Năm 2020, bà Chu (Hàng Châu, Trung Quốc) nhận được thông báo từ ngân hàng về khoản vay 3,9 triệu NDT (hơn 13 tỷ đồng) đứng tên bà đã quá hạn thanh toán 3 tháng, bị xếp vào hàng nợ xấu và đối diện với nguy cơ bị thu giữ tài sản. Bà Chu tỏ ra bối rối vì bản thân chưa từng vay nợ ngân hàng, cũng chưa từng nhận được khoản tiền nào lớn như vậy. Lo ngại bị lừa đảo, bà Chu nhờ ngân hàng chuyển giấy báo nợ về nhà để xem xét kỹ các thông tin liên quan.
Vài ngày sau, người phụ nữ này nhận được giấy báo nợ ghi rõ khoản vay được chuyển thẳng vào tài khoản của chồng bà. Trên thực tế, vợ chồng bà Chu đã ly thân 10 năm, người chồng đang sống ở nước ngoài nên đã lâu không gặp nhau và cả hai đều độc lập tài chính. Lúc này, bà Chu vội liên lạc với chồng nhưng không được. Bà Chu cảm thấy sự việc bất thường nên đã báo cảnh sát điều tra.
Kết quả điều tra cho thấy, ông Chu đã về nước cách đây 5 năm nhưng không nói cho người nhà. Mục đích của chuyến đi này là để ký hợp đồng dự án, sau đó vội vã rời đi. Đáng chú ý, người đàn ông này đã đến ngân hàng để thực hiện một số thủ tục, trong đó có khoản vay 3,9 triệu NDT kể trên.
Ảnh minh hoạ
Phía ngân hàng rà soát tài liệu giấy uỷ quyền vay có chữ ký, cùng bản photo một số giấy tờ tùy thân của bà Chu. Trên danh nghĩa, hai người vẫn là vợ chồng, chưa chính thức ly dị nên ông Chu thực hiện khoản vay này trót lọt với giấy ủy quyền. Đó là lý do bà Chu bị ngân hàng thông báo nợ xấu dù hoàn toàn không biết gì về khoản vay này.
Khi đem chữ ký của bà Chu trong giấy uỷ quyền đi giám định, kết quả cho thấy chữ ký tuy có nét tương đồng với chữ viết bình thường nhưng không phải do bà Chu đặt bút ký. Chính vì vậy, cảnh sát kết luận bà không phải chịu trách nhiệm trả nợ trong trường hợp này.
Bà Chu thở phào nhẹ nhõm, kết hợp với cảnh sát và ngân hàng để điều tra hành vi bất thường của người chồng. Cuối cùng, chồng bà Chu về nước giải quyết vụ việc. Người đàn ông này cho biết vì hợp đồng kinh doanh khi đó cần tiền để vận hành, trong khi ông cũng đang gánh một khoản nợ lớn nên đã lén về nhà cũ để lấy giấy tờ tuỳ thân của bà Chu, sau đó làm giả chữ ký lên giấy ủy quyền khoản vay. Ông Chu buộc phải tìm cách trả nợ cho ngân hàng và bị xử phạt 20.000 NDT (70 triệu đồng) về hành vi làm giả giấy tờ.
Anh minh hoạ
Theo Luật Trung Quốc, hành vi pháp lý dân sự do một bên vợ hoặc chồng thực hiện nhằm phục vụ nhu cầu hàng ngày của gia đình sẽ có hiệu lực đối với cả hai bên. Tuy nhiên, các hành vi dân sự thực hiện ngoài nhu cầu hàng ngày của gia đình, chẳng hạn như vay mượn số tiền lớn, phải do vợ chồng cùng nhau thực hiện, nếu không sẽ không được coi là nợ chung của vợ chồng.
Khoản vay của ông Chu thuộc trường hợp này, không thể chứng minh khoản tiền vay dùng để sinh hoạt, sản xuất hay kinh doanh cùng bà Chu, nên người vợ không cần chịu trách nhiệm trả nợ.
Cảnh sát Trung Quốc nhắc nhở người dân cần đảm bảo giấy tờ tuỳ thân, thông tin cá nhân không lọt vào tay người khác. Điều này sẽ tránh tình huống giấy tờ, thông tin bị lợi dụng, làm giả để thực hiện các khoản vay chính chủ không nắm được, dễ dẫn đến nợ xấu.
(Theo Toutiao)