Ông Tôn và bà Vương ở Trịnh Châu (Trung Quốc) từng là đồng nghiệp, sau đó kết hôn và có một con trai tên Tiểu Phúc. Một thời gian sau, 2 vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn, dẫn đến quyết định ly hôn “đường ai nấy đi”. Tiểu Phúc sống với bố, bà Vương tìm được công việc với mức lương 2.000 NDT/tháng (7,1 triệu đồng), thỉnh thoảng đến thăm con trai.
Tháng 10/2023, sóng gió ập đến khi ông Tôn gặp tai nạn giao thông, không may qua đời. Con trai Tiểu Phúc về sống với mẹ cũng là người giám hộ hợp pháp. Thu nhập của bà Vương chỉ đủ để 2 mẹ con duy trì mức sinh hoạt cơ bản, không dư giả. Thế nhưng cuộc sống vốn chật vật càng khó khăn hơn khi bà Vương nhận được cuộc gọi thông báo Tiểu Phúc phải trả nợ khoản vay mua nhà cho ngân hàng.
Ban đầu bà Vương nghĩ đây là cuộc gọi lừa đảo, tuy nhiên phía ngân hàng giải thích trước khi qua đời, ông Tôn đã ký hợp đồng vay tiền mua nhà. Con trai là người thừa kế hợp pháp duy nhất của ông Tôn, nên Tiểu Phúc sẽ phải chịu trách nhiệm trả nợ thay cho bố mình.
Bà Vương bàng hoàng khi biết mình và con trai phải trả nợ thay người chồng cũ quá cố
Theo Luật Thừa kế Trung Quốc, việc thừa kế thực hiện theo thứ tự từ bậc 1 bao gồm vợ, chồng, con, cha mẹ, đến bậc 2 gồm anh chị, ông bà. Con được quy định trong Luật này gồm con chung, con ngoài giá thú, con nuôi.
Ngôi nhà được mua sau khi ly hôn nên không liên quan đến bà Vương. Thế nhưng do Tiểu Phúc vẫn còn là trẻ vị thành niên, không có khả năng trả nợ nên người giám hộ là bà Vương sẽ phải chịu trách nhiệm trả khoản vay. Cụ thể, người phụ nữ này cần trả ngân hàng 6.000 NDT/tháng (21 triệu đồng) trong 20 năm. Bà Vương nghe vậy vô cùng sửng sốt, cảm thấy rất nặng nề vì thu nhập của bà còn không đủ tiền trả nợ mỗi tháng.
Ảnh minh hoạ
Trên thực tế, ông Tôn mới ký hợp đồng, chưa nhận bàn giao nhà từ chủ đầu tư. Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, bà Vương tìm đến chủ đầu tư của căn nhà ông Tôn mua nhằm tìm cách chấm dứt hợp đồng mua bán, nhận lại số tiền đã vay ngân hàng.
Vài ngày sau, phía bộ phận pháp lý của chủ đầu tư cho hay: “Về nguyên tắc, chúng tôi có thể hỗ trợ chị chấm dứt hợp đồng mua nhà nhưng chuyện không đơn giản như vậy. Chúng tôi phát hiện ra Tiểu Phúc không phải người thừa kế hợp pháp duy nhất của ông Tôn. Ông Tôn còn một người vợ và con gái khác”.
Phía nhà đầu tư khẳng định họ chỉ hoàn thành việc trả lại tiền khi vợ cũ ông Tôn đồng ý. Lúc này bà Vương mới biết trước đây ông Tôn đã có một đời vợ. Tuy nhiên việc thoả thuận với người vợ này không dễ dàng do cô liên tục khẳng định mình không còn liên quan đến ông Tôn, không muốn con gái vướng vào rắc rối pháp lý.
Ảnh minh hoạ
Trường hợp của bà Vương nhận được sự quan tâm của dư luận địa phương. Sau nhiều lần thuyết phục, người vợ đầu tiên của ông Tôn cũng xuất hiện để thoả thuận đồng ý chấm dứt hợp đồng mua nhà, ngân hàng và chủ đầu tư hỗ trợ xử lý khoản nợ từ người quá cố.
Câu chuyện của gia đình bà Vương cũng tạo ra nhiều cuộc thảo luận trên mạng xã hội đất nước tỷ dân về rủi ro pháp lý tiềm ẩn liên quan đến những khoản vay khi người quá cố qua đời đột ngột, không có di chúc rõ ràng.
(Theo Toutiao)