Tiền gửi mất sạch chỉ sau một ngày
Vào năm 2022, anh Lưu ở Nghĩa Ô, Chiết Giang, Trung Quốc, nhận được khoản bồi thường phá dỡ trị giá 3,3 triệu NDT (hơn 11,8 tỷ đồng). Lo sợ việc giữ tiền mặt không an toàn, anh quyết định gửi toàn bộ số tiền vào một chi nhánh ngân hàng có tiếng trong khu vực, với mong muốn vừa đảm bảo an toàn, vừa được hưởng lãi suất ổn định.
Sáng ngày hôm đó, anh Lưu mang theo số tiền mặt đến ngân hàng. Tại đây, anh được một nhân viên tên là Lý tiếp đón và hỗ trợ hoàn tất thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ, anh Lưu rời đi trong sự yên tâm tuyệt đối. Tuy nhiên, đúng 1 năm sau, khi quay lại ngân hàng để rút tiền, người đàn ông này bàng hoàng khi được nhân viên thông báo rằng tài khoản tiết kiệm không còn đồng nào.
“Tôi rõ ràng đã gửi 3,3 triệu NDT, tại sao lại không có tiền?” – ông Lưu thắc mắc.
Sau khi kiểm tra, phía ngân hàng thông báo rằng toàn bộ số tiền đã được chuyển đi trong buổi chiều ngày anh Lưu đến gửi tiền. Trước sự việc bất thường, anh Lưu yêu cầu ngân hàng phải cho mình một câu trả lời rõ ràng. Kết quả điều tra nội bộ cho thấy, chính nhân viên họ Lý đã lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt số tiền của anh Lưu.
Theo đó, trong quá trình xử lý hồ sơ gửi tiền, nhân viên này đã bí mật giả mạo chữ ký của anh Lưu, sau đó chuyển toàn bộ 3,3 triệu NDT sang tài khoản cá nhân. Đáng chú ý, sau khi sự việc bị phanh phui, người này đã nghỉ việc, còn phía ngân hàng lại phủi trách nhiệm.
“Nhân viên đó không còn làm việc ở đây nhưng lỗi không phải của chúng tôi. Chúng tôi đã làm đúng quy trình, không có sai sót gì cả” – Đại diện ngân hàng cho biết.
Ảnh minh họa: Zhihu
Ngân hàng có được phép chối bỏ trách nhiệm?
Theo phân tích của các chuyên gia pháp lý, về mặt hợp đồng, giữa anh Lưu và ngân hàng đã tồn tại một thỏa thuận tiết kiệm. Căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự Trung Quốc, ngân hàng với tư cách là tổ chức tài chính phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho khoản tiền gửi của khách hàng.
Cụ thể, Điều 577 của Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định rõ: Khi một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, bên đó phải chịu trách nhiệm tương ứng, có thể bao gồm việc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, sửa chữa vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp này, số tiền của anh Lưu đã bị rút trái phép, tức là ngân hàng không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng tiết kiệm nên phải chịu trách nhiệm bồi thường. Không chỉ dừng lại ở vi phạm hợp đồng, hành vi chiếm đoạt tài sản của nhân viên ngân hàng còn dẫn đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Luật Trách nhiệm dân sự Trung Quốc.
Luật này quy định nếu một nhân viên gây thiệt hại cho người khác trong quá trình thực hiện công việc thì người sử dụng lao động – ở đây là ngân hàng – phải chịu trách nhiệm bồi thường. Dù nhân viên họ Lý đã lợi dụng chức vụ để thực hiện hành vi gian lận, nhưng hành động đó xảy ra trong khi đang làm việc tại ngân hàng nên đơn vị này không thể đổ lỗi hoàn toàn cho cá nhân. Sau khi thực hiện bồi thường cho anh Lưu, ngân hàng có thể tiếp tục khởi kiện cá nhân anh Lý để thu hồi khoản tiền đã mất theo trình tự pháp lý.
Vụ việc này sau khi được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của dư luận xứ Trung. Đa số bình luận đều cho rằng ngân hàng trong vụ việc với tư cách là tổ chức tài chính cần nghiêm ngặt hơn trong việc quản lý nhân sự và bảo vệ tài sản của khách hàng. Có như vậy, những vụ việc tương tự mới phần nào được hạn chế.
(Theo Zhihu)