Chuyện hẹn hò “ảo” qua ứng dụng Tinder thường rất thú vị, đầy rẫy bất ngờ xong cũng không kém phần tăm tối, ẩn chứa nguy cơ dối lừa làm bao người mù quáng. Nhất là khi hội thiếu nữ mộng mơ vô tình “match” phải trùm lừa đảo, tưởng làm dâu hào môn đến nơi rồi thì ai ngờ ôm nợ nhiều đến phi lý. Đó thực sự là một trải nghiệm nhớ đời, gần như khó tin trong The Tinder Swindler (Kẻ Lừa Đảo Trên Tinder), bộ phim tài liệu về tội phạm có thật của Netflix, xoay quanh Shimon Hayut - người bị cáo buộc lừa đảo, trục lợi trên ứng dụng hẹn hò phổ biến nhất thế giới.
Trailer của The Tinder Swindler
The Tinder Swindler là lời cảnh tỉnh rúng động về thói quen hẹn hò ảo
Là phim tài liệu mới nhất của Netflix, The Tinder Swindler vừa ra mắt đã gây chú ý không ngừng khi nói về đề tài hẹn hò ảo, trong đó khắc họa vụ án lừa đảo tình-tiền có một không hai năm 2019.
The Tinder Swindler khám phá sự thật về Simon Leviev - một tài khoản Tinder nổi tiếng với phong cách sang trọng, thường xuyên đăng tải cuộc sống giàu sang, thành đạt mà bao người mơ ước. Mỗi khi tán tỉnh trên Tinder, Simon Leviev đều hứa hẹn gặp mặt đối tượng ở khách sạn 5 sao, sẵn sàng cử máy bay phản lực đến đón người đẹp miễn là sắp xếp được công việc.
Đã vậy, Simon Leviev còn tự xưng là con trai của tỷ phú kinh doanh kim cương Lev Leviev. Trong lúc trò chuyện với “con mồi”, hắn luôn tỏ vẻ bận rộn, khẳng định công việc sinh lợi nhưng khó khăn, có nhiều “kẻ thù” bí ẩn trong lĩnh vực kinh tế…
Hồ sơ Tinder của Shimon Hayut đã lừa được rất nhiều thiếu nữ mê đại gia
Thực tế, chàng công tử Simon Leviev có tên thật là Shimon Hayut, sinh ra và lớn lên tại ngoại ô Tel Aviv, Israel. Bằng những lời nói dối chuyên nghiệp, Shimon đã dễ dàng thao túng, đe dọa và tất nhiên là lừa tiền của rất nhiều cô gái.
Theo báo The Washington Post, Shimon Hayut hiện vẫn đang phủ nhận mọi hành vi phạm tội, cho dù từng nhận án tù 15 tháng vào năm 2019. Vài ngày sau khi The Tinder Swindler phát hành, Shimon Hayut còn lên tiếng kịch liệt trên Instagram, cho rằng bản thân chỉ đang "diễn xuất" theo yêu cầu của Netflix mà thôi.
Cecilie Fjellhoy, cô gái trẻ đến từ Na Uy, chính là nạn nhân thiệt hại nặng nề nhất trong vụ án The Tinder Swindler. Thuở mới bắt đầu trò chuyện, Cecilie phải lòng Shimon Hayut một cách điên cuồng. Hai người nhắn tin không ngừng, Shimon gửi đến những bó hoa đắt tiền, và ngay sau đó ngỏ lời muốn Cecilie làm bạn gái.
Tất cả đều hạnh phúc, vui vẻ cho đến khi Shimon cầu cứu người tình “ảo” bằng một đoạn video gay cấn, quay cảnh vệ sĩ của anh ta bị đánh đập và tiết lộ đang bị bắt cóc, tống tiền, không thể sử dụng thẻ tín dụng của mình được nữa. Vì vậy, Cecilie rơi vào cảnh nợ nần với hy vọng giữ tính mạng bạn trai. Trong một khoảng thời gian ngắn, cô đi vay khoảng 250 nghìn USD từ 9 chủ nợ khác nhau, kiệt quệ dần tài sản mà không hề hay biết sự thật: Shimon dùng tiền “cứu mạng” để duy trì lối sống xa hoa, tranh thủ hẹn hò cùng một lúc với nhiều người phụ nữ khác.
Nạn nhân Cecilie Fjellhoy chia sẻ về nỗi đau khổ và sự nhục nhã khi bị “người tình ảo” lừa dối
Tận hưởng nguồn tiền dường như vô tận của Shimon là Pernilla Sjoholm, một cô gái khác trên Tinder, người từng được “công tử rởm” dắt đi du lịch sang chảnh tại nhiều nơi trên thế giới. Trường hợp mất tiền, thất tình như Cecilie cũng không hề hiếm. Bởi trong suốt phần còn lại của phim tài liệu The Tinder Swindler, ta thấy Shimon lộng hành xuyên lục địa ở Phần Lan, Ý và Israel. Với số tiền lừa đảo ước tính lên tới 10 triệu, Shimon Hayut hiện đã bị cấm cửa ở Tinder và nhiều ứng dụng hẹn hò tương tự, báo hại ai mê muội vào “hoàng tử bạch mã”.
Shimon Hayut bị bắt vào năm 2019 nhưng sớm ra tù sau 15 tháng
Sự thật về trùm lừa đảo Tinder quả là bài học nhớ đời cho dân chơi hẹn hò ảo. Cái kết của The Tinder Swindler sẽ còn làm khán giả ngạc nhiên hơn khi phơi bày nhiều khía cạnh đen tối, chứng tỏ yêu nhau qua mạng hiếm khi nào thành công rực rỡ.
The Tinder Swindler hiện đang phát sóng trên Netflix.
Nguồn ảnh: Netflix