Whose Chance - Cơ Hội Cho Ai là chương trình truyền hình thực tế về việc làm hiếm hoi ở thời điểm hiện tại, bên cạnh nhiều chương trình thuần giải trí khác. Show thực tế này quy tụ được nhiều sếp đến từ công ty lớn như Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group - Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch HĐQT Thời trang Elise - Lưu Nga, Chủ tịch HĐQT Thắng Lợi Group - Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Bảo Ngọc - Lê Đức Thuấn, CEO PNJ - Lê Trí Thông,...
Mới đây chương trình tổ chức buổi giao lưu cùng sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, sếp Phạm Thanh Hưng đã đưa ra những lời khuyên sự nghiệp hữu ích với những bạn trẻ sắp ra trường năm 2021.
Hiểu mình mới là điều quan trọng
Theo ông Hưng, đặc thù công việc của các chuyên ngành trường Kinh tế như Quản trị Kinh doanh hay Kinh tế học thường mang tính quản lý, quản trị và điều hành, nhiều hơn là công việc chuyên môn sâu. Tất nhiên vẫn có một số chuyên ngành cụ thể như Kế toán, Tài chính, Marketing, Nhân sự... Điểm bất lợi của các sinh viên mới ra trường là chưa có kinh nghiệm, tuy nhiên theo sếp Hưng điều này không có nghĩa là được thiếu đi sự trải nghiệm.
"Chúng ta phải có sự trải nghiệm trong cuộc sống, trải nghiệm cách ứng xử. Và đặc biệt có một điều quan trọng nhất, có lẽ không chỉ các bạn sinh viên mà trong cả cuộc đời mình các bạn phải luôn luôn hiểu rằng: Thực ra hiểu mình mới quan trọng. Bạn hiểu năng lực của mình, bạn hiểu nhu cầu của mình, bạn biết mình muốn gì, bạn cần gì mới là quan trọng", sếp Hưng nhấn mạnh.
Ông Hưng đưa ra ví dụ về việc không hiểu mình khi xin việc của các bạn trẻ. Theo đó có rất nhiều bạn sinh viên xin việc với ý định ban đầu phỏng vấn ở vị trí A nhưng khi vị trí này sếp Hưng thấy không phù hợp hoặc đã tuyển đủ, công ty còn vị trí B, C thì họ cũng sẵn sàng "nhảy" sang vị trí B, C. Hoặc một ví dụ khác là lúc đầu ứng viên đề nghị mức lương tháng 10 triệu đồng, nhưng đến lúc ông Hưng đưa ra mức lương khởi điểm chỉ 2 triệu đồng, họ cũng sẵn sàng đồng ý.
"Tất cả những điều đó khiến bạn thực ra cần việc làm chứ chưa hẳn các bạn đã hiểu cần việc gì. Tôi vẫn nói đùa rằng: Đừng vì một nhu cầu việc làm, phải có việc làm dưới một áp lực nào đó mà chấp nhận bất kỳ một công việc nào, một doanh nghiệp nào mà chúng ta thực sự chưa tìm hiểu kỹ và chưa thực sự muốn", ông đưa ra lời khuyên.
Ông Hưng cũng đưa ra một góc nhìn khác về lương thưởng. Theo ông mức lương không phải vấn đề con số mà là thước đo về sự đàm phán giá trị qua lại giữa ứng viên và doanh nghiệp. Ứng viên đó bán cái gì và doanh nghiệp trả cho họ ra sao, tại sao họ phải mua. Tất cả những điều đó là những thứ khiến chúng ta hiểu mình.
"Tôi mong muốn rằng trong thời gian rất ngắn này, còn 3-6 tháng nữa ra trường thì các bạn tự tìm hiểu xem thực ra các bạn đang có năng lực gì. Các bạn muốn làm việc gì. Và các bạn hãy thử liệt kê những công việc, ngành nghề và những doanh nghiệp mà các bạn mong muốn, khát khao được làm việc ở đó. Từ đó các bạn sẽ lọc ra những danh sách, vì thực ra các bạn cũng được quyền chọn chứ đâu phải chỉ các sếp chọn các bạn đâu. Các bạn được quyền chọn các sếp.
Các bạn muốn làm công việc như thế nào, hiểu công việc gì thì các bạn sẽ chọn được khi cơ hội xảy ra. Giống như trong cuộc sống của chúng ta, đừng vì cô đơn mà vội yêu một ai đó", sếp Hưng chia sẻ.
Làm sao để hiểu mình?
Thử thách lớn nhất của mỗi người chúng ta là hiểu mình, biết mình muốn gì. Cách đây không lâu, chính sếp Hưng cũng đã từng bật mí cách để mỗi người hiểu chính mình hơn.
Theo ông muốn thành công được chúng ta cần sự kết hợp của 3 yếu tố như 3 vòng tròn, sự giao thoa của 3 vòng tròn càng lớn thì khả năng thành công càng cao.
Vòng tròn 1 là năng lực. Năng lực con người có rất nhiều khía cạnh. Có nhiều học giả, nhà khoa học tạm thời thống kê đưa ra 7 loại hình thông minh của con người.
Lâu nay chúng ta thường đưa ra loại thông minh duy nhất là thông minh logic, thông minh học thuật nhưng thật ra trong xã hội có 7 loại trí tuệ thông minh. Ví dụ thông minh không gian thì giỏi về kiến trúc, xây dựng. Thông minh âm thanh có thể trở thành nhạc sĩ, ca sĩ. Trí thông minh của chúng ta ở lĩnh vực nào cao nhất, ở trong lĩnh vực đấy chúng ta cảm thấy có ưu thế vượt trội hơn người khác, nhanh hơn người khác qua thực tiễn và qua trải nghiệm bản thân.
"Vòng tròn thứ 2 gọi là đam mê. Đam mê ở đây mang tính khát khao, muốn làm điều đó mãnh liệt, bằng được, rất mạnh mẽ. Chúng ta có được khát khao thế không?
Vòng tròn thứ 3 là hiệu quả. Các đam mê, năng lực của chúng ta có mang lại ý nghĩa gì, giá trị gì cho cộng đồng, nhân loại, khách hàng không? Nếu đam mê này không có ý nghĩa thì không thiết thực.
Nếu chúng ta xác định được đâu là năng lực, đâu là đam mê khát khao, đâu là hiệu quả mang lại cho xã hội, tìm được giao thoa thì khả năng thành công của chúng ta càng cao", Phó chủ tịch CEN Group khẳng định.