Mạng xã hội vài ngày gần đây đang lan truyền rộng rãi bức ảnh những miếng thịt lợn, thịt bò được bày bán la liệt ngoài vỉa hè.
Đặc biệt, thịt được bán với mức giá siêu sốc, món nào cũng chỉ vài chục ngàn, bày trên thùng xốp mà không hề được che chắn bụi, côn trùng hay có tủ mát bảo quản. Theo một cư dân mạng, số thịt này vốn dĩ là hàng đông lạnh, mỗi ngày đều được người bán bày từ sáng đến tối ngoài vỉa hè, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng vẫn rất nhiều người mua.
Thịt lợn, thịt bò được bày bán la liệt ngoài vỉa hè với mức giá "rẻ bèo". Ảnh facebook
Chưa rõ hình ảnh trên được chụp tại đâu, tuy nhiên trước cách bày bán, bảo quản thịt... mất an toàn vệ sinh như vậy đã khiến nhiều người phải lắc đầu ngán ngẩm.
Thực phẩm "bẩn" được phát hiện tại mọi thời điểm trong năm, càng gần Tết càng gây "nhức nhối
Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước phát hiện gần 30.000 trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đáng nói, các trường hợp thực phẩm bị phát hiện và thu giữ xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước.
Đầu tháng 1/2014, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Bình vừa bắt giữ một số phương tiện vận chuyển hàng, phát hiện trên xe chở 300 thùng hàng chứa khoảng 3.000 sản phẩm gia cầm đông lạnh, có trọng lượng gần 4 tấn, không rõ nguồn gốc.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Quảng Bình phát hiện, bắt vụ vận chuyển khoảng 5 tấn đường nhập lậu. Ảnh: TTXVN
Cuối năm 2023 vừa rồi, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 22, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra kho hàng thực phẩm đông lạnh trên địa bàn Tổ dân phố Trung 5, phố Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện và thu giữ hơn 1 tấn thực phẩm "bẩn" gồm chân gà, tràng lợn, trứng non, lòng lợn, lườn ngỗng được đổ buôn cho các nhà hàng, quán ăn vỉa hè trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cũng vào thời điểm cuối năm, Công an TP. Điện Biên Phủ vừa phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 100kg chân gà đông lạnh không có nguồn gốc, xuất xứ, đang có dấu hiệu phân hủy.
Trước đó, giữa năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện gần 20 tấn thực phẩm đông lạnh bị mốc, quá hạn sử dụng...
Tháng 7/2023, lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương phát hiện và thu giữ 2.364kg lòng lợn, mỡ đông lạnh, mỡ nước đã biến chất, bốc mùi, chuyển màu, ngăn chặn kịp thời lưu thông ra thị trường.
Công an huyện Bát Xát phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Lào Cai) đã kiểm tra và thu giữ lô thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tại địa bàn xã Quang Kim, huyện Bát Xát. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 180 bao tải, bên trong chứa 3240 kg chân gà, tai lợn, chân lợn đông lạnh đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối.
Trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện gần 30.000 trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh minh họa
Đó chỉ là một vài trong số nhiều trường hợp bị tố giác vận chuyển, buôn bán thực phẩm "bẩn" ra thị trường... Điều đáng tiếc là thịt "bẩn", rau "bẩn"... thường hiếm khi bộc lộ rõ các dấu hiệu bất thường, vì thế người tiêu dùng cũng khó có thể phân biệt.
Càng gần đến Tết Nguyên đán, tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng chất cấm để chế biến, bảo quản lại gia tăng do nhu cầu tiêu thụ cao. Nếu tiêu thụ các loại thực phẩm này sẽ dẫn đến không ít nguy hại về sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến không ít các vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí dẫn đến tử vong.
Ăn thịt "bẩn", coi chừng nhiễm khuẩn, ngộ độc, ung thư
Trong năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng sức khỏe tới 2 nghìn người và khiến 28 trường hợp tử vong. Số vụ ngộ độc và số người bị ảnh hưởng tăng so với năm 2022, rất may là số trường hợp tử vong giảm.
Bàn về thực phẩm "bẩn", TS.BS Hoàng Đình Chân (Nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện K Trung ương) nhấn mạnh: Thực phẩm "bẩn" chính là nguyên nhân bắt nguồn của mọi căn bệnh ung thư, còn nguy hiểm hơn cả hút thuốc lá. Tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm "bẩn" chiếm khoảng 35%, trong khi đó nguyên nhân gây ung thư của thuốc lá chỉ là 30%.
Chuyên gia nói, trong các loại rau củ, thịt cá kém chất lượng có chứa rất nhiều vi khuẩn, vi sinh vật, nấm, ký sinh trùng, đồng thời chứa nhiều độc tố, hóa chất (thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, kháng sinh)... có thể gây bệnh cho cơ thể và thậm chí là gây ung thư.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) nói về tác hại của việc tiêu thụ các loại thịt kém chất lượng như sau: Điều đáng sợ nhất của thịt "bẩn" đó là chứa thuốc tăng trọng, thuốc kích thích tăng trưởng; thuốc nhuộm màu, chất bảo quản chống thối... đây đều là "thủ phạm" gây viêm mãn tính, gây ung thư.
Khi thịt bắt đầu bốc mùi hôi, hay là bị mốc thì đó là dấu hiệu thịt đã hình thành vi khuẩn Salmonella, E.coli, Listeria monocytogenes... gây ngộ độc, tuyệt đối không nên mua hoặc ăn.
- Nên mua thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng.
- Nên kiểm tra kỹ nhãn mác, hạn sử dụng của thịt trước khi mua.
- Cần chọn thịt có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Ấn vào thấy ấm, có sự đàn hồi và không bị rỉ nước. Khi chế biến sẽ thấy thịt săn lại, không ra nhiều nước.
- Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Đặc biệt không nên mua thịt có mùi hôi thối khó chịu.
- Nếu thấy thịt nạc và mỡ tách rời rõ rệt, có dịch vàng rỉ ra thì đó chính là thịt siêu nạc, không nên mua.
- Sau khi mua về, rửa sạch thịt trước khi chế biến để loại bỏ các vi khuẩn, bụi bẩn bám trên bề mặt.
- Cần bảo quản thịt đúng cách để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại.