Diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) trong vòng 1 tháng vừa qua có lẽ là điều “nằm ngoài dự đoán” của rất nhiều nhà đầu tư, vì mỗi phiên giao dịch lại thiết lập một đỉnh mới. VN-Index đã vượt mốc lịch sử, dường như vẫn đang trên đà tăng.
Trong phiên cuối tuần trước (25/7), thị trường giao dịch hưng phấn,chỉ số VN-Index tái lập đỉnh lịch sử ở mốc 1.531,13 điểm. Cùng với đó, dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường, đẩy giá trị khớp lệnh trên HoSE vọt lên hơn 35.712 tỷ đồng.
Đến phiên giao dịch sáng nay - 28/7, VN-Index tiếp tục lập đỉnh mới, đạt mức 1.550,06 điểm.
VN-Index tăng 5 tuần liên tiếp, vượt đỉnh 1.530 điểm
Trong bối cảnh thị trường liên tục đón sóng uptrend như thế này, việc thế hệ F0 nôn nóng và có cảm giác FOMO là điều không quá khó hiểu. Bắt đầu đầu tư trong giai đoạn này cũng không hẳn là một nước đi sai. Nhưng phải làm thế nào để vững tâm lý, giữ được “cái đầu lạnh” trước những biến động ồ ạt của thị trường, thì có lẽ không phải F0 nào cũng biết.
Theo các chuyên gia đầu tư chứng khoán, dù thị trường lên hay xuống, nhà đầu tư - đặc biệt là thế hệ F0 cần nắm rõ 3 điều này nếu muốn trụ lại qua nhiều đợt biến động.
Thử bỏ ra một ít vốn, thử quan sát biến động thị trường và rút ra kinh nghiệm “đầu tư thực chiến” là điều mà không ít nhà đầu tư F0 đang thực hiện. Tuy nhiên từ góc độ chuyên gia, chị Kim Liên cho rằng đây không phải phương pháp phù hợp giúp nhà đầu tư đi được lâu dài.
“Nếu thực sự muốn rút kinh nghiệm, nhà đầu tư nên có tư duy 1 đồng cũng như 10 đồng, có 100 triệu thì cũng phải đầu tư như khi đang có 10 tỷ hoặc 100 tỷ, từ đó mới rút được kinh nghiệm. Vì bản chất của đầu tư không phải là được ăn cả, ngã về không. Vấn đề cốt lõi là làm sao kiếm được nhiều tiền nhất khi mình đúng, và mất ít tiền nhất khi mình sai.
Tư duy như vậy thì mới tiến bộ được, tuy nhiên thực tế thì nhà đầu tư F0 hay làm ngược lại. Mỗi lần “đúng” chỉ dám phân bổ 10-20% nguồn vốn và chốt khi thấy lãi 10-15%, nhưng lại hay all-in đúng đỉnh rồi để lỗ tới 30-50%” - Chị Kim Liên phân tích.
Chuyên gia Nguyễn Kim Liên
Đồng thời, chị cũng nhấn mạnh một yếu tố rất quan trọng khác, có thể coi là nền tảng không thể thiếu của một nhà đầu tư có chiến lược: Khả năng quản lý tài chính cá nhân. Nói cách khác, nếu chưa quản lý được dòng tiền, rất khó để nhà đầu tư có được tầm nhìn “ít sai số” nhất trong dài hạn.
“Phải quản lý được tài chính cá nhân, nhà đầu tư mới hiểu được tại sao mình nên đầu tư vào TTCK, từ đó mới tìm được hướng đầu tư phù hợp với mục tiêu, cũng như khẩu vị rủi ro của riêng mình… Từ đó, mới có thể biết mình là ai, biết mình cần gì, và biết nguyên tắc đầu tư của riêng mình” - Chị Kim Liên nhấn mạnh.
Thị trường càng biến động mạnh, các cộng đồng/hội nhóm càng rôm rả và sôi nổi. Việc các nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm phân tích về tiềm năng của 1 mã cổ phiếu là điều xưa giờ vẫn diễn ra, ngay cả khi thị trường giảm điểm. Tuy nhiên, chuyên gia Gerard Do lại cho rằng các nhà đầu tư nên nâng cao cảnh giác với những thông tin “phím hàng” như vậy.
Anh cho rằng việc lắng nghe các “chuyên gia” phím hàng là dấu hiệu đầu tiên của việc nhà đầu tư đang bị lừa.
Chuyên gia Gerard Do
“Càng đông người nghe, bạn càng dễ bị thua lỗ vì nếu tất cả người nghe đều tin tưởng và mua theo thông tin được phím hàng, vậy ai sẽ là người thua lỗ ở đầu bên kia của giao dịch? Chẳng lẽ tất cả đều sẽ thắng tiền hay sao? Thế nên nhà đầu tư phải luôn ghi nhớ rằng: Nếu đã ngồi vào bàn chơi 30 phút mà vẫn chưa biết ai là “gà”, thì bạn chính là gà đó” - Anh nhấn mạnh.
Trên thực tế, các nhà đầu tư lâu năm, nhiều kinh nghiệm và có độ uy tín cũng rất hiếm khi đi “phím hàng”. Ví dụ điển hình nhất là Warren Buffett. Ông sẽ không bao giờ chia sẻ về cổ phiếu ông dự định mua, bởi khi đó, các nhà đầu tư khác có thể "nhảy" vào mua trước, đẩy giá đi lên. Điều này có thể khiến ông không mua được cổ phiếu đó với giá mà ông mong muốn.
“Khi một nhà đầu tư chia sẻ danh mục của họ cho người khác xem, họ sẽ không còn giữ được cái nhìn khách quan về cổ phiếu đó nữa. Khi bạn nói với người khác về cổ phiếu mà bạn đang nắm giữ, bạn sẽ có xu hướng bảo vệ quá mức cổ phiếu ấy, vì lúc này sự thành - bại của cổ phiếu ấy gắn liền với danh dự của bản thân bạn.
Bạn sẽ tìm mọi cách để chứng minh quan điểm của mình về cổ phiếu là đúng. Còn một nhà đầu tư thông minh sẽ luôn đánh giá cổ phiếu dựa trên những thông tin khách quan, và sẵn sàng loại bỏ những cổ phiếu không còn tốt khỏi danh mục đầu tư của mình” - Anh Gerard Do từng phân tích.
Bản chất cốt lõi của đầu tư không phải là trò chơi may rủi theo kiểu “được ăn cả - ngã về không”, mà là phải kiếm được nhiều tiền nhất khi mình đúng, và mất ít tiền nhất khi mình sai. Thế nên chuẩn bị tâm lý lẫn kịch bản phòng thủ, trước khi thị trường đi xuống là điều nên làm.
“Điểm khác biệt của những nhà đầu tư chuyên nghiệp với nhà đầu tư nghiệp dư chính là khả năng tuân thủ được kỷ luật, từ đó giữ được hiệu quả đầu tư và tạo nên lợi thế lớn khi bước sang chu kỳ tiếp theo. Trong khi đó các NĐT nghiệp dư thường bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, dẫn đến hậu quả không đáng có, hiệu quả đầu tư không được như kỳ vọng.
Còn cảm giác hoang mang, chao đảo chứng nhà đầu tư chưa có kế hoạch đầu tư kĩ lưỡng” - Chị Kim Liên khẳng định.
(Tổng hợp)