Theo Sohu, bà Trương là chủ của một cửa hàng đồ ăn sáng tại Giang Tô, Trung Quốc. Chồng bà là ông Hứa đang lái taxi thuê. Do tính chất công việc nên 2 vợ chồng rất hiếm khi ở nhà cùng nhau.
Vào một buổi chiều tháng 4 năm ngoái, trong khi đang dọn dẹp nhà cửa, bà Trương bất ngờ phát hiện một chiếc hộp có khóa số được giấu dưới gầm giường. Bà đã thử vài tổ hợp số nhưng không được, mãi đến khi nhập biển số xe taxi của chồng thì chiếc hộp bất ngờ bật mở.
Theo lời bà Trương, bên trong chiếc hộp là những cọc tiền có mệnh giá 100 NDT được xếp ngay ngắn. Bà đếm được tổng cộng 100.000 NDT (khoảng 351 triệu đồng).
Từ trước đến nay, bà Trương luôn là người giữ tiền trong nhà, kể cả tiền thu được từ mã QR thanh toán trên xe taxi của chồng. Mỗi tháng, bà chỉ đưa cho ông Hứa vài trăm NDT để chi trả tiền tiêu vặt. Càng nghĩ bà càng tức giận vì phát hiện chồng giấu giếm quỹ đen. Lúc này, bà định gọi điện cho ông Hứa để hỏi về số tiền này. Song biết ông đang lái xe có thể gặp nguy hiểm nếu nghe điện nên bà quyết định mang số tiền này đến ngân hàng để gửi tiết kiệm vào tài khoản của mình.
Tại nhà băng, ngay khi vừa cầm cọc tiền bà Trương đưa, giao dịch viên nhận thấy có điều bất thường. Sau khi cho tiền vào máy đếm, không một tờ nào được máy chấp thuận. Lúc này, nhân viên ngân hàng vừa hỏi khách hàng về nguồn gốc số tiền này, đồng thời liên hệ với cảnh sát địa phương.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin nghi ngờ bà Trương đang nắm giữ số lượng lớn tiền giả, cảnh sát lập tức có mặt để làm rõ. Trước cơ quan chức năng, người phụ nữ này cũng vội vàng giải thích đây là “quỹ đen” của chồng mà bà tìm thấy ở nhà.
Bà Trương ngỡ ngàng khi nhân viên ngân hàng hỏi về nguồn gốc số tiền
Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, cảnh sát xác nhận 100.000 NDT này là tiền giả. Viên cảnh sát giải thích nếu để ý kỹ có thể phát hiện trên các tờ tiền này có in dòng chữ nhỏ “tiền luyện tập”. Thông thường, loại tiền này thường được sử dụng để phục vụ cho việc thực hành đếm tiền hoặc làm đạo cụ quay phim chụp hình.
Để làm rõ về nguồn gốc số tiền giả này, cảnh sát triệu tập ông Hứa. Ngay khi có mặt, người đàn ông này khai rằng vợ đưa quá ít tiền tiêu vặt. Trong khi đó, ông thường xuyên lên mạng xã hội và thấy mọi người quay video khoe kiếm tiền giỏi. Vì thế, ông nảy ra ý định mua tiền giả trên mạng về để làm video “khoe giàu’ với mục đích thu hút tương tác.
Theo Sohu, pháp luật Trung Quốc quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự: “Người nào biết rõ là tiền giả mà vẫn tàng trữ, sử dụng với số lượng có thể bị phạt tù có thời hạn không quá 3 năm, đồng thời bị phạt tiền từ 10.000-100.000 NDT”.
Tuy nhiên, việc sử dụng tiền luyện tập để thực hành đếm tiền hoặc làm đạo cụ quay phim là có cơ sở pháp lý, nhưng phải tuân thủ các luật có liên quan.
Cụ thể, theo Điều 26 và Điều 41 của Quy định quản lý tiền nhân dân tệ của Trung Quốc, khi sử dụng tiền giả làm đạo cụ quay phim chụp hình, đoàn làm phim phải nộp đơn xin phê duyệt và nộp mẫu tiền.
Trong trường hợp này, anh Hứa không đưa ra được giấy cấp phép của cơ quan chức năng. Đồng thời, loại tiền giả mà anh sử dụng được làm vô cùng tinh xảo và dễ bị nhầm lẫn với tiền thật. Chính vì thế, hành vi của người đàn ông này bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật Trung Quốc.
Vậy còn bà Trương vô tình mang tiền giả đi gửi ngân hàng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, để cấu thành tội phạm cần phải có yếu tố cố ý chủ quan. Bà Trương không hề biết đây là tiền giả. Hành vi của bà thuộc trường hợp vô ý. Hơn nữa, sau khi biết đó là tiền giả, bà đã tích cực phối hợp điều tra với cơ quan chức năng, thành thật khai báo nguồn gốc số tiền. Nên bà Trương không phải chịu trách nhiệm hình sự trong tình huống này.
(Theo Sohu)