Phụ huynh EQ thấp hay làm 5 điều này khi chờ điểm thi của con

, Theo Đời sống & Pháp luật 06:16 15/07/2025
Chia sẻ

Đừng biến mình thành 1 phụ huynh "EQ thấp" nhé!

Đúng 8h ngày 16/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Thời điểm hiện tại, nhiều phụ huynh đang bước vào giai đoạn thấp thỏm chờ điểm của con. Ai cũng mong con được điểm cao, đỗ trường tốt, mở ra tương lai rộng mở.

Thế nhưng, trong lúc chờ đợi, có không ít bố mẹ lại vô tình khiến con thêm áp lực chỉ vì những biểu hiện của EQ thấp. Dưới đây là 5 hành vi dễ gặp ở những phụ huynh EQ thấp, mà nếu tránh được, cả gia đình sẽ cùng nhẹ đầu hơn rất nhiều.

1. Gọi điện liên tục chỉ để hỏi: “Có điểm chưa?”, “Được bao nhiêu điểm?”, “Bạn A được bao nhiêu?”

Câu hỏi tưởng vô hại này lại dễ khiến con mệt mỏi gấp bội. Sau một kỳ thi căng thẳng, việc bị hỏi đi hỏi lại điểm số như tra khảo chỉ càng làm con thêm lo lắng, nhất là khi con chưa biết kết quả hoặc đã biết nhưng không dám nói. Phụ huynh EQ cao thường chỉ hỏi đúng một câu: “Con có muốn chia sẻ không?” và tôn trọng không gian cảm xúc của con.

2. So sánh con với bạn bè, họ hàng: “Nhà bác ABC năm nay có đứa thi giỏi lắm đấy!”

Việc nhắc đến thành tích của người khác khi con đang chờ điểm là cách đổ thêm dầu vào lửa. Thay vì giúp con phấn đấu, sự so sánh này dễ khiến trẻ thấy mình kém cỏi, bị phủ nhận nỗ lực. Trẻ có thể sẽ chọn im lặng, giấu kết quả hoặc nói dối để tránh bị đánh giá. EQ cao nằm ở chỗ, bố mẹ hiểu rằng mỗi đứa trẻ có một vạch xuất phát khác nhau và biết ủng hộ hành trình riêng của con.

3. Than thở trên Facebook: “Con nhà người ta thì..., con nhà mình thì…”

Mỗi mùa thi là một mùa mạng xã hội ngập tràn status than thở về chuyện điểm số. Những dòng trạng thái tưởng đùa vui đó có thể khiến con bị tổn thương nếu đọc được, hoặc bị bạn bè trêu chọc. EQ cao không phải là giấu cảm xúc thật, mà là biết chọn nơi và cách chia sẻ sao cho không làm tổn thương con cái.

Phụ huynh EQ thấp hay làm 5 điều này khi chờ điểm thi của con- Ảnh 1.

Trong lúc chờ đợi, có không ít bố mẹ lại vô tình khiến con thêm áp lực chỉ vì những biểu hiện của EQ thấp.

4. Đổ lỗi cho con nếu kết quả không như mong đợi: “Đấy, tại con không chịu học!”

Khi điểm thấp, nhiều phụ huynh phản ứng ngay bằng việc mắng mỏ, đổ lỗi. Điều này không những không giúp gì mà còn khiến con cảm thấy bị phản bội, mất niềm tin vào sự đồng hành của gia đình. EQ cao thể hiện ở chỗ, cha mẹ biết kiềm chế phản ứng tiêu cực, biết nói lời động viên đúng lúc: “Không sao, cùng nhìn lại xem mình còn cơ hội nào khác nhé”.

5. Tự áp đặt giấc mơ của mình lên vai con: “Mẹ từng muốn làm bác sĩ, nên con phải đỗ Y”

Một kiểu áp lực khác là khi phụ huynh nhân dịp điểm thi để đặt mong muốn cá nhân lên con. Điều này dễ khiến trẻ hoang mang giữa điểm mạnh của bản thân và kỳ vọng của cha mẹ. Những phụ huynh có EQ cao thường trò chuyện với con từ sớm, lắng nghe ước mơ thật sự của con thay vì áp đặt. Họ hiểu rằng, một đứa trẻ được tự chọn con đường sẽ đi lâu hơn và hạnh phúc hơn.

Điểm số dù cao hay thấp cũng chỉ là một phần trong hành trình trưởng thành. Phụ huynh EQ cao không chỉ giỏi đồng hành khi con đạt thành tích, mà còn vững vàng bên con khi mọi thứ không như mong đợi. Bởi suy cho cùng, điều quý giá nhất không phải là con đạt bao nhiêu điểm, mà là mối quan hệ cha mẹ con cái có thể vững bền sau mọi kỳ thi. Trong lúc chờ điểm, hãy là chỗ dựa tinh thần, không phải là thêm một áp lực.

Tổng hợp

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày