Các loại rau sống như xà lách, cải xanh, rau thơm gia vị (mùi, tía tô, húng quế…) là nguồn bổ sung vitamin và khoáng chất dồi dào, được nhiều người ưa chuộng vì sự tươi mát, ngon miệng. Tuy nhiên, nếu không biết cách sơ chế đúng chuẩn, rau sống có thể trở thành "ổ bệnh" với hàng loạt ký sinh trùng nguy hiểm ẩn mình, đe dọa sức khỏe người dùng.
Không chỉ là món khai vị quen thuộc, rau sống còn được yêu thích bởi giữ nguyên được hương vị tự nhiên và lượng vitamin cao, nhất là các nhóm vitamin C, A, E và nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Những loại rau này thường xuyên góp mặt trong các bữa ăn của nhiều gia đình.
Không những vậy, trào lưu "ăn thô", nghĩa là ăn thực phẩm không qua chế biến hay đun nấu cũng đang lan rộng, khiến rau sống càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia, đây cũng chính là con đường ngắn nhất đưa ký sinh trùng gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt nếu rau không được làm sạch đúng cách.
Nhiều người có thói quen ăn rau sống trong bữa ăn hàng ngày. (Ảnh: Stockcake)
Trả lời Báo điện tử VTC News, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hạnh, Học viện Nông Nghiệp Việt Nam cho biết, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng rau sống, nhất là các loại trồng dưới nước như cải xoong, rau muống nước, rau cần... có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng rất cao. Các loại ký sinh trùng phổ biến có thể “ẩn mình” trong rau sống bao gồm giun kim, giun móc, giun tóc, trứng giun đũa chó, sán lá gan, thậm chí cả amip – một tác nhân gây bệnh lỵ nguy hiểm.
Một nghiên cứu đáng chú ý từ Viện Sốt rét – Ký sinh trùng cho thấy, trong 8 mẫu rau sống thường dùng, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng lên tới 92,3% - 100%. Ngay cả khi rau được rửa kỹ tới 3 lần bằng nước sạch và sử dụng nước rửa chuyên dụng, mức độ nhiễm vẫn ở mức cao là 51,9% - 82,6%. Đáng lo ngại hơn, các loại rau phổ biến như xà lách, cải cúc, rau má, rau cải xoong đều có tỷ lệ nhiễm 100%. Các loại rau như rau thơm, rau muống… cũng không nằm ngoài danh sách nguy hiểm.
Cụ thể, sau lần rửa thứ nhất, tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng vẫn lên tới 97%; sau lần rửa thứ hai còn 77,9% và sau lần thứ ba cũng chỉ giảm xuống 51,9%. Những con số này cho thấy, việc chỉ rửa rau theo cách thông thường là chưa đủ để loại bỏ hết vi khuẩn và trứng giun.
Rau sống nếu không được sơ chế đúng cách, chúng có thể là “ổ bệnh” chứa hàng loạt ký sinh trùng. (Ảnh: Marthastewart)
Để hạn chế nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ rau sống, người tiêu dùng cần đặc biệt chú trọng tới khâu sơ chế. Dưới đây là những nguyên tắc vàng được chuyên gia khuyến cáo:
- Nhặt sạch và rửa nhiều lần bằng nước sạch: Đặc biệt, nên rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy, tránh ngâm chung trong chậu vì dễ làm trứng giun lan sang rau sạch.
- Không nên lạm dụng thuốc tím hay nước muối loãng: Nhiều người tin rằng đây là cách khử khuẩn hiệu quả, nhưng thực tế, các dung dịch này không tiêu diệt được trứng giun hay loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn nếu không kèm theo việc rửa kỹ bằng nước sạch. Việc chỉ ngâm rau rồi vớt lên ăn ngay là hành động thiếu an toàn.
- Vớt và để rau ráo nước trước khi ăn: Giúp hạn chế tồn dư nước rửa rau chứa vi khuẩn hay tạp chất còn đọng lại.
Nên rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy. (Ảnh: Getty Images)
TS Nguyễn Hồng Hạnh khẳng định việc rửa rau đúng cách và kỹ đến mấy cũng không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng từ rau sống. Cách duy nhất để đảm bảo an toàn là nấu chín kỹ ở 100 độ C trong ít nhất 3–5 phút, như vậy mới đủ tiêu diệt hoàn toàn ký sinh trùng.
Với những món ăn bắt buộc sử dụng rau sống như gỏi, bánh xèo, bún ốc, món cuốn rau..., người tiêu dùng nên xem xét nguồn gốc rau kỹ càng.
Ngoài việc sơ chế cẩn thận, khâu chọn mua rau cũng rất quan trọng. Nên mua tại siêu thị, cửa hàng uy tín hoặc cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Không chọn rau bị dập nát, úa vàng, có dấu hiệu phun thuốc bảo vệ thực vật.
Nhiều gia đình chọn cách tự trồng rau sống tại nhà để kiểm soát chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc trồng rau bằng đất sạch, nước sạch và không sử dụng thuốc hóa học sẽ giúp hạn chế đáng kể nguy cơ rau nhiễm ký sinh trùng.
Người dân tự trồng rau xà lách tại nhà. (Ảnh: Trúc Hòa)
Rau sống mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro sức khỏe nếu không được xử lý đúng cách. Đừng để những món rau tươi ngon trở thành nguồn lây bệnh nguy hiểm chỉ vì sự chủ quan.