Bến Tre được mệnh danh là "xứ dừa" bởi vùng đất miền Tây không chỉ rợp bóng của những hàng dừa xanh mát mà ẩm thực nơi đây cũng gắn bó mật thiết với loại quả này. Từ các loại bánh ăn chơi đến những bữa cơm chính trong gia đình, dừa đều có thể góp mặt để tạo nên hương vị béo thơm, thanh mát rất riêng. Điểm qua các món từ dừa dưới đây, bạn sẽ phải công nhận sự biến hóa khôn lường của thức quả bình dân này.
Ở Bến Tre, bánh dừa là món đồ ngọt bình dân và đã gắn bó với đời sống người dân từ rất lâu. Chiếc bánh nhỏ nhắn nằm gọn trong lòng bàn tay với hình dáng ống tương tự như bánh tét. Tuy chỉ là món ăn chơi nhưng bánh dừa cũng được chế biến rất cầu kì từ hai loại: dừa nước và dừa cạn. Nếu lá dừa nước làm vỏ bánh thì phần cơm dừa lại góp vị béo cho nhân bên trong.
Người ta trộn nếp cùng với nước dừa để khi chín, bánh dậy lên mùi thơm và bắt vị hơn. Nhân có thể là đậu xanh, chuối hay sợi dừa xào chín... Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ cái mằn mặn của muối, béo béo thơm thơm của dừa lẫn trong phần nếp dẻo mềm. Cắn chạm vào trong, nhân tiếp thêm chút bùi bùi tạo nên hương vị mộc mạc nhưng lại tinh tế, đậm đà.
Vào những ngày lễ, tết hay đám tiệc, người dân Bến Tre thường dùng bánh dừa để thờ cúng tổ tiên. Không chỉ là món ăn đặc trưng vùng miền mà bánh dừa còn lôi cuốn vị giác của thực khách bốn phương và hiện nay chúng cũng được bán phổ biến ở nhiều tỉnh thành khác.
Đối với người Bến Tre, không có bộ phận nào của dừa là lãng phí cả. Nếu trái dừa thường xuất hiện trong các món ngọt thì phần lá mầm non trên ngọn cây lại có thể chế biến thành bữa ăn vô cùng hấp dẫn. Đấy chính là gỏi củ hũ dừa.
Phần củ hủ dừa sau khi làm sạch thì được bào thành sợi mỏng vừa ăn. Sau đó trộn cùng dấm đường hay nước cốt chanh để tạo độ chua ngọt đặc trưng. Một đĩa gỏi đúng chuẩn phải đầy đủ hương sắc của tôm luộc, thịt ba chỉ, rau răm... Và đặc biệt chén nước mắm tỏi ớt cũng chiếm vai trò quan trọng để món ăn thêm đậm đà, bắt vị.
Độ giòn tươi, ngòn ngọt của miếng củ hũ thấm trong nước gỏi chua chua tạo nên tổng thể hương vị đầy kích thích. Thịt, tôm ngọt béo được cân bằng trong cái cay the, mằn mặn của nước mắm thì chẳng còn gì để chê. Độc đáo từ cái tên cho đến hương vị, bởi thế mà gỏi củ hũ dừa đã tạo được một ấn tượng khó phai trong lòng nhiều du khách.
Cơm trái dừa của người Bến Tre cũng là một trong những món cơm đặc sắc của ẩm thực Việt Nam. Người ta thường chọn loại gạo dẻo, thơm rồi nấu cùng nước dừa xiêm để tạo nên vị ngọt thanh rất mới lạ. Phần cơm không chỉ thơm ngon mà còn xinh xắn khi được đặt trong vỏ quả dừa, hấp tầm 1 tiếng.
Khi chín, làn khói tỏi ra mùi thơm nghi ngút khơi dậy mọi giác quan của thực khách. Từng hạt gạo dẻo quyện thêm độ bóng bẩy từ nước dừa trông vô cùng hấp dẫn. Thưởng thức ngay khi cơm còn nóng, bạn sẽ xuýt xoa với vị ngọt thơm, man mát đọng lại nơi cổ họng. Ăn kèm với món này chín là những con tôm được rang mặn ngọt, đậm đà. Cả hai kết hợp ăn ý, hài hòa làm người ta cứ thòm thèm mỗi khi nhớ về.
Món ăn có tên lạ, chuối đập, cũng là một cái tên không thể bỏ lỡ khi về Bến Tre. Dù không phải thành phần chính nhưng nếu thiếu dừa, phần chuối đập chẳng thể nào tạo nên ấn tượng hương vị trong lòng thực khách. Trái chuối chín vừa tới nhưng vẫn có độ dẻo cứng được bóc vỏ cẩn thận rồi nướng trên lửa than cho cháy xém các mặt. Sau đó người ta sẽ cho chúng vào bao nilon và đập dẹp hẳn ra rồi tiếp tục nướng đến khi chín vàng hẳn.
Phần nước cốt dừa sẽ nấu cùng bột năng, gia vị tạo nên hỗn hợp sốt sánh sệt cùng mùi thơm dịu nhẹ tinh tế. Cần miếng chuối nóng hổi chấm đều trong làn nước dừa, từ từ vị giác của bạn sẽ bị chiếm lĩnh bởi cái béo béo, mằn mặn, dẻo bùi đan xen vào nhau. Càng nhai vị ngọt càng làn tỏa làm người ta "phát ghiền". Và chính nhờ phần cốt dừa được chế biến khéo léo mà món ăn dân dã vị quê này trở nên thơm ngon hơn hẳn.