Việc TP Hồ Chí Minh mở rộng địa giới, chính thức hợp nhất Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, đang mở ra cơ hội tái cấu trúc sản phẩm, làm đa dạng trải nghiệm cho du khách đến "siêu vùng du lịch".
Đường Mai Chí Thọ - trục đường chính nối trung tâm TP Hồ Chí Minh hướng ra phường Vũng Tàu.
Phó Tổng giám đốc Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng cho biết "siêu vùng kinh tế – du lịch" là bước chuyển quan trọng, định hình lại tư duy phát triển sản phẩm theo không gian mở và liên kết vùng. Theo bà, lợi thế lớn nhất là tài nguyên du lịch đa dạng trong phạm vi 1–3 giờ di chuyển, cộng thêm hạ tầng giao thông được đồng bộ sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng thiết kế hành trình trải nghiệm, thay vì bó buộc trong ranh giới hành chính cũ.
Từ 1/7, TP Hồ Chí Minh – Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu chính thức vận hành theo mô hình hành chính hợp nhất. Về mặt quy mô, Thành phố mới rộng hơn 7.000 km², dân số khoảng 14 triệu người. Việc hợp nhất tạo ra lợi thế lớn "ba trong một" cho TP Hồ Chí Minh khi vừa sở hữu nhiều trải nghiệm văn hóa đặc sắc, vừa có du lịch biển và du lịch sinh thái. Đây là lợi thế tiền đề để các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm.
Phía Vietravel dự kiến sẽ tập trung phát triển năm nhóm sản phẩm chính: du lịch văn hóa – trải nghiệm bản địa; ẩm thực và sáng tạo đô thị; nghỉ dưỡng và du lịch cuối tuần cao cấp; du lịch MICE liên kết vùng; mua sắm và công nghiệp sáng tạo. Trong đó, các tuyến ngắn từ TP Hồ Chí Minh đi Long Hải – Hồ Tràm – Bình Châu được coi là mũi nhọn cho nhóm khách nghỉ cuối tuần, bên cạnh các tour văn hóa – ẩm thực khai thác chợ đêm, làng nghề, nghệ thuật đương đại.
Cũng đồng tình hợp nhất mở ra cơ hội đa dạng sản phẩm, ông Nguyễn Khoa Luân, CEO Công ty Ảnh Việt Hop on – Hop off, cho rằng TP Hồ Chí Minh mới sẽ là một trong những trụ cột phát triển du lịch, kinh tế, văn hóa xã hội mạnh nhất cả nước và có thể thuộc nhóm hàng đầu Đông Nam Á. Theo ông Luân, trước đây Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương chỉ là các địa phương liên kết, nay trở thành "một nhà", tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác sâu hơn nguồn khách cả trong nước lẫn quốc tế.
Ảnh Việt dự kiến sẽ tổ chức các buổi tiếp cận, làm việc với hai địa phương mới mở rộng, xây dựng tour đưa du khách tiếp cận nền hành chính mới, khám phá thế mạnh du lịch biển Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như tìm hiểu thêm các cơ hội đầu tư sản phẩm mới.
Khách quốc tế tham gia tour ẩm thực đêm tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VN Bike Tour
Một doanh nghiệp chuyên tổ chức street food tour tại phường Xóm Chiếu (quận 4 cũ), cho biết việc mở rộng địa giới mang đến điều kiện kéo dài tuyến tour từ thành thị đến thiên nhiên ven đô. Gần đây, công ty này đã thử nghiệm tour Mã Đà (Đồng Nai), đưa du khách khám phá vùng rừng gần thành phố để tăng trải nghiệm mới cho nhóm khách "5 sao".
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cũng bày tỏ băn khoăn về chất lượng dịch vụ chưa đồng đều giữa các địa phương. Dù Bình Dương đã có các khách sạn 4–5 sao nhưng các hoạt động vui chơi, mua sắm về đêm lại chưa sôi động như TP Hồ Chí Minh. "Khách đi chơi xong thường thích quay lại Thành phố để tiếp tục mua sắm, ăn uống", đại diện nói.
Dù kỳ vọng vùng hợp nhất sẽ mở ra cơ hội lớn, nhưng các công ty lữ hành cho biết để biến cơ hội thành hiện thực, cần giải bài toán đồng bộ hạ tầng dịch vụ, bộ tiêu chuẩn chất lượng và cách định vị điểm đến. Bà Hoàng cho biết thách thức về sự khác biệt trong bản sắc địa phương, việc chưa có bộ tiêu chuẩn vùng thống nhất sẽ gây khó khăn cho thiết kế tour, quảng bá và tiếp cận nhóm khách tiềm năng.
Dù vậy, các đơn vị đều khẳng định sẵn sàng đồng hành cùng địa phương để phát triển sản phẩm, phối hợp quảng bá và đón đầu thế hệ khách mới thích đa dạng trải nghiệm. Nhiều tour mới được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ ra mắt trong vòng 6–12 tháng tới, tận dụng đà "siêu vùng du lịch".
"Dự kiến doanh thu từ các tour thuộc vùng hợp nhất sẽ tăng 15–18% so với cùng kỳ, đóng góp 15–20% tổng doanh thu toàn hệ thống vào năm 2026, gấp đôi tỷ trọng hiện nay, đại diện Vietravel cho biết.