Theo số liệu từ công ty tư vấn JLL, các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp chiếm tới 88% tổng số giao dịch bất động sản Thượng Hải trong quý 2.
Trong khi các nhà đầu tư tổ chức như công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư bất động sản và các tập đoàn đầu tư tư nhân đang tạm thời rút lui, giới tỷ phú Trung Quốc lại đổ tiền vào phân khúc khách sạn cao cấp tại Thượng Hải. Nền kinh tế dần ổn định trở lại đã khơi dậy khẩu vị rủi ro, mở đường cho các thương vụ lớn.
Theo Giám đốc thị trường vốn Sun Ling của JLL khu vực miền đông Trung Quốc, giới siêu giàu đang nhắm đến những khách sạn tọa lạc ở các khu vực trung tâm thương mại và tài chính của Thượng Hải. Họ cho rằng giá trị khan hiếm của những bất động sản này về lâu dài sẽ mang lại nguồn lợi lớn.
“Việc các nhà đầu tư tập trung vào bất động sản khu trung tâm không chỉ phản ánh khẩu vị rủi ro đang ổn định, mà còn cho thấy tính khan hiếm và khả năng phục hồi của những tài sản tại khu vực lõi của Thượng Hải”, bà nói thêm. Song, bà không tiết lộ cụ thể tên khách sạn đang được các tỷ phú nhắm tới.
Dòng tiền từ giới siêu giàu có thể giúp vực dậy thị trường bất động sản đang trầm lắng tại Thượng Hải. Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị giao dịch các loại tài sản như toà nhà văn phòng, căn hộ cho thuê, trung tâm thương mại và khách sạn đã giảm 29,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 23 tỷ nhân dân tệ (3,2 tỷ USD), theo dữ liệu từ CBRE.
Theo JLL, giá trị giao dịch bình quân trong quý 2 cũng giảm 25% so với quý trước, xuống còn khoảng 360 triệu nhân dân tệ. Trong tổng số 23 thương vụ, 88% là từ các nhà đầu tư cá nhân giàu có và doanh nghiệp tư nhân.
Một trong những thương vụ đáng chú ý là Tập đoàn Đầu tư Shilin Nội Mông đã chi 300 triệu nhân dân tệ để mua lại khách sạn CitiGo ở vùng ven Thượng Hải. Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức vẫn tỏ ra dè dặt trước nguy cơ dư cung trên thị trường.
Theo JLL, các khách sạn tại Thượng Hải và Bắc Kinh hiện chỉ mang lại mức lợi suất khoảng 2% mỗi năm. Riêng tại Thượng Hải, một số khách sạn đạt được mức 3%.
Tuy nhiên, những khách sạn mang yếu tố di sản văn hóa và thiên nhiên đang trở thành điểm sáng. Du khách giàu có, đặc biệt là giới trẻ, sẵn sàng chi tiêu cho những trải nghiệm văn hoá độc đáo.
Một khảo sát của công ty nghiên cứu MDRi thuộc công ty luật Mishcon de Reya của Anh cho thấy 72% người tiêu dùng thuộc thế hệ thiên niên kỷ Trung Quốc và 65% thuộc thế hệ Gen Z đánh giá cao các hoạt động để lại ấn tượng cảm xúc lâu dài. Đây là yếu tố thúc đẩy họ chi tiêu cho lối sống và trải nghiệm xa xỉ.
Theo Giám đốc mảng khách sạn và dịch vụ lưu trú Zhou Tao của JLL Trung Quốc, việc Trung Quốc tiếp tục nới lỏng yêu cầu thị thực với nhiều quốc gia sẽ mang lại tác động tích cực cho ngành du lịch nội địa.
Tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Shangri-La đã khai trương khách sạn Silk Lakehouse bên bờ Tây Hồ ở Hàng Châu - di sản thế giới được UNESCO công nhận. Giá phòng dao động từ 4.000 đến 8.000 nhân dân tệ một đêm (tương đương 557–1.114 USD).
Theo dự báo của công ty tư vấn Renub Research, thị trường khách sạn Trung Quốc sẽ tăng trưởng trung bình 8,9% mỗi năm, đạt quy mô hơn 166 tỷ USD vào năm 2028, nhờ sự phát triển của ngành du lịch, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và các chính sách thúc đẩy từ chính phủ.
“Trước bối cảnh căng thẳng địa chính trị, một số tỷ phú đang xem tài sản bất động sản tại khu trung tâm Thượng Hải như những khoản đầu tư an toàn thay thế cho thị trường nước ngoài”, Giám đốc nghiên cứu Sam Xie của CBRE Trung Quốc nhận định.
Theo SCMP