Từ "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" đến "Cô ba Sài Gòn", Ngô Thanh Vân cho thấy hướng đi rất rõ ràng của cô: buộc chặt sản phẩm của mình vào văn hóa đất nước. Điều ấy gợi nên rất nhiều suy ngẫm.
Từ thành công của tà áo dài Cô Ba Sài Gòn: Văn hoá và điện ảnh phải là đôi bạn cùng tiến - Ảnh 1.

Nền điện ảnh ấy được xây trên một quá khứ bi thương. Quá khứ ấy có sự chiếm đóng của người Nhật, có cuộc nội chiến chia đôi đất nước, có một thời gian chỉ được phép làm phim Nhà nước với nội dung tuyên truyền. Để rồi chỉ sau hơn chục năm trở lại đây, họ trở thành một trong những nền điện ảnh hàng đầu thế giới thông qua văn hóa.

Chúng ta đang nói đến nền phim ảnh Hàn Quốc, dù có thể đoạn đầu bạn thấy... quen quen.

Chúng ta đã có hàng trăm, hàng nghìn bài viết, vô vàn những phóng sự giải thích cho cuộc thăng tiến vũ bão của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Cuộc xâm lấn văn hóa của họ lặng thầm, nhưng vẫn làm công chúng ngả rạp. Thậm chí, gã khổng lồ văn hóa Trung Quốc cũng ngán ngại cuộc xâm lấn lợi hại này, và đã đặt riêng một cái tên cho nó: Hàn Lưu.

Từ thành công của tà áo dài Cô Ba Sài Gòn: Văn hoá và điện ảnh phải là đôi bạn cùng tiến - Ảnh 2.

Năm 2012, anh chàng PSY với điệu nhảy kỳ cục đi đến hang cùng ngõ hẻm trên toàn thế giới. Gangnam Style của anh trở thành video đầu tiên trong lịch sử chạm mốc "tỷ view". Ta có thể rút ra ngay bài học ngay từ... cái tựa. Một cái tên tiếng Anh, nhưng vẫn mang đặc trưng của Hàn Quốc (Gangnam), và vô vàn những "dấu tích văn hóa" khác được tìm thấy trong đoạn clip. Chưa kể chẳng thể đếm nổi số bài viết giới thiệu về quận Gangnam mà truyền thông thế giới đã thực hiện để thoả mãn trí tò mò bạn đọc của mình. Chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi, cả thế giới đã biết ghi nhớ Gangnam chính là biểu tượng số 1 về sự sang chảnh và đẳng cấp trong đời sống người Hàn.

Drama và điện ảnh Hàn Quốc từ Đông Á tràn sang châu Âu, vượt Thái Bình Dương chui lên truyền hình của những bà nội trợ Mỹ. Ở Trung Đông, cánh chị em về đến nhà, việc đầu tiên là gỡ khăn trùm đầu, việc thứ hai là lấy remote mở phim Hàn Quốc. Đã qua rồi cái thời nữ chính ung thư hoặc đập đầu mất trí. Drama hôm nay của Hàn Quốc mang đến cho bạn mọi thứ: từ cổ trang (Mặt trăng ôm mặt trời) đến xuyên không (Vì sao đưa anh tới), từ điều tra phá án (Signal) đến retro hoài cổ (loạt phim Reply).

img
img
img
img
img
img
img

Dù là phim cho gia đình, phim về ngôi sao điện ảnh, từ hoàng cung cho đến ngoài vỉa hè, những bộ phim Hàn Quốc đều khai thác yếu tố văn hoá, ẩm thực như một trong những điểm nhấn chính. 

Họ quay từ trong nước ra đến quốc tế, từ Mỹ (Người thừa kế) cho đến Canada (Yêu tinh), qua tận Hy Lạp (Hậu duệ mặt trời) hay Tây Ban Nha (Huyền thoại biển xanh). Đề tài của họ phủ đủ các ngành nghề từ nấu ăn (Dae Jang Geum), luật sư và công tố (Khu rừng bí mật), quân đội (Hậu duệ mặt trời), bác sĩ (Chuyện tình bác sĩ), cảnh sát (Dấu vết/Signal), truyền thông (Cô bé người gỗ), giải trí (CEO tài ba). Phim điện ảnh của họ cũng không đi ra khỏi quỹ đạo ấy, nhưng biên độ của nó được mở rộng tới vô cực, từ bạo lực đến tận cùng cho đến tình dục chạm nóc (Kim Ki Duk và Park Chan-wook)

Từ thành công của tà áo dài Cô Ba Sài Gòn: Văn hoá và điện ảnh phải là đôi bạn cùng tiến - Ảnh 4.

Nhưng dù đẩy biên độ đi xa đến đâu đi nữa, tất cả đều quy về một mối: không rời xa văn hóa Hàn Quốc. Bởi vì muốn bộ phim được yêu thích ở nước ngoài, trước hết nó phải sống được ở trong nước. Trước khi phim ảnh Hàn Quốc làm mưa làm gió ở sân khách, nó đã kinh qua một cuộc chiến khốc liệt ở nước nhà. Cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, các studio Hollywood thay phiên mở chi nhánh ở Hàn Quốc. United International Pictures mở phát pháo đầu tiên vào tháng 3/1988, kế đến là Twentieth Century Fox (8/1988), Warner Bros (1989), Columbia Tristar và Disney (1993). Tổng kết của riêng năm 1999: 42 phim Hàn Quốc ra rạp, so với 233 phim quốc tế!

Từ thành công của tà áo dài Cô Ba Sài Gòn: Văn hoá và điện ảnh phải là đôi bạn cùng tiến - Ảnh 5.

Mười bảy năm sau, tình hình hoàn toàn thay đổi. Phim Hàn Quốc chiếm hơn phân nửa doanh thu thị trường phim ảnh trong nước. Có rất nhiều cách giải thích, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là văn hóa. Người Hàn Quốc xem phim Hàn Quốc, vì họ thấy mình trong đó. Phim làm về những vấn đề sát sườn với họ, nói thứ tiếng của họ, kể những câu chuyện mà họ quan tâm và kích thích lòng yêu nước trong họ. Những bộ phim ăn khách nhất lịch sử Hàn Quốc đều là những bộ phim lấy đề tài "cúng cụ" theo cách gọi ở ta, từ The Ode to my father cho đến Đại thủy chiến. Họ ca ngợi con người Hàn Quốc bất khuất, kiêu hùng, trọng tình cảm gia đình. Và dù bối cảnh phim được mở rộng ra đại dương hay kéo về cái hầm mỏ ở tận nước Đức, tiếng nói Hàn Quốc, trái tim Hàn Quốc vẫn là chủ đạo. Đấy không phải là văn hóa, chứ còn gì nữa?

Từ thành công của tà áo dài Cô Ba Sài Gòn: Văn hoá và điện ảnh phải là đôi bạn cùng tiến - Ảnh 6.


Phim Hàn Quốc nói riêng và ngành giải trí Hàn Quốc nói chung là phản chiếu của văn hóa Hàn Quốc. Họ khai thác tối đa văn hóa, từ văn hóa truyền thống của phim cổ trang đến văn hóa hiện đại. Nhân vật trong phim Hàn ăn bánh gạo, uống sochu, ngồi quán lề đường uống canh rong biển thay vì vào Starbucks hay hẹn nhau ở McDonald's. Và dù chỉ thoáng qua hay là chứng nhân của những câu chuyện trong phim thì đảo Nami, JeJu cũng hiện lên thật sống động và xinh đẹp. Còn với phim Việt Nam, văn hoá trong đời sống thường ngày được khắc hoạ vô cùng đơn giản và qua loa, cái người ta nhớ đến nhiều nhất vẫn là hình ảnh cây đa quán nước đầu làng vốn đã làm đi làm lại cả chục năm nay, hay việc đôi nam nữ dắt nhau hẹn hò đi ăn phở trong một tiệm cafe văn phòng.

Thế giới nói về làn sóng văn hoá Hàn, người thì ngưỡng mộ, kẻ thì lo sợ. Nhưng người Hàn Quốc tự hào về nó. Bởi vì văn hóa Hàn Quốc cũng đã có thời đứng trước sự xâm lăng từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Nhưng như Tiến sĩ Ha Youn Geum đến từ Viện phát triển Contest Hàn Quốc cho biết: người Hàn Quốc không sợ hãi cuộc xâm lăng từ phương tây qua hay từ Nhật xuống, bởi họ kết hợp nó, rồi sáng tạo ra một văn hóa của riêng mình và góp phần làm cho những làn sóng văn hoá Hàn càng trở nên mạnh mẽ hơn. Vậy để tự tin tiếp nhận văn hóa của nước khác, trước hết chúng ta phải có một nền văn hóa đủ mạnh. Điện ảnh củng cố văn hóa, văn hóa làm giàu điện ảnh. Con đường ấy nhiều người đã thấy, nhưng không phải ai cũng có thể làm được.

Từ thành công của tà áo dài Cô Ba Sài Gòn: Văn hoá và điện ảnh phải là đôi bạn cùng tiến - Ảnh 7.

