Có con là một trong những thay đổi lớn nhất với người đã lập gia đình. Nhờ cột mốc này mà họ trưởng thành hơn, biết nghĩ xa hơn khi nhìn về tương lai, đồng thời cũng có thêm động lực làm việc, kiếm tiền và tích lũy để ổn định tài chính.
Tuy nhiên trên hành trình ấy, vẫn có không ít người mặc định tin rằng chăm con là trách nhiệm của riêng phụ nữ, còn kiếm tiền là việc của mình đàn ông. Mới đây, một “bà mẹ Gen Z” sinh năm 2002 cũng đã trải lòng về vấn đề tương tự. Câu chuyện của cô khiến nhiều người nghe xong mà thấy chạnh lòng.
Không muốn uổng phí bao năm ăn học để ở nhà nội trợ, muốn đi làm nhưng chồng không ủng hộ
Hiện tại, chuyện tiền bạc hay chi tiêu không phải là mối lo lớn nhất của gia đình này. Thu nhập của người chồng sinh năm 1994 khá tốt, dao động trong khoảng 40-50 triệu/tháng, đủ để lo cho vợ con. Tuy nhiên, đó cũng chính là nguyên nhân khiến vợ chồng bất đồng trong quan điểm về sự nghiệp.
Bức ảnh cô vợ đăng tải
“Em sinh năm 2002, tốt nghiệp xong em lấy chồng luôn vì chồng sinh năm 1994, nên gia đình cũng hối. Giờ em muốn đi làm lại sau thời gian nghỉ sinh, nhưng chồng em lại bảo lương em đi làm không bằng anh thuê giúp việc…
Em nghe mà chết lặng, cổ họng nghẹn đắng lại. Anh ấy không hề hỏi em có muốn đi làm không, em có nhớ nghề không, em có muốn phát triển bản thân không. Anh ấy chỉ quy đổi tất cả công sức, đam mê, sự nghiệp của em ra thành tiền, và so sánh nó với một người giúp việc.
Em có nói là em muốn đi làm, em không muốn ở nhà mãi. Ở nhà lâu em cảm thấy mình lạc hậu, tù túng và không có giá trị, thì chồng em lại bảo giá trị của em là chăm sóc anh ấy và con thật tốt. Em ở nhà anh vẫn đưa tiền cho tiêu xài thoải mái, có thiếu thốn gì đâu mà phải đi làm cho cực thân…
Em thực sự không biết phải nói gì nữa. Em biết anh ấy nói vậy một phần cũng vì thương em, không muốn em vất vả nhưng em học hành bao năm, cũng có ước mơ, có hoài bão, đâu phải chỉ để lấy chồng, sinh con rồi ở nhà chờ chồng phát lương mỗi tháng. gGờ em phải làm sao để chồng hiểu và tôn trọng mong muốn của em đây, các bác cho e xin lời khuyên với ạ” - Cô vợ viết.
Trong phần bình luận của bài đăng, tất cả mọi người đều bày tỏ sự thấu hiểu và cảm thông cho suy nghĩ của cô vợ này. Nhiều người đồng lòng khuyên cô tuyệt đối không được yếu lòng mà nghe chồng, chỉ ở nhà chăm con. Vì cuộc sống hôn nhân không ai nói trước được điều gì, bản thân mỗi người phải chủ động làm việc kiếm tiền, trước mắt là để cùng nhau xây dựng gia đình, lâu dài là để xây dựng sự độc lập, tự chủ của bản thân. Ỷ lại hoàn toàn vào đối phương, dù là trong câu chuyện tài chính hay chăm sóc con nhỏ, là điều không nên.
Ảnh minh họa
“Lương 40-50 triệu thì đúng là không thấp, nhưng cũng chưa cao đến mức 2 vợ chồng với 1 con nhỏ được tiêu xài thoải mái đâu. Thoải mái thì làm gì có tiền tiết kiệm nữa. Với cả tiền mình làm ra dù ít dù nhiều nó vẫn khác. Là mình thì mình quyết tâm đi làm bằng mọi giá, kể cả lương chỉ đủ trả tiền thuê giúp việc cũng phải đi làm” - Một người thẳng thắn bày tỏ.
“Bảo chồng là chăm con và kiếm tiền là trách nhiệm của cả 2 người chứ không rạch ròi theo kiểu em chăm con, anh kiếm tiền được. Tư duy như thế là rất ngắn đấy, nhỡ công việc có trục trặc, thu nhập giảm thì sao? Tầm này không ai dám chắc chắn thu nhập chỉ có tăng, không có giảm nên bảo chồng thế em nhé. Suy nghĩ gia trưởng quá mà còn nghĩ sai nữa” - Một người khuyên.
“Đi làm nha bạn. Dù lương bạn đi làm có 5 triệu và lương chồng 100 triệu đi nữa thì bạn cũng phải đi làm. Không nói vấn đề phụ thuộc kinh tế nhưng bạn còn trẻ quá, mới 23 tuổi mà ở nhà chăm con thì phí lắm” - Một người đồng quan điểm.
“40-50 triệu/tháng chỉ thoải mái sống khi còn độc thân thôi, chứ có con nhỏ thì không thể gọi là thoải mái được đâu, nhất là nếu vợ chồng chưa có nhà nên đừng tin câu ở nhà anh nuôi” - Một người cho hay.
Làm sao để cân bằng giữa việc chăm sóc gia đình và hành trình kiếm tiền, phát triển sự nghiệp?
Việc chăm sóc gia đình và theo đuổi sự nghiệp chưa bao giờ là một bài toán dễ với bất kỳ ai, đặc biệt là với người trẻ. Cảm giác vừa muốn phát triển bản thân, vừa muốn làm tròn trách nhiệm trong gia đình thường khiến nhiều người cảm thấy mâu thuẫn, chông chênh, đôi khi là hoang mang không biết mình nên bước tiếp thế nào cho đúng.
Ảnh minh họa
Nếu nhìn sâu vào bản chất, việc lựa chọn hoặc công việc, hoặc gia đình chưa chắc đã là giải pháp lâu dài. Vấn đề thực sự nằm ở cách chúng ta sắp xếp lại cuộc sống, xác định rõ ưu tiên theo từng giai đoạn, và đặc biệt là đạt được sự đồng thuận từ cả 2 phía.
Để làm được điều đó thì trước tiên, ai cũng nên hiểu rằng: Chăm con và kiếm tiền không phải là hai nhiệm vụ loại trừ nhau. Đó là những trách nhiệm song song của một cuộc sống hôn nhân bền vững. Việc một người phụ nữ muốn tiếp tục đi làm sau sinh không có nghĩa cô ấy từ bỏ vai trò làm mẹ hay vợ. Việc phát triển sự nghiệp không chỉ mang lại thu nhập, mà còn giúp nuôi dưỡng sự tự tin, cảm giác độc lập, tự chủ.
Thực tế cho thấy, không phải ai đi làm cũng chỉ vì cần tiền. Với nhiều người, đó còn là cách để họ giữ nhịp sống, giữ liên kết xã hội, duy trì kỹ năng nghề nghiệp, và quan trọng nhất là không bị tụt lại phía sau.
Trong giai đoạn con còn quá nhỏ, có thể ưu tiên công việc nhẹ nhàng, linh hoạt thời gian hoặc làm bán thời gian. Khi con cứng cáp hơn, có thể quay lại với công việc toàn thời gian hoặc tiếp tục học thêm, nâng cao trình độ. Quan trọng là không để quãng thời gian nghỉ sinh trở thành dấu chấm hết trong sự nghiệp. Một vài năm gián đoạn là điều có thể chấp nhận, nhưng cả đời từ bỏ hoài bão thì lại là câu chuyện khác.
Mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng, không có công thức chung nào áp vào là đúng. Nhưng có một điều chắc chắn: Được sống với đam mê, được lao động và được mưu cầu phát triển là mong muốn chính đang của tất cả mọi người.
Thế nên thay vì mặc định “chồng kiếm tiền, vợ ở nhà chăm con”, cả 2 nên ngồi xuống bàn bạc, trò chuyện, không phải để phân định đúng sai, thiệt hơn, mà để thống nhất được án phù hợp nhất với hoàn cảnh hiện tại, cũng như mong muốn của từng người.