Thời điểm đồng hồ chuyển sang 0h ngày 1/12, các công nhân tại nhà ga Nhà hát TP.HCM, lại tất bật chuẩn bị cho công việc vận chuyển robot TBM "siêu khủng" đào hầm cho tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Đây là một trong những máy đào hầm hiện đại bậc nhất trên thế giới vừa đào được 781m hầm Metro ngay trung tâm Sài Gòn. Hầm thứ 1 của tuyến đường sắt đô thị của thành phố vừa hoàn thành sau hơn 5 tháng thi công.
Tiếp đến, robot TBM sẽ được đơn vị thi công tháo rời và chuyển trở lại ga Ba Son để đào hầm thứ 2, song song với hầm 1.
Clip: Quá trình vận chuyển Robot "siêu khủng" về nhà ga để đào hầm Metro Sài Gòn - Thực hiện: Tứ Quý.
Mô tơ vận hành đầu máy khoan hầm chuẩn bị vận chuyển.
Đúng 0h30, sau khi được tháo rời từng bộ phận đưa lên mặt đất, robot TBM "siêu khủng" đã được tháo rời từng bộ phận đưa lên mặt đất, bắt đầu vận chuyển về nhà ga Ba Son.
Việc vận chuyển robot TBM được một nhà thầu độc lập đảm nhận. Do các bộ phận của robot TBM có trọng lượng lớn nên đơn vị vận chuyển phải dùng cần cẩu tải trọng 300 tấn để đưa lên mặt đất. Thời gian vận chuyển các bộ phận robot TBM từ ga ngầm Nhà hát TP lên mặt đất phụ thuộc vào tiến độ của đơn vị lắp ráp và thời tiết. Mất khoảng 1 tháng sẽ đưa được hết bộ phận robot TBM lên mặt đất.
Sau đó, những bộ phận robot TBM tiếp tục được cẩu lên xe đầu kéo và sơmi romooc chuyên dụng để chuyển về ga Ba Son lắp ráp trở lại.
Nhà thầu vận chuyển cho biết, việc đưa các bộ phận của robot TBM từ nơi này sang nơi khác phải đảm bảo độ chính xác cao và tránh va đập. Để thực hiện công đoạn phức tạp, khi di chuyển qua các khu vực hẹp đơn vị này phải nhập những thiết bị vận chuyển siêu trọng từ các nước châu Âu. Với các loại thiết bị này có thể linh động ở các khu vực hẹp khi di chuyển trên đường trong nội thành.
Việc vận chuyển các bộ phận được thực hiện trong đêm để đảm bảo an toàn.
Main Bearing của TBM hay còn lại là tâm của robot siêu khủng này.
Một trong những mảnh ghép của máy khoan được tháo rời để vận chuyển.
Theo nhà thầu vận chuyển, xe chuyên dụng vận chuyển các bộ phận robot về ga Ba Son và lắp ráp với tổng thời gian hết khoảng 3 tháng mới hoàn thành.
Đoạn hầm ngầm từ ga Nhà hát TP - ga Ba Son (phường Bến Nghé, quận 1), do nhà thầu liên danh Shimizu - Maeda thi công bằng đào ngầm TBM (robot TBM) dài 781m, sâu 17m vừa hoàn thành. Còn hầm thứ 2 ở độ sâu 10m, dự kiến hoàn thành vào 6/2018.
Về quá trình đào sẽ tùy điều kiện địa chất robot sẽ được gắn mũi khoan thích hợp. Các loại đất đá trong quá trình khoan sẽ được nghiền nát và đưa ra ngoài. Khi 1,2m hầm được khoan, công nhân sẽ cho lắp 6 tấm bê tông làm vách hầm đường kính 6,8m.
Hiện tại với tổng mức đầu tư trên 47 nghìn tỉ đồng, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro Bến Thành - Suối Tiên) có chiều dài 19,7 km (gồm 2,6 km ngầm và 17,1 km trên cao). Toàn tuyến có 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao), dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2020.
Bộ phận thân robot được vận chuyển bằng xe đầu kéo thông thường.
Công nhân đứng trên cao kiểm tra thiết bị dây cẩu khi đưa lên xe đầu kéo.
Có khoảng gần 20 công nhân Nhật Bản và Việt Nam tham gia hỗ trợ vận chuyển lên xe chuyên dụng.
Cần cẩu có tải trọng 300 tấn mới có thể nâng được các bộ phận của TBM.
Quá trình nâng hạ mất khá nhiều thời gian.
Bộ phận robot bắt đầu được vận chuyển bằng đường bộ về nhà ga Ba Son.
Thiết bị tâm của robot là siêu tải trọng nên được vận chuyển bằng xe đặc biệt.
Sơ mi romooc có thể nâng hạ để chuyên chở những vật siêu tải trọng như robot khoan hầm.
Công nhân leo lên vị trí cao để tháo dây.
Mặt lắp mũi khoan.
Công nghệ vận chuyển được nhập từ châu Âu để có thể vận chuyển robot "siêu khủng" bằng đường bộ tránh va đập.
Việc vận chuyển sẽ đi theo lộ trình từ ga Nhà hát TP - Đồng Khởi - Mạc Thị Bưởi - Phan Văn Đạt - vòng xoay công trường Mê Linh - Tôn Đức Thắng - ga Ba Son.
Sau khi rời cổng công trường, xe vận chuyển di chuyển đến trước Nhà hát TP. một lúc rồi đi qua nhà ga Ba Son.