Phía sau mỗi đứa trẻ hiểu chuyện là sự giấu đi những đòi hỏi vốn có của bản thân mình?

Chím/ Design: Minh Trang, Theo Trí Thức Trẻ 00:23 23/08/2020

Những đứa trẻ hiểu chuyện sẽ luôn nỗ lực để mọi người xung quanh không phiền lòng vì mình. Nhưng đó là điều chẳng tự nhiên mà có...

01.

Hồi nhỏ mình thực sự không phải là một đứa trẻ hiểu chuyện. Cho đến khi những lần đòi hỏi, xin xỏ mà hồi bé ai cũng có như muốn bố mẹ mua cho thứ này thứ kia không còn được đáp ứng nữa, mình mới dần hiểu ra cuộc sống của mình và gia đình lúc đó.

Và nó cũng không chỉ dừng lại ở việc hiểu hoàn cảnh của gia đình.

Ngay cái lúc mà biết bố mẹ không đáp ứng được đòi hỏi đó, bản thân mình cũng tự hiểu ra bây giờ mọi chuyện đã khác, muốn gì thì phải tự kiếm tiền để có được chứ trên đời này, không ai cho không mình thứ gì như bố mẹ mình đâu. Bởi vậy giấu đi đòi hỏi, mong muốn không chỉ là hiểu chuyện mà còn là cách chấp nhận sự thật đã đến lúc chúng ta phải dần trưởng thành rồi.

Phía sau mỗi đứa trẻ hiểu chuyện là sự giấu đi những đòi hỏi vốn có của bản thân mình? - Ảnh 1.

02.

Năm mình học lớp 4, mẹ mình đã đi nước ngoài làm việc, ở nhà chỉ có bố và 2 chị em mình. Chị học sáng còn mình học chiều nên mỗi sáng sớm, mình tự đi chợ, nấu cơm, làm việc nhà rồi học bài. Ngay từ lúc đó mình đã hiểu rằng vì bố mẹ muốn cho mình và chị có một cuộc sống tốt hơn, đầy đủ về mặt kinh tế hơn nên mẹ mới phải đi làm xa, bởi vậy cả 2 chị em đều ngoan, không đòi hỏi gì.

Trẻ con hiểu chuyện đến đâu sẽ hạn chế đòi hỏi đến đấy. Ví dụ mình hiểu gia đình khó khăn về kinh tế, mình sẽ không đòi bố mẹ mua cho đồ chơi, quần áo mới; hiểu gia đình mình thiếu thốn tình cảm, chăm sóc của ba hoặc mẹ mình sẽ không đòi những điều vô lý từ họ...

Nhưng mình nghĩ đó không hẳn là "đòi hỏi" bởi đôi khi chỉ là những mong muốn chính đáng của bất cứ đứa trẻ nào. Trẻ con vốn dĩ chưa hiểu hết được thế giới, có thể dễ dàng tủi thân chỉ vì mình không có những thứ mà bạn hàng xóm có, vì không có đủ sự quan tâm của cả bố và mẹ. Nhưng có một điều chắc chắn rằng những đứa trẻ hiểu chuyện là những đứa trẻ lớn hơn tuổi thực tế.

Phía sau mỗi đứa trẻ hiểu chuyện là sự giấu đi những đòi hỏi vốn có của bản thân mình? - Ảnh 2.

03.

Gia đình mình khá khó khăn nên tuổi thơ và niên thiếu của mình rất cơ cực. Năm từ cấp 2 lên cấp 3, mình muốn có một cái xe đạp để đi học lắm nhưng gia đình khi đó thậm chí còn không đủ điều kiện mua cho mình. Vậy là suốt năm học lớp 10, mình phải đi nhờ xe của bạn trong xóm. Có hôm mình dậy trễ, bạn đi trước rồi nên bố phải mượn xe để chở mình đến trường. Có hôm bạn nghỉ học, mình phải đi bộ ra đường lớn, đứng canh mấy bạn cùng lớp ngang qua để “bắt” xe đi ké.

Có lẽ vì vậy mà từ nhỏ, mình đã không đòi hỏi hay vòi vĩnh ba mẹ điều gì. Suy nghĩ của mình khi đó chỉ là mong sẽ lớn thật nhanh, đi làm kiếm tiền giúp đỡ để ba mẹ đỡ cực, thoát khỏi cảnh phải làm lụng vất vả mỗi ngày mà vẫn không có tiền. Nhưng thực lòng mà nói, mình cũng là trẻ con nên khi nhìn thấy những thứ đứa trẻ khác đều có còn mình thì không, thậm chí là không hi vọng có cơ hội có thì hơi chạnh lòng một chút.

Phía sau mỗi đứa trẻ hiểu chuyện là sự giấu đi những đòi hỏi vốn có của bản thân mình? - Ảnh 3.

04.

Với mình, hiểu chuyện hay không là tuỳ cách nghĩ của mỗi người. Mình hồi nhỏ tự thấy bản thân luôn hiểu hoàn cảnh của mình và cách nhìn mà người khác dành cho mình. Mình không sống cùng ba mẹ từ lúc 2 tuổi nên trong mắt họ hàng, người thân, mình là một đứa trẻ rất “thiếu thốn” về nhiều mặt. Mình nhìn ra hết những thái độ đó từ khi còn học cấp I nên có thể nói mình cảm thấy mệt mỏi hơn, phải suy nghĩ nhiều hơn đa số bạn bè xung quanh.

Thực ra một đứa trẻ hiểu chuyện có giấu đi đòi hỏi của mình hay không cũng còn tuỳ hoàn cảnh nữa. Như mình, dù bố mẹ ly hôn, sống cùng ông bà nhưng mình không thiếu thốn về vật chất nên chung quy là không có cảm giác giấu đi đòi hỏi hay ham muốn thứ gì mà không có được cả.

Ngược lại mình nghĩ là vì mình “hiểu chuyện” nên càng phải thể hiện, chia sẻ nhiều hơn. Ví dụ khi đi học, mình luôn nói thẳng với giáo viên chủ nhiệm là gia đình mình thế nào, không có ba mẹ đi họp phụ huynh mà chỉ có ông bà thôi. Những câu này không dễ dàng nói ra nhưng nếu không nói thì sẽ rắc rối hơn nữa. Đó có phải là hiểu chuyện không?

Phía sau mỗi đứa trẻ hiểu chuyện là sự giấu đi những đòi hỏi vốn có của bản thân mình? - Ảnh 4.

05.

Bạn đang nghĩ gì khi đọc những chia sẻ này?

Rõ ràng trong lòng bất cứ đứa trẻ con nào đều có những mong muốn riêng. Đó có thể là món đồ chơi, bộ quần áo mới hay đơn thuần là cái ôm từ bố mẹ, bữa cơm cả nhà quầy quần... Thế nhưng trong khi những đứa trẻ khác cứ vô tư vòi vĩnh, đòi hỏi thì một đứa trẻ hiểu chuyện sẽ giấu nhẹm mong muốn (chính đáng) này đi.

Có lẽ khi còn nhỏ như thế, chúng không tự nhận thức được bản thân đang là một đứa trẻ hiểu chuyện. Những hành động đó chỉ là vì thấy gia đình không đủ điều kiện, dù có muốn cũng sẽ không có được nên thà rằng giả vờ không muốn, không thích còn hơn. Đó cũng là một cách khiến cho bố mẹ, người thân bớt cảm giác áy náy vì không thể lo cho con cái được đủ đầy.

Cứ như thế, những đứa trẻ đó cẩn thận từng chút từng chút một để lớn lên, cẩn thận nhìn sắc mặt người khác để giao tiếp. Thói quen đó có thể tốt hoặc không, tuỳ theo suy nghĩ của mỗi người. Nhưng sau tất cả đã bao giờ bạn tự hỏi, một đứa trẻ hiểu chuyện, biết suy nghĩ trước sau có thật sự là chuyện tốt hay không?