Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm "boylove"?

Pollyeste - Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 17:02 28/06/2018
Chia sẻ

Trong khi phim về đồng tính nam đã bắt đầu lấn sân sang cả rạp chiếu thương mại, phim về nhân vật LGBT nữ vẫn đang loay hoay trong các dự án độc lập, kém cả về lượng và chất so với "nửa kia".

Vài năm trở lại đây, các hãng phim ngày càng làm nhiều bộ phim có sự xuất hiện của các nhân vật đồng tính. Những bộ phim làm về đề tài LGBT thậm chí còn được đầu tư nghiêm túc, chứ không còn là những nhân vật hời hợt lướt qua màn ảnh. Tuy nhiên, ngoài mặt tích cực đó, LGBT trên màn ảnh vẫn còn chứa đựng nhiều vấn đề đáng quan tâm. Một trong số đó phải kể đến sự chênh lệch về tần suất và chất lượng giữa các nhân vật đồng tính nam và các nhân vật đồng tính nữ.

Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm boylove? - Ảnh 1.

Bộ phim đồng tính "The Handmaiden" từng gây chấn động màn ảnh Hàn Quốc năm 2016

Hụt về lượng

Tuy nhiên nhìn vào các list phim LGBT hàng năm ta đều nhận ra một thực trạng rằng không biết vô tình hay hữu ý mà nhà làm phim có xu hướng khai thác đề tài đồng tính nam nhiều hơn. Cứ 7-10 phim LGBT thì chỉ có 1-2 phim là về đồng tính nữ hoặc có nhân vật là đồng tính nữ. Theo thống kê của trang Latimes, các nhân vật đồng tính nam chiếm tới 77% trong các bộ phim, trong khi đó đồng tính nữ chiếm 23% còn lại (số liệu từ năm 2016).

Chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng con số này vào năm ngoái. 2017 được coi là năm "bội thu" của dòng phim LGBT khi có rất nhiều những bộ phim hay được ra mắt công chúng từ chính kịch, hài hước, đến tài liệu,...Có gần 80 bộ phim được khai thác đề tài LGBT (theo Wikipedia), tuy nhiên chỉ có một phần ba trong số đó là làm về đồng tính hoặc có sự xuất hiện của đồng tính nữ.

Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm boylove? - Ảnh 2.

Cặp đôi gây thương nhớ Nomi và Amanita trong series truyền hình "Sense8"

Sự chệnh lệch rõ ràng này đã làm dấy lên một câu hỏi liệu phim đồng tính nữ có đang bị thiệt thòi hơn so với đồng tính nam?

Thiếu về chất

Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm boylove? - Ảnh 3.

Không dễ để kể ra 10 phim đồng tính nữ xuất sắc

Ngoài việc chệnh lệch về số lượng phim điện ảnh hàng năm, ta có thể nhận thấy sự không đồng điệu về mặt chất lượng, nội dung khai thác giữa phim đồng tính nam và phim đồng tính nữ. Nếu như đánh giá một cách khách quan thì những bộ phim về đồng tính nữ có rất ít những phim có kịch bản hay, nếu như không muốn nói sự thật là dở tệ.

Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm boylove? - Ảnh 4.

Trong số các phim kinh điển về đồng tính, các gương mặt đồng tính nữ cũng chỉ chiếm thiểu số.

Nếu để ý ta sẽ thấy hầu như tất cả các phim đồng tính nữ đều có chung một mối tình tay ba. Xem xét những bộ phim như Imagine Me and You, Kyss Mig, I Cant Think Straight, The Firefly, Below Her Mouth,... ta sẽ thấy chúng có nội dung na ná nhau. Một cô gái đã có chồng / người yêu bỗng một ngày gặp được 1 cô nàng đồng tính, bị họ cuốn hút và rồi đến với nhau. Imagine Me And You là một cô dâu bị "sét đánh" với một người phụ nữ chủ tiệm hoa, Kyss Mig là một cô gái đã đính hôn vô tình yêu người con gái của mẹ kế, Below Her Mouth thì một cô gái cũng có bạn trai lâu năm và yêu một người phụ nữ khác, vân vân và mây mây.

Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm boylove? - Ảnh 5.

Kyss Mig (Hôn Em Đi, 2011)

Các nhà biên kịch khi làm về phim đồng tính nữ, họ thường xây dựng nhân vật là những người phụ nữ hoặc nhân tình sắp cưới, những gì họ trải qua trong phim hầu hết là lừa dối người yêu sau đó trải qua một cuộc dằn vặt về trách nhiệm cũng như bối rối về xu hướng tính dục của mình. Có cảm giác rằng đồng tính nữ vô hình chung bị các nhà làm phim áp đặt như những phụ nữ họ chỉ tò mò về xu hướng tính dục hơn là họ thực sự đồng tính.

Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm boylove? - Ảnh 6.

Một cảnh trong "Imagine Me & You" (Một Nửa Sự Thật)

Nhìn sang phim đồng tính nam, mặc dù cùng khai thác chung đề tài LGBT nhưng nội dung có chiều sâu và trải dài ở nhiều lứa tuổi hơn. Ví dụ như Moonlight (2017) nói lên vấn đề xung đột sắc tộc, tệ nạn xã hội vẫn còn ẩn nấp ở xã hội Mỹ, hay Love, Simon (2018) đánh vào lứa tuổi vị thành niên với câu chuyện tình yêu lãng mạn, hài hước của hai cậu bé trung học. Call Me By Your Name lại là câu chuyện tình yêu đầy khao khát lãng mạn của cậu học sinh và anh chàng nghiên cứu sinh lớn hơn 7 tuổi. Nỗ lực đầu tiên đưa phim đồng tính tới với các studio lớn thay vì studio độc lập là một mối tình trai trong Love, Simon.

Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm boylove? - Ảnh 7.

Hai bộ phim là hai câu chuyện khác biệt nhưng đều rất ngọt ngào khiến khán giả rung động

Bên cạnh xào đi xào lại một kịch bản, những bộ phim về đồng tính nữ cũng thiếu đi những nhân vật có chiều sâu và những nhân vật thực sự thú vị. Khán giả có vẻ quá chán khi xem một bộ phim đồng tính nữ có 2 cô gái xinh đẹp yêu nhau lén lút, làm tình và sau đó khóc lóc. Đôi khi không cần phải xem hết phim cũng có thể đoán trước kết cục. Họ cần nhiều hơn thế, những nhân vật thực sự, trải qua những câu chuyện thực sự.

Phim đồng tính nữ qua góc nhìn của phim Việt.

Có thể thấy rõ sự thiệt thòi của các nhân vật nữ LGBT trong điện ảnh Việt Nam. Mặc dù, chủ đề LGBT cũng được điện ảnh nước nhà khai thác sôi nổi không kém Hollywood, khi có thể thấy cứ mỗi năm ít nhất Việt Nam ta cũng sẽ có một bộ phim liên quan đến đề tài đồng tính, chuyển giới. Tuy nhiên, trong khi phim đồng tính nam được các đạo diễn khai thác nhiều vô kể thì phim về đồng tính nữ lại vắng bóng hoàn toàn tại "sân nhà" hay nói đúng hơn là không có.

Ngoài bộ phim Yêu làm lại của Thái Lan có sự tham gia của Chi Pu và Gil Lê về tình yêu đồng tính giữa hai cô bạn thân, thì Mỹ Nhân Kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng từng được xem là phim có "mùi" bách hợp giữa tú bà Kiều Thị và cô sát thủ Linh Lan. Tuy nhiên, tình cảm của hai cô nàng vẫn được thể hiện rất mập mờ trên phim. Cũng có nhiều những nhân vật nữ khác được tạo hình khá "men", nhưng xu hướng tính dục của họ vẫn không được xác định.

Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm boylove? - Ảnh 8.

Trong khi vai diễn đồng tính nữ đang cực kỳ hiếm hoi trên màn ảnh Việt thì đồng tính nam lại nhan nhản ở các bộ phim, ta có thể kể rất nhiều cái tên như Chị Hội (Thái Hoà thủ vai) trong phim Để Mai Tính, Trung (Trung Dũng thủ vai) và Hải (Bình An thủ vai) trong Lạc Giới, Khôi (Hồ Vĩnh Khoa thủ vai) và Lam (Lương Mạnh Hải thủ vai) trong Hotboy Nổi Loạn và hàng loạt những nhân vật gay nam mang yếu tố gây cười ở các bộ phim hài khác.

Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm boylove? - Ảnh 9.

Vậy có thực sự quá khó để có được những nhân vật đồng tính nữ thú vị?

Câu trả lời là không.

A Fantastic Woman là câu chuyện của đạo diễn Sebastián Lelio ở đó, nhân vật chính là người chuyển giới Marina (Daniela Vega) bị đối xử tàn bạo và bất công. Thế nhưng đã không có những cuộc bứt phá, trả thù, đạp đổ. Thứ mà Marina để lại là trái tim nhân hậu và nghị lực mạnh mẽ, cô đã chiến đấu cả đời để được sống như một người phụ nữ. Bộ phim Chile này là thứ mà màn ảnh nước Mỹ nên học hỏi, khi đi sâu vào tâm tư và cuộc sống của người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới mà không cố gắng "kịch hóa" cuộc đời họ.

Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm boylove? - Ảnh 10.

