Tính đến 10h sáng 1/2/2020, số người trên thế giới mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra đã tăng lên 11.951 trường hợp, 259 người tử vong.
Việt Nam đã có 6 trường hợp mắc Corona. Trong đó: 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi); 3 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán; 1 công dân Việt Nam là lễ tân khách sạn ở Nha Trang có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc.
Virus corona là một họ virus lớn gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến bệnh nặng, đe dọa tính mạng của người bệnh như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012. Tuy nhiên, từ tháng 12 năm 2019, một chủng virus corona mới (nCoV) gây viêm phổi tại tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc) đã được xác định và có nguy cơ lan rộng.
Người nhiễm virus Corona mới có các triệu chứng cấp tính: ho, sốt, khó thở, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.
Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đến giờ phút này, không có sinh phẩm, xét nghiệm virus Corona nào chẩn đoán tại nhà.
Khu vực cách ly bệnh nhân nhiễm virus Corona tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Phương Thảo.
PGS - TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu tại buổi họp báo chiều 31/1, hiện nay các bệnh viện đều có khả năng xét nghiệm chủng virus Corona. Những ca nghi ngờ, có triệu chứng sốt đi từ vùng dịch về, đều đã được xét nghiệm tại các bệnh viện lớn, như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
"Chúng tôi cũng có hệ thống giám sát viêm phổi cấp, yêu cầu hệ thống các bệnh viện lấy các mẫu của những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus Corona, đưa về Viện vệ sinh dịch tễ TW xét nghiệm. Việc này đã được tiến hành từ lâu, không phải bây giờ mới làm" - ông Phu khẳng định.
Kỹ thuật xác định chủng 2019-nCov đó là kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm virus Corona, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định.
Về nguyên tắc điều trị bệnh, các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh. Ca bệnh cần nhập viện theo dõi và cách ly hoàn toàn. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh vì vậy chủ yếu điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có).
Những bệnh nhân nghi nhiễm virus Corona được lấy mẫu máu xét nghiệm tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Phương Thảo
Trong điều trị hỗ trợ:
- Dùng thuốc giảm ho nếu có ho nhiều: nhỏ mũi bằng các thuốc nhỏ mũi thông thường.
- Hạ sốt: Nếu sốt trên 38,5° C thì cho dùng thuốc hạ sốt paracetamol với liều: 10 - 15 mg/kg ở trẻ em, với người lớn không quá 2 g/ngày.
- Điều chỉnh rối loại nước, điện giải và thăng bằng kiềm toan.
- Đảm bảo dinh dưỡng, kiểm soát đường huyết.
- Trường hợp bội nhiễm phế quản phổi nên dùng kháng sinh phổ rộng và có tác dụng với vi khuẩn gây nhiễm trùng ở bệnh viện.
- Đối với trường hợp nặng, cân nhắc dùng gammaglobulin truyền tĩnh mạch (IVIG).
- Điều trị bệnh nền (nếu có).
Bệnh nhân được xuất viện khi có đủ các tiêu chuẩn như hết sốt ít nhất 3 ngày; Toàn trạng tốt: Mạch, huyết áp, nhịp thở, các xét nghiệm máu trở về bình thường; X-quang phổi cải thiện; Chức năng thận trở về bình thường.
Sau khi xuất viện, người bệnh phải tự theo dõi nhiệt độ 12 giờ/lần, nếu nhiệt độ cao hơn 38° C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác, phải đến khám lại ngay tại nơi đã điều trị.