Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim. Độc giả vui lòng cân nhắc trước khi đọc.
Từng được mang tới công chiếu tại LHP Busan, Isaac và đoàn làm phim Anh Trai Yêu Quái đã nhận được tin vui khi cả 3 suất chiếu đều cháy vé, nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của khán giả tại BIFF 2019 cùng lời review ngắn gọn gây nức lòng thu về trong buổi giao lưu: "phiên bản Việt mang một sắc thái hoàn toàn khác, không hề thua kém bản gốc chút nào". Chính thức công chiếu tại Việt Nam từ ngày 29/11, lời nhận định quả thực đã không hề nói quá với 1 tiếng 49 phút cùng cười, cùng khóc sụt sùi với anh em Hoàng Phong (Kiều Minh Tuấn) và Hoàng Lâm (Isaac). Điểm cộng nhiều vô số, nhưng Anh Trai Yêu Quái vẫn không tránh khỏi những điểm trừ. Vậy dự án remake thành công mới nhất của đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Phượng đã làm được và chưa làm được điều gì?
Anh Trai Yêu Quái đã trở thành trường hợp remake thành công hiếm hoi của điện ảnh Việt.
Điểm cộng: Cô Tám khẩu nghiệp chính là sáng tạo tuyệt vời nhất của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng
Một trong những điểm khác biệt nhất giữa hai phiên bản chính là sự xuất hiện của dì Tám "khẩu nghiệp" (Phi Phụng) - bà hàng xóm gây họa dấu ấn trong cuộc sống đời thường của người Việt. Thay thế cho nam mục sư kiêm "shipper" tranh giành thuốc lá "anh trai" ở bản gốc, dì Tám đã trở thành một dấu ấn tuyệt vời trong toàn bộ câu chuyện được kể, đặt khéo léo giữa bối cảnh quen thuộc của người Việt ngày nay.
Nghệ sĩ Phi Phụng đã làm rất tốt vai trò của mình trong phim.
Dì Tám chính là bản nâng cấp của anh chàng mục sư kiêm "shipper" trẻ.
Không chỉ đơn thuần là bà hàng xóm lắm lời khiến Hoàng Phong rơi vào "bể khổ", sự xuất hiện của dì Tám xuyên suốt Anh Trai Yêu Quái mang tới sự thực tâm của tình nghĩa xóm làng, sự hối lỗi chân thành vì đã từng gây họa lớn, sự cô độc của một người phụ nữ sống xa con mà tự chăm sóc lấy bản thân. Diễn xuất của nữ diễn viên Phi Phụng trở thành điểm cộng lớn không kém người "gánh team" Kiều Minh Tuấn, vừa đủ để khán giả vừa thương, lại vừa "sôi máu" khi quá can dự vào chuyện hàng xóm láng giềng.
Sự xuất hiện của dì Tám trong nhiều phân cảnh gốc đã khiến tình tiết hợp lí hơn rất nhiều.
Điểm trừ: Nữ HLV trẻ lấy đi nước mắt khán giả đã bị biến thành một bà chị mê trai không hơn không kém?
Sau sự xuất hiện của dì Tám, màn "lật mặt" 180 độ so với bản gốc của cô nàng HLV Diệp (Diệu Nhi) lại bất ngờ trở thành điểm trừ. Nếu như Lee Soo Hyun (Park Shin Hye) của My Annoying Brother mang tới một cảm giác chân thành, sự hi sinh cao cả và lòng tận tâm với Go Do Young (D.O.), Diệp của Anh Trai Yêu Quái lại trở thành một bà chị mê trai đôi phần quá lố, gây cảm giác khó chịu và hụt hẫng cho khán giả.
Diễn xuất vẫn còn non của Diệu Nhi chính là điều khiến Diệp trở nên lép vế hơn hẳn so với ba nhân vật còn lại.
Chính vì sự xuất hiện của dì Tám, có lẽ đạo diễn Vũ Ngọc Phượng đã phải thay đổi hình tượng của Diệp để né tránh sự trùng lặp. Tiêu biểu nhất có thể kể tới phân đoạn Diệp chuyển sang làm HLV của đội tuyển judo tham dự thế vận hội dành cho người khuyết tật. Trong bản gốc, phân đoạn Lee Soo Hyun bày tỏ nỗi lòng với VĐV trưởng đã lấy đi biết bao nước mắt khán giả. Cô gái trẻ chấp nhận từ bỏ công sức để đạt được tới vị trí hiện tại, nắm lấy tay Go Do Young để giúp cậu tìm lại được đam mê trong cuộc sống. Thế nhưng, Anh Trai Yêu Quái chỉ đơn thuần là nhờ cậy của Hoàng Phong cùng lời tiết lộ về căn bệnh hiểm nghèo của mình để Diệp đồng ý chuyển đội tuyển.
Sự chân thành của một người HLV hết lòng vì học trò của mình chính là điểm nhấn tuyệt đẹp trong My Annoying Brother.
Tiếc là ở phiên bản remake, mối quan hệ đã được chuyển thành chuyện tình yêu thiếu vắng điểm nhấn.
Điểm cộng: "Drama" được đẩy mạnh thêm phần đen tối, yếu tố cao trào được xử lí hợp lí hơn so với bản gốc
So với bản gốc, Anh Trai Yêu Quái đã khiến mọi tình tiết trở nên hợp lí hơn rất nhiều. Nếu như My Annoying Brother chỉ đơn thuần là câu chuyện ông anh lừa lấy con dấu và "chôm" tiền cậu em, Anh Trai Yêu Quái đã đẩy cảm xúc khán giả lên tới đỉnh điểm khi lấy trọng tâm là chuyện bán nhà, tài sản để lại "cưa đôi" đúng theo quy luật. Ngôi nhà là nơi chứa đựng đầy ắp kỷ niệm của cả gia đình, và đạo diễn Vũ Ngọc Phượng đã sử dụng chính "điểm chí mạng" ấy để tạo cao trào cho bộ phim. Từ sự lưu manh để khiến Lâm bán nhà cho bằng được, Phong đã "lật mặt" mà không bán nữa khi nhìn thấy cậu em ngồi bên cây khế.
Tận dụng triệt để ngôi nhà đầy ắp kỉ niệm chính là bước đi thông minh của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng.
Bên cạnh đó, cách xử lí phân đoạn Lâm phát hiện ra bệnh tình của Phong đã hợp lí hơn rất nhiều so với bản gốc. Trong cơn hoảng loạn, Diệp đã lỡ miệng mà tiết lộ bệnh tình của Phong, thay vì một Lee Soo Hyun nói sự thật cho Go Do Young trước giờ thi đấu trận chung kết khi trạng thái tâm lí của anh chàng không quá hoảng loạn. Mỗi phiên bản đều có một điểm hay và cách giải thích riêng, thế nhưng ở phiên bản Việt thì phân đoạn này hợp tình hợp lí hơn cả.
Cùng một tình huống.
Nhưng cách xử lí khác nhau dựa trên phản ứng của nhân vật em trai đã mang tới cảm xúc khác nhau.
Điểm trừ: Cảnh nhạy cảm của Diệu Nhi - Isaac là quá thừa thãi và gây mất thiện cảm?
Chính vì xây dựng "love-line" cho Diệp - Lâm, phân đoạn dạy em học tán gái duyên dáng và hài hước của Go Doo Sik (Jo Jung Suk) đã được chuyển thành bài học về đêm mặn nồng, khá "chướng mắt" giữa Diệp và Lâm trong tưởng tượng của Phong. Trong bản gốc, cặp anh em vẫn đủ gây ấn tượng khi trải đời trong quán bar nhạc xập xình cùng một màn cưỡng hôn chớp nhoáng mà không hề có cảnh nhạy cảm. May mắn rằng, độ "nhây" vẫn được xử lí hợp tình với bài ca thần tình yêu chẳng khác nào nhạc phim Aladdin gây cười điên đảo của Phong.
Cảnh nhạy cảm của đôi trẻ trong tưởng tượng của anh hai may mắn được cứu thua bằng độ nhây của bài hát thần tình yêu.
Trong bản gốc, Go Doo Sik đã cho em trai "trải đời" bằng buổi tối đi bar siêu nhiệt để rồi nhận kết quả đắng lòng.
Điểm cộng: Tình tiết xúc động được nâng tầm, hòa hợp một cách tuyệt vời với yếu tố hài hước
Không thể phủ nhận, Anh Trai Yêu Quái đã thực sự nâng tầm những tinh hoa của kịch bản gốc. Bối cảnh gia đình đã không còn là yếu tố nền, mà trở thành trọng tâm chính liên quan đến tất cả bốn nhân vật chính trong phim. Khán giả đã được hiểu hơn về hoàn cảnh đau lòng của anh em Phong - Lâm, lí do Phong bỏ đi năm ấy cũng đã được kể một cách trọn vẹn. Chính vì lẽ đó, kết cục của nhân vật Phong cuối phim lại càng khiến khán giả nức nở hơn.
