Sinh viên làm việc "trái ngành" - Cơ hội tám lạng, thách thức nửa cân

Huy., Theo Phụ nữ số 00:03 15/08/2024
Chia sẻ

Làm việc trái ngành trái nghề mang đến nhiều cơ hội hơn song kèm theo đó còn là cả những thách thức.

Sau khi chính thức rời khỏi “ghế nhà trường”, không ít sinh viên đã rơi vào cảnh “vỡ mộng” khi những nội dung được giảng dạy trên giảng đường không thể đáp tiến độ, mục tiêu công việc. Đây luôn được xem là vấn đề nan giải khiến nhiều người lo lắng, thậm chí rơi vào khủng hoảng.

Một số xem vấn đề làm việc “trái ngành” là cơ hội để có được trải nghiệm môi trường mới và khám phá bản thân. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ lại cho rằng, đây như một thách thức lớn của mình khi thiếu đi khả năng cạnh tranh, cũng như các kiến thức nền tảng phục vụ cho công việc.

“Không có cơ hội được ứng dụng vào việc làm”

Bạn Nguyễn Ngọc Thanh Tùng (sinh năm 2000, cựu sinh viên chuyên ngành Văn hóa học) hiện đang là trợ lý cá nhân cho Hoa hậu Bùi Quỳnh Hoa may mắn khi được làm việc trong môi trường bản thân yêu thích với mức lương ổn định. Tuy nhiên, đây lại là công việc hoàn toàn trái ngược lại với những gì Thanh Tùng đã từng được học ở chuyên ngành Văn hóa học. Chính điều này đã mang đến không ít khó khăn khi kiến thức đã học của Thanh Tùng hoàn toàn bị “bỏ trống”.

Sinh viên làm việc

Không ít sinh viên phải "bỏ trống" khiến thức khi làm trái ngành. Ảnh minh họa

“Rất nhiều kiến thức từng học của mình không có cơ hội được ứng dụng vào việc làm khi kiến thức chuyên ngành không liên quan nhiều lắm đến công việc. Tuy nhiên, trong 4 năm ngồi trên giảng đường, rất nhiều môn học đã rèn cho mình những kỹ năng về tư duy, quan sát, xử lý tình huống, khả năng giao tiếp... những điều này cũng góp phần không nhỏ cho công việc hiện tại”, Thanh Tùng cho hay.

Sau tất cả, bạn trẻ này vẫn nhận thấy quyết định của bản thân là đúng đắn bởi những giá trị đã được nhận được trong suốt gần 4 năm học. Dù thời điểm hiện tại, các kiến thức chưa thể bổ trợ quá nhiều cho nhóm ngành nghề mang tính “tự do” cao này, nhưng với Thanh Tùng sự nghiêm túc với quyết định và công việc mới là cốt lõi để phát triển bản thân.

“CV bị từ chối vì không có kiến thức nền tảng”

So với nhiều bạn bè đồng trang lứa, Cao Vũ Bách (sinh năm 2002, chuyên ngành Xã hội học) lại có được định hướng khá rõ ràng cho nghề nghiệp tương lai. Vì một số lý do, bạn trẻ này cũng phải học “trái ngành” khiến bản thân trở nên mất định hướng chỉ sau vài tháng chính thức rời giảng đường đại học.

May mắn tìm được công việc Biên kịch phù hợp, song Vũ Bách từng có giai đoạn phải “load” lại bản thân về những điều đã từng học. “Vì là một ngành thuần về nghiên cứu khoa học nên những thứ khác liên quan mình không được tiếp cận quá nhiều, nếu có thì cũng chỉ là một số lý thuyết cơ bản và chưa mang tính ứng dụng. Đối với công việc hiện tại thì hầu như mình chưa ứng dụng được quá nhiều thứ từ ngành học của mình”, anh bạn chia sẻ lại trải nghiệm bản thân.

Thời điểm mới ra trường, Vũ Bách cũng mất khoảng thời gian dài loay hoay với chính mình, cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm. Kể lại giai đoạn khủng hoảng của bản thân, bạn trẻ này cho hay: “Mình đã từng gửi CV và đi phỏng vấn nhiều chỗ nhưng đều bị từ chối với lý do không có kiến thức nền tảng và sự ‘xa lạ’ của ngành học”.

Sinh viên làm việc

Thị trường lao động khắc nghiệt khiến tính cạnh tranh ngày càng cao. Ảnh minh họa

“Cần nỗ lực nhiều hơn so với các bạn cùng ngành”

Theo đuổi công việc Creative cho một công ty về giáo dục và trợ lý cho doanh nghiệp xã hội, Trần Thị Minh Hòa (sinh năm 2002) thừa nhận bản thân cũng gặp nhiều trở ngại sau khi tốt nghiệp ngành Công tác Xã hội. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, các vấn đề liên quan đến thu nhập và định hướng nghề nghiệp vẫn “đủ” để đáp ứng cuộc sống.

Cô bạn cũng cho biết thách thức lớn nhất của bản thân nằm ở việc phải thích nghi với môi trường và công việc mới cùng khối lượng kiến thức, kỹ năng lớn. Chính vì vậy, việc “giữ trong tay” các quy trình sáng tạo, tiếp cận, vận hành… trở thành một vấn đề khá nan giải, đòi hỏi tính kỷ luật và tập trung cao.

Sinh viên làm việc

Sinh viên cần có sự tính toán kỹ càng trong những quyết định của mình. Ảnh minh họa

Mặt khác, Minh Hòa cho biết ngành học ở giảng đường cũng đã giúp ích cho bản thân: “Mình có kiến thức sâu về việc tương tác và làm việc cộng đồng, hiểu vấn đề xã hội và cách thức giải quyết. Mình có thể áp dụng những kiến thức, kỹ năng này để tạo ra ý tưởng sáng tạo, xây dựng mối quan hệ với đối tác và đảm bảo được công việc”.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày