Ngày 15/6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, mức tăng cao nhất trong gần 3 thập kỷ. Đây là động thái mới nhất của Fed trong “cuộc chiến” chống lạm phát, hiện cao nhất hơn 40 năm.
Chứng khoán Mỹ phản ứng tích cực sau khi thông tin được công bố. Chỉ số Dow Jones chốt phiên cao hơn 500 điểm so với ngày 14/6, trong khi S&P 500 và Nasdaq cũng kết thúc phiên giao dịch trong sắc xanh.
Dù thị trường diễn biến tích cực, không thể phủ nhận nền kinh tế Mỹ đang phải đối diện với nhiều thách thức, gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị tài sản của nhà đầu tư. Đầu tuần này, chỉ số S&P 500 đã rơi vào thị trường giá xuống, hiện thấp hơn 20% so với đỉnh ghi nhận trong tháng 1.
Fed tăng lãi suất thêm 0,75% trong ngày 15/6. Ảnh: News7h.
Trong khi Fed đang nỗ lực sớm kiểm soát lạm phát, nhiều bất ổn khác mà nền kinh tế phải đối mặt. Điều này vô tình tạo ra vô vàn áp lực cho các nhà đầu tư, thậm chí là cả những nhà đầu tư dài hạn.
“Chúng ta không thể tránh được điều đó”, Brad Klontz, Chuyên gia hoạch định tài chính, tác giả cuốn sách “Mind Over Money” và là nhà đồng sáng lập Financial Psychology Institute, chia sẻ.
Thay vì tỏ ra lo lắng về sự biến động mạnh thời gian gần đây, Klontz khuyến khích nhà đầu tư nhìn vào triển vọng thị trường trong dài hạn để có thể giải tỏa phần nào áp lực.
“Khi chúng ta bị tâm lý chi phối, thử thách sẽ khó khăn hơn gấp bội”, Klontz chia sẻ. Ông bổ sung rằng nhà đầu tư có thể phạm phải những sai lầm và phải trả một cái giá rất đắt. “Chúng ta cần bình tĩnh, mở rộng hệ quy chiếu để có cái nhìn rõ ràng hơn”.
Dan Egan, Phó Chủ tịch công ty đầu tư Betterment, nhấn mạnh rằng việc quyết tâm theo đuổi những mục tiêu trong dài hạn sẽ giúp nhà đầu tư đứng vững trước áp lực mỗi khi thị trường biến động.
“Luôn hướng về tương lai là một năng lực không thể bị xem nhẹ”, ông chia sẻ.
Những động thái của Fed rất đáng được quan tâm, tuy nhiên, các cố vấn tài chính và nhà đầu tư không nên đưa ra bất cứ quyết định gì khi chỉ dựa trên những thông tin từ ngân hàng trung ương, theo Douglas Boneparth, Chuyên gia tài chính kiêm Chủ tịch Bone Fide Wealth.
“Nếu như bạn đang xây dựng các kế hoạch tài chính chỉ dựa trên những gì mà Fed nói, tôi không chắc đó là những kế hoạch hoàn hảo nhất”, ông nói. Các cố vấn tài chính cần đảm bảo rằng khách hàng của họ hiểu được bối cảnh rộng lớn của thị trường.
“Chúng ta cần phải giúp họ hiểu được những gì họ có thể hoặc không thể kiểm soát”, ông chia sẻ.
Hiện tại, nếu như danh mục đầu tư của bạn đang giảm mạnh và nó khiến bạn trằn trọc cả đêm, thì đã tới lúc bạn nên tái cân bằng danh mục đầu tư của mình, theo Stacy Francis, Chủ tịch kiêm CEO Francis Financial, có trụ sở tại New York.
“Chúng ta cần ‘mang một cặp kính mới’ và một lần nữa quan sát danh mục đầu tư đó, đảm bảo rủi ro trong đó ở mức bạn có thể chấp nhận được”, bà nói.
Quản lý chi phí hàng ngày trước tác động của lạm phát cũng là một kỹ năng quan trọng.
“Trong khi tăng lãi suất là biện pháp cần thiết để có thể kéo giảm lạm phát, nhưng lãi suất cao, và có thể cao hơn trong tương lai, đồng nghĩa các khoản vay cũng trở nên đắt đỏ hơn”, Francis chia sẻ.
Doanh thu bán lẻ tại Mỹ giảm phản ánh sự thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân quốc gia này. Ảnh: Bloomberg. |
Nhiều người sẽ chật vật hơn với các khoản nợ mua nhà, mua xe, học phí… trong bối cảnh giá cả hàng hóa liên tục tăng lên. |
Hi vọng rằng, mọi người đã có những động thái phòng bị như trả một phần nợ hoặc điều chỉnh dòng tiền để thích ứng với môi trường hiện tại, theo Chiến lược gia tài chính Lazetta Rainey Braxton, CEO của 2050 Wealth Partners, có trụ sở tại New York.
Nếu chưa làm được điều đó, nhiều người sẽ phải chấp nhận những gì đang xảy ra và đánh đổi, bà nói. “Họ có thể sẽ phải điều chỉnh lại lối sống phóng khoáng trước kia hoặc yêu cầu tăng lương khi đi làm…”
“Đáng buồn thay, nhiều gia đình đã rơi vào cảnh tồn tại, thay vì sống”, bà nhận định.
Theo CNBC