kiện tồi tàn thối nát.
Đến Qatar với hy vọng đổi đời, thế nhưng các công nhân lại bị bóc lột không thương tiếc.
Được biết, các công nhân di cư đến đây để xây dựng đủ loại văn phòng sang trọng cho những người tổ chức World Cup ở Qatar, điển hình là tòa cao ốc nổi tiếng Al Bidda ở Doha, nơi mà 1 số cơ quan phụ trách World Cup của Qatar đang “đóng đô” ở tầng 38 và 39. Hàng nghìn công nhân mang quốc tịch Nepal, Sri Lanka và Ấn Độ được thuê để xây dựng văn phòng trong tòa cao ốc này, thế nhưng việc họ bị quỵt lương cả năm trời khiến nhiều người nghi ngờ về quyền lợi dành cho công nhân ở Qatar trong khi còn 5 sân vận động nữa chưa được xây.
Cao ốc Al Bidda, nơi giới thượng tầng sống trong nhung lụa còn giới công nhân sống chung với... gián.
Theo điều tra của tờ Guardian, dự án trên được ủy nhiệm bởi chính phủ Qatar. Được biết, những văn phòng này tiêu tốn gần 2,5 triệu bảng để hoàn thành (~ 90 tỷ đồng), bao gồm nội thất làm bằng tay nhập khẩu từ Ý, toilet hiện đại có máy sưởi, kính chạm trổ đắt tiền... Vậy mà chính quyền Qatar lại không thể trả nổi mức lương chỉ vỏn vẹn 6 bảng/ngày (~ 215 nghìn đồng) cho các công nhân, mặc dù họ đã thông báo về vấn đề này từ nhiều tháng trước.
Nội thất sang trọng trên tầng 38 và 39 của cao ốc Al Bidda.
Còn đây là nơi ở của những công nhân xây dựng văn phòng cho tòa nhà này.
Không chỉ bị quỵt lương, nhóm công nhân di cư còn phải sống trong tình trạng hết sức tồi tàn. Với 7 người chung 1 phòng, họ phải ngủ trên những tấm nệm bẩn thỉu dưới sàn nhà hoặc chia nhau những chiếc giường tầng xập xệ, thậm chí còn không có nước sạch để dùng, những điều này đã vi phạm luật lao động của chính bản thân Qatar. Không chỉ vậy, các công nhân còn phải sống trong nỗi sợ hãi bị bỏ tù bởi không có giấy tờ, nguyên nhân là do công ty chủ thuê Lee Trading & Contracting đã bị thanh lý. Kết quả, họ bị bóc lột với mức lương chưa đến 50 pence/giờ (~ 18 nghìn đồng).
Nhà tắm ẩm thấp và bẩn thỉu với đầy gián và ruồi bọ.
Nhà bếp chẳng khác gì bãi chiến trường.
Không có vòi sen đã đành, các công nhân còn phải tắm bằng nước mặn.
Hoàn cảnh sống tồi tệ của các công nhân nghèo khổ.
Một công nhân 35 tuổi người Nepal khiến nhiều người xót xa khi tiết lộ với tờ Guardian: “Tôi muốn về nhà, nhưng tôi không có tiền để về.” Một công nhân khác cho biết: “Tôi đã không nhận được đồng nào cả năm trời, tôi thậm chí không có tiền để mua vé, nhưng tôi không thể về với 1 chiếc vé được, tôi đã ở đây 4 năm rồi mà.”
"Tôi muốn về nhà, nhưng tôi không có tiền."
Ngoài ra, một số công nhân còn chia sẻ gia đình họ đã bắt đầu nghi ngờ khi họ không gửi được đồng nào về nhà: “Tháng trước gia đình tôi gọi điện thoại cho tôi, tôi cố giải thích rằng công ty chưa trả lương cho tôi mấy tháng qua. Thế là họ trách móc tôi, họ bảo tại sao tôi lại đi với công ty như vậy? Công ty kiểu gì mà lại không chịu trả lương? Tôi đến đây vì ai chứ? Có lẽ tôi nên chết ở đây cho xong.”
"Con tôi cứ hỏi bố ơi, chừng nào bố mới về nhà?"
Mặt khác, khi các phóng viên Guardian cho 2 người giả trang thành công nhân đến xin thử việc, những người chủ thuê lại thản nhiên hứa hẹn “bạn sẽ được trả lương đầy đủ” trong khi hàng trăm công nhân khác đang khiếu nại về tình trạng bị quỵt lương. Một số người khác còn bị lừa gạt trắng trợn, trên giấy tờ, công ty này đảm bảo họ sẽ được làm quản đốc, vậy mà cuối cùng họ phải làm công nhân. “Tôi hối hận rồi, số tiền mà tôi kiếm được ở đây, tôi cũng có thể kiếm được ở Nepal,” Một công nhân nói trong tiếng nấc.
Bà chủ thuê hứa hẹn chắc nịch với 2 người đến xin việc do tờ Guardian giả danh.
Không chỉ bị quỵt tiền, đôi khi các công nhân còn không giữ được tính mạng của mình. Chỉ trong năm 2012 và 2013, 70 công nhân từ Ấn Độ, Nepal và Sri Lanka đã chết vì ngã hoặc bị vật nặng đè trên công trường, 144 người chết vì tai nạn giao thông, 56 người tự sát, hàng chục công nhân còn chết trong giấc ngủ vì lên cơn đau tim đột ngột. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2014, thêm 87 công nhân Nepal khác đã thiệt mạng.
Sharan Burrow, tổng thư ký của Liên đoàn Nghiệp đoàn Quốc tế ITUC khẳng định việc đối xử với công nhân chẳng khác gì nô lệ như vậy là một “tội ác”: “Chính phủ Qatar chẳng làm gì hết cho đến khi mọi việc bại lộ. Ở nước khác, bạn có thể khởi tố hành vi này.”
Rishi, một công nhân lên cơn đau tim khi đang ngủ và qua đời tại Qatar.
Xác của người đàn ông xấu số này được đưa về quê nhà.
Vợ Rishi khóc nấc khi đến nhận xác chồng: “Tôi sẽ không bao giờ để anh ấy đi nếu biết rằng việc này sẽ xảy ra."
Qatar đang chi hàng tỷ USD để xây dựng các khách sạn sang trọng, tàu điện ngầm, trung tâm mua sắm và các sân vận động để chuẩn bị cho World Cup 2022. Thế nhưng có mấy ai biết được, những người đang làm việc tại các dự án xây dựng đồ sộ này lại phải chấp nhận kiếp sống còn thua cả ăn mày.
Cuối năm nay, dự tính sẽ có hàng trăm nghìn công nhân từ những nước nghèo nhất thế giới đến Qatar để xây dựng các công trình cho World Cup 2022. Câu hỏi hiện đang được đặt ra là: Liệu còn bao nhiêu người nữa phải chết trước khi các cầu thủ ra sân thi đấu?
Bao nhiêu người nữa phải ngã xuống để World Cup 2022 khởi tranh?