Thời trang trong phim ảnh luôn là một yếu tố quan trọng, cần thiết. Thế nhưng bao nhiêu lâu nay, thời trang thường bị xem nhẹ trong phim Việt Nam. Vì nhiều yếu tố, nhưng dễ lí giải nhất vẫn là do kinh phí, còn "vĩ mô" hơn là ở tầm nhìn khi mà nhà sản xuất không cảm nhận được tầm quan trọng của nó.
Phim Cô Ba Sài Gòn lấy áo dài làm chủ đạo
Cũng nên nhìn nhận rõ, trang phục trong phim được đánh giá cao không phải vì lúc nào cũng đẹp lung linh mà phải tùy vào từng phim, từng bối cảnh, nhân vật. Với những bộ phim truyền hình thập niên chín mươi hay xoay quanh chủ đề thời chiến, tất nhiên trang phục phải lấm lem, tối màu, mang hơi thở thời cuộc. Còn những bộ phim tình cảm thời hiện đại tất nhiên phải có trang phục hợp thời, hợp "mốt", đôi khi phải hợp cả tính cách nhân vật nữa. Còn những phim học đường thì đồng phục lại chính là trang phục chủ đạo.
Phim truyền hình vốn có kinh phí thấp, thời gian thực hiện lại lâu nên việc các diễn viên mặc đi mặc lại một bộ đồ, hoặc người phim này mặc đồ phim kia là chuyện vẫn có thể xảy ra (tình trạng hay nhìn thấy trong các phim cổ trang Hoa ngữ). Cũng có những phim điện ảnh với câu chuyện, bối cảnh đời thường nên diễn viên tự chuẩn bị trang phục, thế là không tránh khỏi nhiều trường hợp tréo ngoe khi lên set sẽ bị chõi màu với bối cảnh hoặc bạn diễn. Nhưng gần như vì vấn đề kinh phí mà các nhà sản xuất, đạo diễn phải nhắm mắt cho qua. Cộng với cách nhìn nhận về "sức nặng" của trang phục trong các khuôn hình, trong việc kiến tạo nên nhân vật vẫn chưa thực sự quan trọng.
Mỹ Nhân Kế chọn áo yếm để sáng tạo
Tấm Cám: Chuyện chưa kể cũng là một phim mang đậm dấu ấn thời trang
Chưa kể có những bộ phim rõ ràng là mang bối cảnh nông thôn, hoặc nhân vật ở tầng lớp lao động nhưng quần áo thì luôn bóng loáng tinh tươm. Điều này trái ngược với chuyện kinh phí thấp vì đó đều là những bộ đồ được may mới, mua mới. Thế nhưng, đó lại là một sự đầu tư sai cách khi mà những bộ quần áo của người lao động, nông dân, hay những cô đào hát lô tô hội chợ cần nhất là dấu ấn thời gian. Sự tươi mới không cần thiết vô tình lại khiến trang phục trở nên "xấu" với chính nhân vật đang mặc.
Thế nên, sự xuất hiện của Cô Ba Sài Gòn hay Mẹ chồng vào cuối năm nay chính là những bước tiến quan trọng trong cả cách mà khán giả nhìn nhận về thời trang trong phim Việt cũng như cách mà các nhà làm phim nhận thấy tầm quan trọng của quần áo.
Với Cô Ba Sài Gòn, một bộ phim thời trang, tất nhiên yếu tố trang phục được đặt lên hàng đầu. Suốt thời lượng phim diễn ra, khán giả không chỉ nhìn thấy cả một bộ sưu tập áo dài, những bộ cánh thời thượng của năm 2017, những phong cách thời trang hiện đại của các nhân vật mà còn được nghe và tiếp nhận rất nhiều những kiến thức thời trang của thế giới. Điều này chứng tỏ được việc nhà sản xuất đặt ra mục tiêu gì từ đầu và cố gắng đi theo nó đến cùng. Sẽ thật kệch cỡm nếu như một phim về thời trang mà có một khung hình nào đó nhân vật ăn mặc bị "sai", rất may Cô Ba Sài Gòn hoàn toàn không mắc phải. Nội dung phim có thể chưa hoàn hảo, còn nhiều lỗ hổng trong kịch bản nhưng rõ ràng về mặt thời trang, Cô Ba Sài Gòn gần như ghi điểm tuyệt đối.
Quan trọng hơn, bộ phim còn tìm được cái đích giá trị trong khi chọn hướng triển khai. Phim về thời trang khác với những cuộc thi thiết kế hay một MV ca nhạc "khoe" những bộ cánh, trang sức đắt tiền. Cô Ba Sài Gòn khéo léo chọn áo dài làm "nhân vật" trung tâm, là điểm gút thú vị để phô diễn được nhiều thứ hay ho của giá trị truyền thống lẫn phong cách thời trang hiện đại.
Khẳng định áo dài là loại trang phục truyền thống của Việt Nam, cộng với ý nghĩa "không thể sáng tạo thêm" của nhân vật Như Ý dành cho áo dài, Cô Ba Sài Gòn nhẹ nhàng chuyển sự tập trung của khán giả theo hướng nhìn của Như Ý, khiến ai nấy cũng choáng ngợp trước sự thay đổi đồ sộ của dòng chảy thời trang trên thế giới khi cô xuyên không đến 2017. Thế là từ xuất phát điểm là trang phục truyền thống, bộ phim trở thành một "tư liệu" thú vị về thời trang đương thời, vừa gây được hứng thú với giới trẻ, vừa dễ dàng kêu gọi được tài trợ.
Nhưng sau đó, đến cuối phim, áo dài lại được tôn vinh cực kì thuyết phục qua bộ sưu tập mang họa tiết gạch bông. Tất cả những gì tinh hoa mà nhà thiết kế Thủy Nguyễn đặt để vào sự sáng tạo cho áo dài trong phim đều được giấu đến cuối cùng, để khi bung ra nó sẽ hoàn toàn chinh phục người xem. Để không chỉ những giá trị mang tính truyền thống được tôn vinh mà bản thân khán giả cũng muốn mặc áo dài lên người. Đó cũng chính là thành công lớn nhất của Cô Ba Sài Gòn, của nhà thiết kế Thủy Nguyễn khi mà gần như lần đầu tiên trong phim Việt, yếu tố thời trang được đặt nặng, tôn vinh và mang đến những thay đổi trong cách mà số đông người Việt đang nhìn nhận về áo dài.
Một trường hợp khác cũng cần đề cập chính là Mẹ chồng. Đây cũng là bộ phim được nhà thiết kế Thủy Nguyễn đảm nhiệm phần trang phục. Khác với Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng không phải phim về thời trang hay mang sứ mệnh tôn vinh loại trang phục nào. Nhưng cũng có thể dễ dàng nhìn thấy ý muốn đẩy mạnh hình ảnh về những bộ áo bà ba trong phim.
Áo bà ba cũng là một loại hình trang phục truyền thống, nhưng chỉ phổ biến ở các tỉnh Nam bộ và thường được may bằng các loại vải thô, trơn. Thế nên, nhà thiết kế Thủy Nguyễn đã "tấn công" vào những điểm hạn chế đó để tạo nên những chiếc áo bà ba lạ mắt, ấn tượng trên phim với nhiều chất lượng từ gấm, lụa đến cả vải nhung cùng nhiều họa tiết thêu may đặc sắc.
Tuy nhiên, dù ấn tượng về áo bà ba trong Mẹ chồng không mạnh mẽ và tích cực như áo dài của Cô Ba Sài Gòn vì nhiều người không cảm nhận được tính "ứng dụng" của những bộ cánh này trong đời thực. Một phần vì bộ phim không đi theo hướng tôn vinh thời trang, tôn vinh áo bà ba mà chỉ là công cụ để các nhân vật được lộng lẫy và bắt mắt hơn trên màn ảnh. Với những phim mang chủ đề "thâm cung nội chiến" như Mẹ chồng thì rõ ràng điểm nhấn trong trang phục là bắt buộc. Bối cảnh bộ phim không phải trong hoàng cung mà ở Nam bộ, thế nên có thể nói với những gì đã thể hiện trên những chiếc áo bà ba vốn đơn sơ, Mẹ chồng đã thành công nhất định.
Nhưng hơn hết, Mẹ chồng đã minh chứng cho tính chỉn chu đến từng bộ trang phục xuất hiện trên phim và hợp với bối cảnh câu chuyện diễn ra. Cùng với Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng hay những bộ phim gây điểm nhấn về thời trang lúc trước như Mỹ nhân kế, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, những tác phẩm này giống như các đốm sáng rực rỡ giữa bức tranh nhạt nhòa về trang phục của điện ảnh Việt.
Và tin chắc rằng với những bộ phim này, nhiều suy nghĩ về vấn đề thời trang trên phim Việt cũng đã đổi khác. Người ta ngày càng có thể tin tưởng và hy vọng hơn vào một tương lai với những bộ phim Việt được chăm chút hơn không chỉ về bối cảnh, kĩ xảo mà đến từng chiếc quần, chiếc áo.
"WeChoice Awards" - giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Bình Tĩnh Sống.
Hơn cả sự lạc quan và tinh thần bền bỉ vượt qua khó khăn của cuộc đời, "Bình tĩnh sống" còn có thể hiểu là một lời khích lệ cũng như nhắc nhở về cách sống và cách đối diện với cuộc đời của mỗi người.
Hãy cùng chúng tôi tôn vinh những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng có mặt trong WeChoiceAwards 2017 qua cổng đề cử chúng tôi dành riêng cho bạn.
Hãy truy cập http://wechoice.vn/ để gửi Đề cử của bạn về cho WeChoice Awards 2017.