Phát hiện con suối vàng trên núi
Một ngày mùa xuân năm 1966, ông Lý, một thầy thuốc ở ngôi làng miền núi thuộc huyện Toại Xương, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, lại lên núi hái thuốc như thường lệ. Trong lúc vác chiếc giỏ tre đi dọc bờ suối, ông bị một tia sáng vàng lóe lên dưới nước làm chói mắt. Lúc đầu, ông Lý tưởng đó là sự phản chiếu của ánh sáng mặt trời xuống nước. Tuy nhiên sau khi nhìn kỹ, ông cụ này phát hiện ra dưới suối có nhiều viên đá nhỏ có màu vàng lóng lánh.
Vì tò mò, ông Lý cẩn thận nhặt một viên đá lên nhìn kỹ và thấy nó rất giống vàng. Để chắc chắn, ông dùng răng cắn viên đá đó. Sau khi xác nhận đó quả thực là vàng thật, ông Lý gần như nhảy cẫng lên vì phấn khích rồi bắt đầu điên cuồng nhặt vàng. Mãi đến khi mặt trời lặn, ông cụ này mới chịu trở về với một giỏ đầy vàng trên lưng.
Trên đường về nhà, ông Lý luôn nghĩ đến giá trị số vàng mà mình nhặt được. Đồng thời, ông cụ này cũng dự định ngày mai sẽ gọi mọi người trong nhà đến suối để đãi vàng. Không ngờ ngày hôm sau, khi cả gia đình ông xách dụng cụ đến suối thì phát hiện nhiều người trong làng cũng đã ở đó. Điều đáng kinh ngạc là dù có bao nhiêu người đến nhặt thì số vàng trong con suối vẫn không vơi đi. Dân làng thấy vậy thì thầm vui mừng trước sự may mắn của mình.
Tuy nhiên, những ngày khai thác vàng không kéo dài được bao lâu. Khi chính quyền địa phương biết được vụ việc, họ lập tức mời chuyên gia đến hiện trường để điều tra. Đầu tiên, các chuyên gia tiến hành phân tích số vàng mà dân làng nhặt được. Kết quả cho thấy mặc dù chúng là vàng thật nhưng thành phần nguyên tố vi lượng và đặc điểm cấu trúc của chúng lại khác với vàng tự nhiên. Điều này không chỉ khiến các chuyên gia bối rối mà còn khiến tất cả mọi người có mặt ở đó đặt ra một câu hỏi lớn: Nếu đây không phải là mỏ vàng tự nhiên thì số vàng được tìm thấy do ai luyện? Và, tại sao chúng lại xuất hiện trên dòng suối trên núi ?
Với những câu hỏi này, các chuyên gia bắt đầu đi dọc theo dòng suối để tìm nguồn gốc của số vàng. Họ cẩn thận tìm kiếm từng địa điểm khả nghi, và cuối cùng tìm thấy một vũng nước nhỏ nằm ẩn mình dưới những khóm cỏ mọc um tùm. Thoạt nhìn, vũng nước không có gì nổi bật nhưng các chuyên gia tinh tường nhận thấy thảm thực vật xung quanh nó phát triển vô cùng tươi tốt. Không những thế, trên bề mặt vũng nước còn thỉnh thoảng xuất hiện một số bọt khí nho nhỏ. Ở rìa vũng nước, các chuyên gia đã tìm thấy một số hạt kim loại có thành phần tương tự như số vàng xuất hiện trước đó. Điều này khiến các chuyên gia rất phấn khích và ngay lập tức tiến hành nghiên cứu sâu hơn.
Sau khi sử dụng những cây sào dài để dò độ sâu của vũng nước, các chuyên gia phát hiện rằng ngay cả cây sào dài nhất cũng không thể chạm tới đáy. Chi tiết này càng củng cố suy đoán của họ: có thể có một không gian ngầm khổng lồ ẩn dưới vũng nước. Để khám phá bí mật của vũng nước bí ẩn này, các chuyên gia đã vạch ra một kế hoạch táo bạo: rút cạn nước trong đó và trực tiếp đi vào không gian dưới lòng đất để khám phá. Tuy nhiên, khi bắt đầu thực hiện kế hoạch bơm nước, họ gặp phải hàng loạt khó khăn không ngờ.
Đầu tiên, máy bơm thông thường không thể xử lý được lượng nước ngầm lớn như vậy. Ngay cả khi đã bơm liên tục trong 3 ngày, mực nước cũng chỉ giảm nhẹ sơ với ban đầu. Thứ hai, do vị trí nghiên cứu xa xôi nên chi phí vận chuyển thiết bị bơm quy mô lớn và các thiết bị phát hiện cần thiết khác rất cao. Sau khi tính toán, các chuyên gia nhận thấy chỉ riêng chi phí vận chuyển và lắp đặt thiết bị đã đủ vượt quá ngân sách của toàn bộ dự án nghiên cứu. Tệ hơn nữa, khi công việc bơm nước được tiến hành, cấu trúc địa chất xung quanh vũng nước cũng bắt đầu có dấu hiệu bất ổn. Một số chuyên gia lo ngại rằng nếu tiếp tục bơm nước có thể gây ra thảm họa địa chất và gây nguy hiểm cho sự an toàn của dân làng.
Đối mặt với những khó khăn và rủi ro tiềm ẩn đó, các chuyên gia rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Sau khi thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng, cuối cùng họ cũng đưa ra quyết định khó khăn đó là tạm thời dừng việc nghiên cứu.
Vén màn bí mật
10 năm trôi qua từ lần nghiên cứu đó, ngôi làng hẻo lánh nơi ông Lý sinh sống đã phát triển thành một thị trấn thịnh vượng. Để cải thiện điều kiện giao thông, chính quyền địa phương đã quyết định xây dựng một con đường xuyên núi để kết nối thị trấn miền núi này với thế giới bên ngoài.
Việc xây dựng nhanh chóng được triển khai. Khi đội thi công đến khu vực gần vũng nước bí ẩn một thời, họ phải dùng mìn nổ núi để mở đường. Lúc này, một cảnh tượng chấn động xuất hiện. Dưới lớp khói bụi, một hang động khổng lồ lộ ra sau vụ nổ. Không những thế, bên trong đó còn tỏa ra thứ ánh sáng vàng kỳ bí. Sau khi vào trong khám phá, đội xây dựng còn phát hiện ra bên trong chứa một lượng lớn vàng tự nhiên liền báo sự việc với chính quyền địa phương. Ngay lập tức, hiện trường được phong tỏa và các chuyên gia khảo cổ năm nào cũng được mời đến để nghiên cứu.
Qua việc sử dụng công nghệ hiện tại, các chuyên gia tính toán được hang động này chứa đến hàng trăm tấn vàng. Điều đáng nói là trong quá trình nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã khai quật được một quặng vàng rất lớn và ước tính giá trị của nó lên đến 1,2 tỷ NDT (hơn 41.000 tỷ đồng). Tại hiện trường, các chuyên gia còn tìm thấy rất nhiều vật dụng lao động cổ xưa. Những bằng chứng giúp các chuyên gia xác định được hang động này có thể từng là một mỏ vàng trữ lượng lớn.
Sau khi nghiên cứu một số lượng lớn sách cổ của địa phương, các chuyên gia lại càng chắc chắn hơn với suy nghĩ của mình. Qua những ghi chép lịch sử, họ phát hiện ra rằng vào thời Vạn Lịch của nhà Minh Trung Quốc, triều đình đã xây dựng một mỏ khai thác vàng ở khu vực này. Tuy nhiên, các ghi chép lịch sử cũng cho thấy, do việc khai thác và chế biến vàng hơn 400 năm trước không đủ biện pháp an toàn nên một vụ sập quy mô lớn đã xảy ra tại đây, gây thiệt hại nặng nề về người và của.
Thời gian trôi qua, câu chuyện về mỏ khai thác vàng này đã bị lãng quên, thế nhưng thiên nhiên dường như không muốn nó chìm vào dĩ vãng. Theo đó, sự xói mòn lâu dài của nước ngầm đã mang số vàng xa xưa theo dòng suối xuất hiện trước mặt mọi người. Cũng từ đây, câu chuyện về dòng suối vàng được người dân trong vùng biết đến và trở nên nổi tiếng.
Theo Sohu, phát hiện về "con suối vàng" cũng đã gây chấn động giới khảo cổ Trung Quốc trong thời gian dài. Nó không chỉ lấp đầy những khoảng trống trong lịch sử địa phương mà còn cung cấp những thông tin có giá trị cho việc nghiên cứu về điều kiện kinh tế và xã hội của triều đại nhà Minh. Sau này, với sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc, chính quyền địa phương đã quyết định phát triển địa điểm trên thành một điểm du lịch hấp dẫn và mở cửa cho mọi người đến tham quan.
Theo Sohu