My Annoying Brother đánh mạnh vào hiện tại.
Còn Anh Trai Yêu Quái đánh mạnh vào quá khứ.
Bên cạnh đó, cảnh hàn gắn tình cảm của hai anh em đã được đạo diễn xử lí vô cùng "ăn điểm". Vẫn là cuộc thăm mộ đau thương như bản gốc, thế nhưng cuộc đi chơi biển sau trận cãi cọ nảy lửa đã thực sự ghi dấu ấn trong lòng khán giả theo dõi hơn tất thảy. Pha trộn màn "võ mồm" hay sự dựa dẫm của em trai vào ông anh tội đồ giữa biển khơi, Anh Trai Yêu Quái vẫn luôn đi theo dòng chảy của kí ức, thứ mà Lâm và Phong trong sâu thẳm luôn nhớ về đã thực sự chạm tới điểm lặng trong tim khán giả.
Cuộc đi chơi ở biển cũng là một trong những lựa chọn tốt của đạo diễn.
Phân cảnh cao trào đáng nhớ nhất trong cả hai bộ phim chính là khi em trai biết được sự đau đớn mà anh mình gánh chịu, đón nhận tin bàng hoàng ngay trước trận đấu mà vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ để nghe được giọng nói của anh. Kiều Minh Tuấn đã thực sự bùng nổ diễn xuất, rút cạn nước mắt khán giả. Nếu như Go Doo Sik vẫn còn kìm nén lại một chút mà đòi em về thật nhanh, Phong đã hoàn toàn bày tỏ hết sự yếu mềm sâu kín nhất cho em trai của mình.
Kể từ khoảnh khắc tạm biệt để đi thi đấu, Anh Trai Yêu Quái đã có nhiều sự thay đổi để "ăn điểm" hơn trong mắt khán giả.
Từng lời quặn lòng "Anh đau. Anh đau lắm. Anh đau đến không ngủ được. Cho nên em hãy về thật nhanh đi" đã khiến tình tiết cao trào cuối phim ngày càng trở nên ấn tượng. Từ một ông anh luôn tỏ ra mạnh mẽ, Phong đã "nhường" phần mạnh cuối cùng cho cậu em trai mà anh vẫn luôn cố gắng nâng niu, chăm sóc trong những ngày cuối cùng. Cùng với sự xuất hiện của dì Tám, Phong đã không còn cô đơn như Go Doo Sik - người lúc đó chỉ có mục sư trẻ xa lạ không hiểu hết được tình cảm mà anh dành cho em trai của mình.
Phong luôn là người bảo vệ chở che cho Lâm khi tình anh em được hàn gắn, cho đến cuộc điện thoại trước trận chung kết đã đẩy lên cao trào.
Điểm "ai oán": Vẫn không có cảnh anh em trùng phùng lần cuối để "cứu tim" khán giả
Vẫn giữ đúng linh hồn kịch bản gốc, Anh Trai Yêu Quái kết thúc bằng quãng thời gian đã bình ổn của Lâm sau khi Phong rời xa. Việc hai anh em trong cả hai phiên bản liệu có thể gặp nhau lần cuối cùng, sau khi Lâm mang huy chương vàng về hay không vẫn còn là điều bỏ ngỏ. Có lẽ, vì không muốn bộ phim quá đau thương mà xa rời tinh thần hài hước từ đầu câu chuyện, cả hai đạo diễn đã chọn cách kết thúc với lời nhắn nhủ qua băng ghi âm cuối cùng của anh trai dành cho cậu em của mình. Một kết thúc bình yên nhưng thấm đẫm nỗi buồn, lời hứa "anh không được rời đi" đã không được giữ một cách trọn vẹn. Phong và Go Doo Sik sẽ sống mãi trong trái tim của em trai, cùng với bố mẹ mà dõi theo, che chở cho đứa trẻ mà họ coi là cả thế giới cho đến phút cuối cùng.
Kết thúc của Anh Trai Yêu Quái được giữ nguyên so với bản gốc.
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.