Đi làm, người trẻ gặp vô số thứ làm nhức đầu ngay khi mới xin việc, có thể đến từ những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Một trong số đó là phải lựa chọn nơi làm việc sao cho phù hợp với năng lực, chuyên môn và sở thích của bản thân. Nhưng chưa hết, bước chân vào làm công ty ấy rồi, chúng ta sẽ gặp những rào cản, thách thức do văn hóa nơi đó tạo ra.
Nhiều bạn trẻ đã đắn đo khi quyết định có làm ở công ty mà mình vừa ứng tuyển hay không chỉ bởi đơn vị này yêu cầu giữ bản gốc các chứng chỉ, bằng cấp liên quan tới chuyên môn của mình, mà quan trọng nhất là bằng tốt nghiệp đại học. Ở một số nơi vẫn còn áp dụng quy định trên với nhiều mục đích khác nhau, không chỉ nằm ở việc đối chiếu trình độ hay tạo sự tin tưởng lẫn nhau.
Một tài khoản mạng xã hội chia sẻ trường hợp oái oăm của mình vì bị công ty giữ bằng tốt nghiệp đại học (Nguồn: Hội review công ty có tâm!)
Nhiều người cho rằng, các công ty vẫn sử dụng hình thức giữ bằng cấp của ứng viên khi trúng tuyển là để có sự ràng buộc nhất định. Khi nhân viên có ý định nghỉ việc trước thời hạn có trong hợp đồng lao động hoặc muốn giữ chân họ ở lại công ty lâu hơn, thì việc giữ bản gốc bằng cấp sẽ khiến họ gặp cản trở lớn nếu muốn "nhảy". Vì dù nghỉ việc, họ cũng không có đủ hồ sơ, chứng chỉ liên quan để tìm công việc mới.
Một số người còn cho biết thêm, các công ty này thường kỳ kèo, hứa hẹn trả bằng gốc nhiều lần kể cả sau khi nhân viên đã dứt áo ra đi được vài tháng, thậm chí nhiều nơi còn không bảo quản kỹ lưỡng để thất lạc bằng tốt nghiệp của người lao động. Chưa kể, một số công ty còn yêu cầu nhân viên "nộp phạt" mới được lấy lại bằng. Nhiều bạn còn "kháo" nhau rằng các công ty có quy định lạ đời đòi "giam" bằng cấp gốc thường là các công ty thường không giữ được chân nhân viên. Các vị trí liên tục thay máy vì môi trường làm việc, phúc lợi, cơ hội thăng tiến không được đảm bảo, do vậy công ty nên mới phải ra chiêu thức như trên.
Ảnh minh họa
Vậy việc giữ bằng cấp bản chính có được cho phép và điều này đúng hay sai?
Theo quy định tại điều 20 Bộ Luật Lao động, người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động (NLĐ) hay yêu cầu NLĐ phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện HĐLĐ.
Như vậy, việc công ty giữ bản gốc bằng đại học để bảo đảm cho việc thực hiện HĐLĐ là trái quy định pháp luật. Theo quy định tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP, với hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ, người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 25 triệu đồng và buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của NLĐ.
Thế nên, các bạn trẻ đang có ý định tìm việc làm hãy cân nhắc thật kỹ khi thấy điều khoản này trong hợp đồng lao động, vì bạn không có trách nhiệm phải giao bản chính các bằng cấp cá nhân cho bất kỳ một đơn vị tuyển dụng nào cả. Hãy rõ ràng với các công ty ngay từ ban đầu để tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình khi đi làm nhé!