"A Fantastic Woman": Đấu tranh để được sống như một người phụ nữ

Đế chế Hollywood hùng mạnh là nơi đã tạo ra rất nhiều những tác phẩm điện ảnh với đủ các thể loại từ tình cảm, kinh dị, tâm lý đến khoa học viễn tưởng. Vậy tại sao không tìm được những kịch bản có sự xuất hiện của các nhân vật đồng tính nữ một cách "bình thường" như bao nhân vật khác? Có nhiều bộ phim đã thành công và được đón nhận khi không cần phải là chuyện tình tay ba hay có kết cục bi đát ví dụ như Monster (2003) của minh tinh Charlize Theron kể một người tội phạm nữ làm nghề mại dâm, hay The Kids Are Alright (2006) là câu chuyện về một cặp đôi đồng tính nữ trưởng thành và có con cái.

Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm boylove? - Ảnh 11.

Charlize Theron khiến người ta nhớ về như một con quỷ, nhưng đồng thời cũng là người đồng tính

Bên cạnh đó, khán giả thời nay cũng thích xem những nhân vật nữ mạnh mẽ, độc lập, tự làm chủ cuộc sống của mình hơn là những nhân vật nữ bánh bèo, chỉ hạnh phúc khi phụ thuộc vào đàn ông. Có rất nhiều những nhân vật nữ làm "chao đảo" trái tim các fan bách hợp như trong Wonder Woman, Lorraine trong Atomic Blonde. Chỉ cần thêm một chút khéo léo là người xem sẽ nhận ra được "thông điệp" mà nhà làm phim muốn gửi gắm.

Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm boylove? - Ảnh 12.

Lại là chị đẹp Theron khiến người ta băn khoăn về giới tính nhân vật của chị trong phim

Gần đây nhất chúng ta có Lou trong Ocean’s 8 (Băng Cướp Thế Kỷ: Đẳng Cấp Quý Cô) - một nhân vật được chị em bách hợp "đồn đoán" rằng không phải là một người phụ nữ "thẳng". Cách chị Debbie bón đồ ăn cho chị Lou ăn khiến cả thế giới "muốn gay" theo. Ocean's 8 có lẽ là phần phim trộm cướp tình bể bình nhất trong cả loạt phim trộm cướp Ocean.

Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm boylove? - Ảnh 13.

Thuyền Sandra Bullock - Cate Blanchett lại được dịp chèo cật lực

Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm boylove? - Ảnh 14.

Khán giả bị ném một đống "thính" vào mặt

Chúng ta vẫn không thể lý giải được nguyên nhân tại sao lại ít những nhân vật đồng tính nữ trên màn ảnh đến như vậy. Nhưng nhìn vào đời thực, chúng ta có thể thấy các bạn gay nam thường bộc lộ xu hướng tính dục của mình nhiều hơn là các bạn gay nữ. Trên các phương tiện truyền thông, báo chí, chúng ta cũng bắt gặp nhiều câu chuyện về các cặp đồng tính nam hơn, điều này phổ biến đến nỗi vài năm trở lại đây công chúng coi sự xuất hiện của cặp gay nam là điều hết sức bình thường. Ngược lại, các bạn gay nữ thường không bộc lộ xu hướng tính dục của mình và có phần giấu giếm nhiều hơn, chính điều này cũng có thể tác động vào suy nghĩ của nhiều người và làm họ dễ dàng chấp nhận đồng tính nam hơn đồng tính nữ. Và có lẽ, cũng chính lý do này nên các nhà làm phim chọn khai thác các nhân vật đồng tính nam hơn để phù hợp với thị hiếu của khán giả.

Phim đồng tính nữ liệu có đang thiệt thòi hơn so với các tác phẩm boylove? - Ảnh 15.

Bộ phim " The Miseducation of Cameron Post" hứa hẹn sẽ là một trong những tác phẩm đồng tính đáng xem nhất năm nay về một cô gái (Chloë Grace Moretz) bị ép "chữa" đồng tính.

Kết lại, khi nhắc về đề tài LGBT trong điện ảnh vẫn còn nhiều bất cập, tuy nhiên cần phải có sự đồng đều cả về chất và lượng ở các dòng phim LGBT. Chúng ta cần có những bộ phim có chiều sâu về nội dung hơn là tập trung quá nhiều vào xu hướng tính dục giữa hai nhân vật chính. Không nhất thiết bộ phim nào cũng phải có một nhân vật đồng tính, song cần phải có sự đầu tư nghiêm túc và công bằng khi đưa các nhân vật đồng tính lên màn ảnh. Cuối cùng thì, mọi giới tính, mọi tính dục đều xứng đáng được tôn vinh cho một thế giới "tự hào" nơi chúng ta được sống với con người thật của chính mình.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày