Phát hành album tại Việt Nam: Có nên "liều ăn nhiều" hay mãi e sợ "trèo cao té đau"?

Hạnh Moon - Thiết kế: Trang Trim, Theo Trí Thức Trẻ 11:00 22/10/2019

Dẫu biết rằng thị trường âm nhạc Việt Nam còn nhiều chông gai và thử thách. Bài toán kinh tế khi phát hành một album vẫn chưa tìm ra lời giải. Nhưng album vẫn là một trong những xu hướng cần thiết để thị trường âm nhạc có thể phát triển với một bản sắc riêng biệt hơn.

Mới đây, Hoàng Thuỳ Linh đã chính thức phát hành album Vol.3 "Hoàng" và nhanh chóng khuấy động thị trường âm nhạc dịp cuối năm với phần concept độc lạ cùng âm nhạc chỉn chu. Đã lâu lắm rồi, Vpop mới trở nên rộn ràng vì một album phòng thu, chứ không phải vì một Music Video được ra mắt trên nền tảng Youtube. Từ sự kiện này, người ta mới giật mình nhận ra nền âm nhạc Việt Nam bao lâu nay đã luôn thiếu hụt những album chất lượng, được ra mắt dưới dạng ấn bản vật lý và cả phiên bản trực tuyến. 

Mỗi năm, số lượng album được phát hành tại thị trường Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Album đã khan hiếm, một album nổi bật đủ để khán giả ghi nhớ còn ít hơn. Năm 2017, Uyên Linh sở hữu doanh số ấn tượng với album "Portrait" hay Mỹ Tâm lập kỷ lục bán hơn 10.000 bản CD cho album "Tâm 9". Ấy thế mà đến năm 2018, Vpop cũng chỉ có thêm "Ten On Ten" (Đông Nhi), "Stardom" (Vũ Cát Tường), "Dramtic" (Bích Phương). Và tới tận cuối năm 2019 mới xuất hiện thêm "Hoàng" của Hoàng Thuỳ Linh. 

Phát hành album tại Việt Nam: Có nên liều ăn nhiều hay mãi e sợ trèo cao té đau? - Ảnh 1.

Ra mắt album - một việc làm vốn quen thuộc và gần như bắt buộc đối với người ca sĩ lại được coi là hành động dũng cảm, thậm chí liều lĩnh tại Việt Nam. Trong khi đó, tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Âu - Mỹ... chuyện nghệ sĩ phát hành album phòng thu đều đặn ở từng lần comeback đã trở thành một truyền thống. Vì sao nền giải trí Việt Nam lại chấp nhận đi ngược dòng chảy chung của thế giới đến vậy? 

Nhạc Việt thời 4.0: Một bản hit là quá đủ, việc gì phải có cả album!

Những năm gần đây, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube phát triển nhanh chóng mặt dẫn đến việc khán giả bắt đầu hướng mối quan tâm của mình đến phần hình ảnh trong âm nhạc nhiều hơn phần ca từ, giai điệu. Theo thống kê từ Analytics, chỉ riêng năm 2019, số lượng video âm nhạc chiếm đến hơn 47% trong tổng số video được phát hành trên Youtube. Nghệ sĩ Việt bắt đầu những "trận chiến" trên Youtube khi đầu tư thực hiện MV tiền tỷ với bối cảnh hoành tráng, kịch bản lôi cuốn... để khiến khán giả chú ý đến sản phẩm âm nhạc của mình. 

Nếu ở Mỹ, nghệ sĩ tập trung mọi nguồn lực để đưa "đứa con tinh thần" của mình vào bảng xếp hạng Hot 100, Billboard 200 với doanh số bán album và nhạc số cao ngất ngưởng; thì tại Việt Nam, nghệ sĩ lại guồng chân trong cuộc đua trăm triệu lượt xem và lọt Top Trending Youtube - nơi sản phẩm của mình phải cạnh tranh với hàng trăm ngàn video thuộc nhiều thể loại khác nhau chứ không riêng gì âm nhạc. 

Phát hành album tại Việt Nam: Có nên liều ăn nhiều hay mãi e sợ trèo cao té đau? - Ảnh 2.

Music Video phát hành hoàn toàn miễn phí, dù không tạo ra giá trị về mặt kinh tế một cách trực tiếp cho nghệ sĩ, nhưng sẽ gián tiếp giúp họ nhận được những hợp đồng tài trợ hay tìm kiếm độ nhận diện từ khán giả đại chúng - những người vẫn đang giữ tâm lý nghe nhạc không cần trả phí. Vì thế, tìm kiếm một bản hit để có thể yên tâm đi diễn, kiếm tiền là điều "sống còn" đối với mỗi ca sĩ, nhất là các ca sĩ trẻ tại Việt Nam. 

Một album với tổng số 8 đến 10 ca khúc hoặc hơn thế là điều khá xa xỉ tại thị trường âm nhạc Việt Nam. Thực hiện một album tốn nhiều công sức và chất xám đã đành, làm thế nào để đem nó đến được với khán giả một cách hiệu quả lại là bài toán khó nhằn khác khi khái niệm mua album vật lý hay stream nhạc số còn khá mơ hồ. Không nghệ sĩ nào có thể làm cùng lúc 10 Music Video rồi đăng tải lên Youtube để khiến khán giả nghe trọn vẹn album của mình. Vậy nên, việc chỉ tập trung vào những single và MV riêng lẻ là một giải pháp an toàn giữa thời điểm hiện nay

Phát hành album tại Việt Nam: Có nên liều ăn nhiều hay mãi e sợ trèo cao té đau? - Ảnh 3.

Sơn Tùng M-TP - một trong những ca sĩ thành công nhất tại Việt Nam với các sản phẩm âm nhạc trăm triệu lượt xem cùng loạt đêm diễn Sky Tour bán hết vé tại ba thành phố lớn cũng chưa hề phát hành một album mới nào. Năm 2017, Sơn Tùng M-TP cũng ra mắt album "m-tp M-TP" gồm 18 ca khúc đã phát hành từ trước để kỷ niệm chặng đường 5 năm ca hát như một món quà dành tặng fans.  

Nhưng sau đó, áp lực từ việc phải duy trì những con số kỷ lục trên Youtube và sức hút trong tên tuổi của mình, biết đâu đã khiến Sơn Tùng M-TP buộc phải "thuận nước đẩy thuyền", xuôi theo dòng chảy chung của thị trường thay vì mạo hiểm làm một album hoàn toàn mới và quảng bá chúng theo cách truyền thống như phát hành single/MV mà nghệ sĩ quốc tế vẫn làm.

"Để thực hiện một album đòi hỏi rất nhiều thứ từ ê-kíp sản xuất tốt, kinh phí dồi dào, định hướng phong cách và hình ảnh trong âm nhạc của nghệ sĩ rõ rệt. Sự đầu tư về chất xám và tiền bạc là rất nhiều mà nguồn thu trong việc tự làm album gần như không đáng kể. Việc ra album chủ yếu là hướng đi của những nghệ sĩ lớn khi họ có nguồn lực kinh tế, lượng fans ổn định và chịu chi" - Nhà sản xuất Aiden Nguyễn chia sẻ. 

Phát hành album tại Việt Nam: Có nên liều ăn nhiều hay mãi e sợ trèo cao té đau? - Ảnh 4.

Giá trị của một album: Cột mốc định hình sự nghiệp cho người nghệ sĩ

Ở Việt Nam, một sản phẩm âm nhạc chỉ được khán giả đón nhận qua Music Video trên Youtube, hoặc cùng lắm là phiên bản audio trên những trang nghe nhạc trực tuyến. Còn tại Hàn Quốc, nghệ sĩ cần phát hành album ngay từ khi debut để có cơ hội tổ chức những buổi concert, fan-meeting sau đó. Tại Âu - Mỹ, nghệ sĩ cần album để chinh phục những giải thưởng uy tín như Grammy và khẳng định màu sắc âm nhạc của mình với giới chuyên môn  cùng khán giả. 

Và hơn hết, tất cả các thị trường đó đều có cùng một điểm chung: Khán giả chấp nhận mua album và nghệ sĩ kiếm được bội tiền nhờ việc bán album. Mỗi năm, người ta đều trầm trồ với con số hàng triệu bản album được bán ra của các ngôi sao Kpop như BTS, EXO, DBSK... Ngay cả những tân binh Kpop vừa phát hành album đầu tay cũng có được doanh số đáng ngưỡng mộ từ 150.000 đến 300.000 bản. Với Âu - Mỹ, không cần bàn cãi thêm nữa khi ai cũng biết Adele bán được hơn 20 triệu bản album chỉ với "21", hay Taylor Swift với hơn 1 triệu bản cho album "Lover" trong tuần đầu phát hành.

Phát hành album tại Việt Nam: Có nên liều ăn nhiều hay mãi e sợ trèo cao té đau? - Ảnh 5.

"Nghệ sĩ hầu như không nhận được nhiều lợi nhuận trong thực tế khi phát hành một album tại thị trường Việt Nam. Nó chỉ là một món quà dành tặng fans hay đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp. Việc bán album không thực sự quan trọng với nghệ sĩ Việt, dù nó có thể vô cùng quan trọng với nghệ sĩ Hàn và Âu Mỹ" - Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền chia sẻ về vấn đề này.  

Nhưng nếu tạm gác sang một bên những giá trị kinh tế, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền khẳng định một album sẽ còn mang lại nhiều giá trị ý nghĩa hơn thế cho sự nghiệp của người nghệ sĩ: "Đã là ca sĩ thì phải có album, giống như đạo diễn thì phải có phim vậy. Album giúp nghệ sĩ thể hiện màu sắc âm nhạc một cách rõ nét nhất, đưa ra tuyên ngôn nghệ thuật và tư duy làm nghề của họ". 

Phát hành album tại Việt Nam: Có nên liều ăn nhiều hay mãi e sợ trèo cao té đau? - Ảnh 6.

Một album tập hợp nhiều ca khúc sẽ giúp đem đến một bức tranh tổng thể nhất về sự nghiệp của một người nghệ sĩ. Đối với Hoàng Thuỳ Linh và album "Hoàng", đó là lời khẳng định về hành trình theo đuổi âm nhạc mang âm hưởng văn hoá dân gian. Hay album "Portrait" lại đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của Uyên Linh với Blue Jazz. Hoặc Vũ Cát Tường khi dày công thực hiện "Stardom" nhằm đem đến cho khán giả một cái nhìn mới về bản thân với Funk/Rap/Hip-hop thay vì những bản ballad ngọt ngào, buồn bã. 

"Không đạt được nhiều lợi ích khi bán đĩa, đó là chuyện tất yếu nhưng không vì vậy mà nghệ sĩ không làm. Vẫn còn mấy chục phần trăm ý nghĩa rằng họ phải lao động, sáng tạo để làm ra một sản phẩm mang tính chính thức và lưu truyền cho sự nghiệp. Hành trình một nghệ sĩ đặt toàn bộ tâm huyết để sản xuất một album sẽ thể hiện sự đam mê, nghiêm túc và nhiệt huyết của họ với nghề này" - Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong chia sẻ về sự vô giá của một album. 

Phát hành một album: Thử thách không nhỏ cho người nghệ sĩ 

Đem lại giá trị to lớn về nhiều mặt, việc thực hiện một album cũng đòi hỏi người nghệ sĩ phải đối diện với rất nhiều thử thách. Uyên Linh từng chia sẻ, cô tiêu tốn 3 năm để làm album "Portrait" - một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn đi tìm từng sáng tác phù hợp nhất, bản phối hoàn hảo nhất với tuyên ngôn âm nhạc của mình. Hay Hoàng Thuỳ Linh cũng ấp ủ sản xuất album "Hoàng" từ thời "Bánh Trôi Nước" nhưng không thể tìm được một ê-kíp hiểu mình nên phải chờ đến gần 4 năm. 

"Một album cần thể hiện rõ cá tính của người nghệ sĩ và mang thông điệp lớn nên nghệ sĩ sẽ gặp thử thách trong khâu tìm bài. Rất khó để có được 10 ca khúc cùng một chủ đề. Đôi khi, phát hành được 1 - 2 single rồi thì lại "tịt ngòi" vì không tìm thêm được ca khúc phù hợp" - Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền chia sẻ. 

Hơn thế nữa, việc duy trì sức sống cho cả một album bao gồm 8 - 10 ca khúc sau khi phát hành cũng là một thử thách đối với nghệ sĩ. Họ phải tiếp tục phát hành các single/MV, quảng bá sản phẩm của mình thông qua nhiều hình thức. Nếu không, tất cả những công sức họ dành ra để thực hiện album đó sẽ "đổ sông đổ bể". 

Phát hành album tại Việt Nam: Có nên liều ăn nhiều hay mãi e sợ trèo cao té đau? - Ảnh 7.

"Tại thời điểm Internet phát triển như hiện nay, mọi thứ đều diễn ra rất nhanh nên tuổi đời của một ca khúc ngắn hơn xưa rất nhiều. Nghệ sĩ vừa phải tận dụng hết mọi khả năng của bản thân, nắm bắt xu hướng của thị trường nhưng vẫn phải mang đến một chút khác biệt mà ngoài kia chưa ai làm được, cộng thêm nội dung truyền thông để kích cầu khán giả tìm nghe album. Dung hoà hết những yếu tố này mới có thể làm nên một album thành công" - Phóng viên Vũ Lê Quốc chia sẻ. 

Dẫu biết rằng thị trường âm nhạc Việt Nam còn nhiều chông gai và thử thách. Bài toán kinh tế khi phát hành một album vẫn chưa tìm ra lời giải. Nhưng album vẫn là một trong những xu hướng cần thiết để thị trường âm nhạc có thể phát triển với một bản sắc riêng biệt hơn, ấn tượng hơn. Và việc sản xuất những album hay cũng sẽ trở thành động lực để những bảng xếp hạng âm nhạc tử tế và uy tín ra đời, giúp các nghệ sĩ được cạnh tranh một cách khách quan hơn, dựa trên những con số chính xác về lượng sales, streaming thay vì tối ngày bon chen trên một nền tảng "vàng thau lẫn lộn" như Youtube. 

"Làm album hay thực hiện nhiều dự án âm nhạc có tính liên kết với nhau sẽ trở thành xu hướng của các nhà sản xuất và nghệ sĩ trong năm 2020. Các nghệ sĩ đều muốn mở ra một sân chơi thưởng thức nghệ thuật lớn hơn cho khán giả thay vì những khoảng sân nhỏ - những single nhỏ lẻ. Từ đó mới có thể tạo cho khán giả Việt có khái niệm hay tập dần thói quen thưởng thức nghệ thuật có đầu tư một cách tử tế, chỉn chu" - Nhà sản xuất Aiden Nguyễn dự đoán về những thay đổi của thị trường giải trí Việt Nam. 

Hay nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền cũng khẳng định khán giả luôn sẵn sàng đón nhận một album hay từ người nghệ sĩ. "Dĩ nhiên nghệ sĩ làm album đủ hay, các ca khúc đủ thu hút thì sản phẩm đó vẫn thành công như thường. Năm 2020 sẽ là một năm cực kì bùng nổ của việc phát hành album, tại sao chúng ta không có quyền tin vào điều đó? Bây giờ các nền tảng nhạc số như Spotify, Apple Music đã khiến mọi người chịu khó trả tiền cho âm nhạc hơn rồi!" 

Phát hành album tại Việt Nam: Có nên liều ăn nhiều hay mãi e sợ trèo cao té đau? - Ảnh 9.