Có một cái gì đó hơi trớ trêu, khi những bộ phim giàu tính văn hóa nhất của nền điện ảnh giải trí Việt Nam thời gian gần đây đều đến từ những Việt Kiều. Đấy là Charlie Nguyễn với Dòng máu anh hùng, là Dustin Nguyễn với Trúng số hay Ngô Thanh Vân với Cô ba Sài Gòn mới đây. Với "Em là bà nội của anh", Phan Gia Nhật Linh cũng cho thấy ta hoàn toàn có thể làm một bộ phim rất Việt Nam trên một cái nền rất Hàn Quốc. Đấy là sự tiếp biến văn hóa mà tiến sĩ Ha Youn Geum đã nói.

img
img
img

Tà áo dài Việt Nam với một diện mạo rực rỡ, tuyệt đẹp trở thành đặc sản chính của Cô Ba Sài Gòn. 

Cô Ba Sài Gòn là một bộ phim gây tranh luận. Người khen cũng nhiều, người chê không ít. Phim nhiều chỗ sa đà vào chủ nghĩa minh họa, vẫn chỉ chạm vào lớt phớt chứ chưa thật sự đi thẳng vào cốt lõi của hồn dân tộc. Nhưng khán giả vẫn đến rạp và bình luận về nó, và đó là một điều tuyệt vời mà Ngô Thanh Vân làm được. Lần cuối cùng, chúng ta có một cuộc mổ xẻ với đề tài là... văn hóa dân tộc là từ khi nào?

Thời điểm Cô Ba Sài Gòn đang ngoài rạp, giữa những ồn ào tranh luận đó, ta thấy một điểm sáng ấn tượng của tác phẩm: Những tà áo dài Việt được toả sáng tuyệt đối xuyên suốt bộ phim. Trước khi hiểu câu chuyện của nhà may lừng danh Thanh Nữ là gì, khán giả được chiêu đãi một màn trình diễn mãn nhãn những bộ cánh từ Âu sang Á, đặc biệt là những chiếc áo dài từ bổn hiệu Thanh Nữ được chăm chút tinh xảo từng đường chỉ luông, từng mép tà. 

Chưa từng có một bộ phim nào mà chiếc áo dài Việt Nam được xuất hiện dày đặc, đẹp đẽ, vừa gần gũi, lại vừa trịnh trọng đến thế. Từng cánh áo bước qua mỗi cảnh phim, dần tiến đến gần trái tim khán giả, đến cuối cùng, ai cũng mang một rung động rõ rệt hơn với những tà áo vốn đã gắn liền với người nước Việt. Và, không hề nói quá khi cho rằng: Từ trên màn ảnh cho đến những buổi quảng bá trong và ngoài nước, hay show diễn thời trang của NTK trang phục cho bộ phim - tà áo dài đã được ekip Cô Ba Sài Gòn khai thác một cách đầy thẩm mỹ và hiện đại, khiến người theo dõi không chỉ cảm thấy tự hào mà còn là hào hứng và thích thú. 

img
img
img
img

Tà áo dài Việt với một diện mạo rực rỡ, thời trang được ekip làm phim mang đến trên thảm đỏ, trên liên hoan phim quốc tế, thậm chí còn là dress code cho khách mời xem công chiếu. 

Từ thành công của tà áo dài Cô Ba Sài Gòn: Văn hoá và điện ảnh phải là đôi bạn cùng tiến - Ảnh 10.

Năm ngoái, bộ phim Sài Gòn, Anh yêu em cũng được nhiều phản hồi tích cực vì nó có nhắc đến một loại hình nghệ thuật của dân tộc: Cải lương. Bộ phim Thương nhớ ở ai trên truyền hình đang tạo tranh luận vì đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho diễn viên mặc áo yếm, với bối cảnh Bắc Bộ điển hình của những năm 1954-1975.

Điện ảnh Hàn Quốc cho ta một bài học lớn: muốn tiến lên thì phải... nhìn lại. Bởi văn hóa là gốc rễ của một dân tộc. Chạm được vào văn hóa là chạm vào trái tim người Việt. Hãy nhìn cách người Việt đón nhận Cô Ba Sài Gòn với sự tự hào và thích thú, hãy nhìn cách những tà áo dài chắc chắn sẽ trở thành một điểm nhấn trong xu hướng thời trang năm nay với các cô gái trẻ. Chưa bao giờ áo dài trở nên rực rỡ và phổ biến, được mơ ước đến thế. Hãy nhìn người ta không chỉ say sưa với Thương nhớ ở ai vì nội dung, mà còn vì được nhìn lại những khung cảnh rất ít được phục dựng trên phim ảnh của một miền quê Bắc Bộ.

img
img
img

Áo yếm trong phim Thương nhớ ở ai - xuất hiện một cách giản dị nhưng cũng tạo những tranh luận nhất định. 

Và điện ảnh cần nhiều hơn những áo yếm và áo dài, chúng ta còn cần cả phở, bún, bánh cuốn, nước mắm, tranh Đông Hồ, đàn cò, cải lương hay "tân thời" hơn là cà phê bệt, nem rán, bánh tráng trộn... tất cả đều là những nguyên liệu màu mỡ để phim ảnh có thể biến thành trào lưu, thành điểm nhấn của phim. Hãy đặt chúng vào những khung cảnh, những trường đoạn một cách có ý đồ và đầu tư nội dung cẩn thận, sáng tạo. Thay vì chỉ sơ sài lướt qua như cách để các nhân vật giao tiếp với nhau. Cảnh ngồi cafe hãy là cafe vỉa hè như Thọ, như Nhân... thay vì cứ đưa nhau vào một quán cafe bình thường dọc đường để quay cho có. Đi ăn hãy nói với nhau ăn bún ốc vào những ngày đầu năm mới, ăn phở vào buổi sáng, ăn lẩu riêu cua mỗi buổi liên hoan.

Người Hàn khiến cả bất cứ ai xem phim của họ đều muốn tìm đến những hàng rong phủ bạt ở ven đường, để nhâm nhi lòng nướng với ly sochu - vậy tại sao chúng ta không đưa hình ảnh quán lẩu, đồ nướng vỉa hè lên phim một cách dày đặc hơn? Hay những bộ phim về học trò, tại sao không khéo léo đan cài thêm nhiều cảnh ăn nem chua rán ở cổng trường, ăn bánh tráng trộn lúc cuối giờ - không phải như một cách minh hoạ cho tình huống của phim nữa, mà với ý đồ khiến người xem nhớ về nó một cách thích thú, và có thể tạo xu hướng như cách mà Vì sao đưa anh tới khiến người Hàn lũ lượt gọi gà rán và bia về ăn trong ngày tuyết rơi đầu tiên.

Hãy nhìn sang Nhật Bản với hàng loạt những bộ phim về nghệ thuật ẩm thực, về bánh wagashi, về mỳ Udon, Ramen... tại sao chúng ta không có một bộ phim riêng về... nước mắm, hay câu chuyện về một hàng bún ốc ven đường được truyền qua 7 đời hẳn cũng sẽ gây tò mò, và hẳn một bộ phim về phở truyền thống, có thể xoay quanh là một chuyện tình yêu hoặc mâu thuẫn gia đình, làng xóm chắc chắn sẽ tạo sự gần gũi. Và đừng quên chúng ta có ẩm thực cung đình Huế cũng đầy đủ sự tinh tế, phức tạp và cao sang để có thể trở thành cái nền vững chắc cho một bộ phim dã sử. Chưa kể, câu chuyện về làng tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, làng gốm Bát Tràng cũng đầy những nguyên liệu tuyệt vời để khai thác cả phim điện ảnh lẫn truyền hình.

Với du lịch, hãy nhìn cách Phú Yên từ một tỉnh xa xôi, trở thành điểm đến hot nhất nhì Việt Nam ngay sau khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được trình chiếu với những thước phim tuyệt đẹp. Hạ Long, Quảng Bình được cả thế giới nhắc đến sau khi kỳ vĩ hiện lên trên Kongs: Skull Island. Trải khắp Việt Nam là những cảnh đẹp tuyệt vời như vậy. Hãy cho Đà Lạt một bộ phim lãng mạn của riêng mình, cho Mộc Châu một bộ phim khám phá, cho Phú Quốc một bộ phim của tuổi trẻ, của những cuộc phiêu lưu. 

Từ thành công của tà áo dài Cô Ba Sài Gòn: Văn hoá và điện ảnh phải là đôi bạn cùng tiến - Ảnh 12.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh với khung cảnh làng quê Phú Yên đẹp lung linh, đã khiến nơi này trở thành một trong những điểm đến hot nhất với giới trẻ Việt Nam ngay sau khi bộ phim được trình chiếu.

Đó mới chỉ là những nguyên liệu về ẩm thực và du lịch, chúng ta còn cả một nền lịch sử, những triều đại với Nguyễn Trãi, Hùng Vương, Ngô Quyền... Chúng ta có hẳn một nền văn học với những tác phẩm bi tráng với Trọng Thuỷ, Mị Châu,...  không chỉ giới hạn trên trang sách. Hãy cho người xem được thấy Hoàng Lê Nhất Thống Chí thay vì mãi chờ những tác phẩm tiếp theo làm từ Tam Quốc Chí. Hãy cho khán giả được nhìn thấy Thuý Kiều, Thuý Vân trên màn ảnh, thay vì cứ phải xem phim về Võ Tắc Thiên hay Dương Quý Phi nữa. Và, hãy nghĩ về cách người trẻ cũng như các em nhỏ có thể được truyền cảm hứng, được hiểu về văn hoá, lịch sử thông qua chính phim ảnh.

Văn hóa và điện ảnh phải là đôi bạn cùng tiến, nếu chúng ta không muốn buông cờ trắng trước phim nước ngoài ngay trên sân nhà.


Trần Minh
nhatanhngx
Theo Trí Thức Trẻ18/11/2017