Rộ trào lưu "thần dược chanh": Nghe tuyên truyền nhảm coi chừng bệnh thêm, dễ sạm da, cháy nắng lúc nào không hay

Minh Anh, Theo phunuso.baophunuthudo.vn 22:03 23/04/2025
Chia sẻ

Nhiều người ngỡ rằng mình chỉ bị "cháy nắng" do đi biển hay đi nắng mà không biết rằng thủ phạm có thể là những ly nước chanh đã uống vào buổi sáng.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội rộ lên những trào lưu kỳ lạ liên quan đến quả chanh – một loại trái cây vốn quen thuộc trong gian bếp mỗi gia đình. Nhiều người truyền tai nhau rằng vắt chanh vào mắt hoặc mũi có thể chữa được cảm cúm, viêm xoang. Thậm chí, có người còn lấy "quyền làm bố, làm mẹ" ra để mà quay video trực tiếp nhỏ nước cốt chanh vào mắt con để cố chứng minh cho lợi ích của chanh

Cũng có người đều đặn uống nước chanh mỗi sáng để "thải độc", thanh lọc gan, làm đẹp da. Thậm chí, không ít cá nhân còn mạnh dạn khẳng định mình uống đến 10-20 quả chanh mỗi ngày vì cho rằng chanh lành tính, tốt cho sức khỏe, "càng nhiều càng tốt".

Rộ trào lưu
Rộ trào lưu
Rộ trào lưu

Ảnh lấy từ mạng xã hội

Tuy nhiên, bên cạnh những công dụng được khoa học công nhận, việc lạm dụng chanh một cách thiếu hiểu biết, nhất là vắt chanh và mắt - mũi - miệng có thể mang lại những hậu quả không ngờ, đặc biệt là với làn da của bạn.

Vắt chanh vào mũi, mắt - phản khoa học và nguy hiểm

Nhiều đoạn clip trên mạng lan truyền cách "chữa bệnh tự nhiên" bằng cách nhỏ trực tiếp nước cốt chanh hoặc vắt chanh thẳng vào mũi, mắt để trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng. Thế nhưng, điều này hoàn toàn phản khoa học và nguy hiểm.

Rộ trào lưu
Rộ trào lưu

Ảnh lấy từ mạng xã hội

Nước chanh có độ acid cao (pH khoảng 2-3), khi tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc mũi hoặc giác mạc mắt có thể gây ra kích ứng mạnh, bỏng rát, thậm chí tổn thương lâu dài nếu tiếp xúc thường xuyên. Đã có những trường hợp phải nhập viện vì bỏng giác mạc sau khi làm theo mẹo dân gian này.

Theo chia sẻ của BS Trương Quốc Hưng (BS Nhi khoa - làm việc tại Mỹ), chanh có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng trong chanh có acid citric - tạo nên vị chua của chanh, nếu dùng quá nhiều, chúng ta có thể gặp các tác dụng phụ như sau:

- Gây triệu chứng đường tiêu hóa như đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, tiêu phân đen.

- Ăn mòn men răng: Một nghiên cứu năm 2006 cho thấy acid citric dù có tính acid nhẹ cũng có thể ăn mòn hết lớp men răng của bạn.

- Tăng khả năng ngộ độc nhôm: Acid citric đã được biết làm tăng hấp thu nhôm. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy các con chuột được dùng acid citric có nồng độ nhôm trong vỏ não và xương cao hơn hẳn. Nhôm có độc tính lên hệ thần kinh và có mối liên quan tới các bệnh thoái hóa hệ thần kinh như Alzheimer hay Parkinson. Ngoài ngộ độc nhôm, nó còn gây thiếu máu và tổn thương thận.

- Gây ung thư: Trong một nghiên cứu, người ta đem các tế bào hệ miễn dịch người cho vào các thức ăn có nhiểu acid citric thì thấy tất cả các tế bào đều có tổn thương DNA, và có thể tạo thành tế bào ung thư sau này.

Rộ trào lưu

Ảnh minh họa

Chanh - "kẻ bắt nắng" ẩn sau trái cây lành mạnh

Chanh chứa nhiều vitamin C, acid citric và các chất chống oxy hóa - điều không ai phủ nhận. Uống nước chanh điều độ có thể giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa và làm sáng da. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể tiêu thụ chanh vô tội vạ, đặc biệt là trong bối cảnh khí hậu nắng gắt như ở Việt Nam.

Trong chanh có chứa psoralen - một hợp chất tự nhiên thuộc nhóm furocoumarin, có khả năng làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời. Khi psoralen thâm nhập vào cơ thể hoặc tiếp xúc với da, sau đó tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ ánh nắng, có thể gây ra một phản ứng mạnh mẽ, khiến da bị viêm, sạm màu, nổi mẩn đỏ, thậm chí phồng rộp, viêm da.

Viêm da do ánh nắng không chỉ đơn thuần là rám nắng hay sạm da bình thường. Đây là một phản ứng độc hại giữa tia UV và các chất hóa học có trong cơ thể - thường là các chất như psoralen (trong chanh, cần tây, mùi tây, vỏ bưởi), một số loại thuốc hoặc mỹ phẩm.

Khi hiện tượng này xảy ra, da có thể:

- Đỏ, rát, đau như bỏng nắng

- Nổi mẩn, phồng rộp như dị ứng

- Sạm đen, để lại vết nám dai dẳng

- Ngứa ngáy, bong tróc kéo dài nhiều ngày

Nhiều người ngỡ rằng mình chỉ bị "cháy nắng" do đi biển hay đi nắng mà không biết rằng thủ phạm có thể là ly nước chanh uống vào buổi sáng.

Rộ trào lưu

Ảnh minh họa

Dùng chanh có kiểm soát, đừng "nghĩ sao làm vậy"

Chanh là một món quà thiên nhiên tốt cho sức khỏe, nhưng không phải cứ "thiên nhiên" là chúng ta lạm dụng. Bất kỳ thực phẩm nào, nếu dùng sai cách hoặc quá liều, đều có thể trở thành con dao hai lưỡi. Đặc biệt với chanh - loại quả tưởng chừng vô hại - bạn hãy tỉnh táo trước những trào lưu phi khoa học. Đối với những người có vấn đề về hệ tiêu hóa, dạ dày (viêm loét dạ dày, trào ngược acid...), việc uống nước cốt chanh khi bụng đói sẽ càng làm tổn thương niêm mạc dạ dày, làm trầm trọng thêm các triệu chứng như ợ nóng, đau bụng, buồn nôn, có thể dẫn đến loét dạ dày nặng hơn, thậm chí dẫn đến chảy máu dạ dày nguy hiểm đến tính mạng. Khi uống nước chanh bạn cần phải lưu ý những điều sau đây.

Không uống quá nhiều nước chanh trong ngày, nhất là khi chưa ăn sáng hoặc bụng đói. 1-2 quả/ngày là đủ.

Không bôi nước chanh trực tiếp lên da mặt để làm sáng da. Điều này có thể gây bỏng da nhẹ, kích ứng và khiến da nhạy cảm hơn với nắng.

Tuyệt đối không vắt nước chanh vào mũi, mắt vì bất kỳ lý do gì.

Sau khi ăn hoặc uống nước chanh, nếu sắp ra nắng, bạn nên: Che chắn kỹ càng, dùng kem chống nắng phổ rộng (broad spectrum), hạn chế ra ngoài vào giờ nắng gắt.

Nếu có dấu hiệu đỏ da, rát bỏng sau khi ăn chanh và ra nắng, nên đến khám bác sĩ da liễu để được điều trị đúng cách.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày