Đúng 20 giờ 10 phút ngày 20/10, Hoàng Thuỳ Linh đã chính thức "thả xích" cho album vol.3 của mình mang tên "Hoàng". Album thực sự gây ấn tượng mạnh với một tracklist mang đậm concept dân gian và văn học.
Giai điệu và lyrics của các ca khúc trong album đều vô cùng bắt tai, đầy thú vị với chất liệu cực kì đa dạng. Tên bài hát cũng gây ấn tượng: "Để Mị Nói Cho Mà Nghe" (tác phẩm văn học hiện đại "Vợ chồng A Phủ"), "Duyên Âm" (tín ngưỡng dân gian), "Kẽo Cà Kẽo Kẹt" (mượn chất liệu từ chuyện cổ tích "Tấm Cám"), "Lắm Mối Tối Ngồi Không", "Kẻ Cắp Gặp Bà Già" (ca dao tục ngữ), "Em Đây Chẳng Phải Thúy Kiều" (tác phẩm văn học trung đại "Thuý Kiều").
Album "Hoàng" - Hoàng Thuỳ Linh
Hoàng Thuỳ Linh chính thức tung album vol.3 với 7 ca khúc đầy ấn tượng.
Tuy nhiên, nhiều ca khúc trong album khi phát hành trên trang nhạc số Spotify đã được đổi tên sang tiếng Anh. Ngoài "Để Mị Nói Cho Mà Nghe" và "Tứ Phủ" thì tựa đề các ca khúc còn lại đều được "Anh hoá". Ca khúc "Duyên Âm" đã được đổi thành "Love of Ghosts" (Tình yêu của ma quỷ), "Em Đây Chẳng Phải Thuý Kiều" - "I Am Not Thuy Kieu" hay "Kẽo Cà Kẽo Kẹt" - "The Creaking" nghe vẫn còn khá hợp lý.
Sang đến "Diamond Cut Diamond" thì đa phần người nghe đều ngơ ngác không hiểu lắm. Kim cương cắt kim cương là một phép liên tưởng hợp lý đến tên gốc "Kẻ Cắp Gặp Bà Già"? Thực ra, "Diamond Cut Diamond" là một câu thành ngữ tiếng Anh đồng nghĩa với "kẻ cắp gặp bà già", "vỏ quýt dày có móng tay nhọn".
Và đỉnh điểm của sự hoang mang đó chính là bài "Run After Two Hares, Catch None". Đuổi theo hai con thỏ rừng, nhưng không bắt được con nào? Tên gốc là "Lắm Mối Tối Ngồi Không" cơ mà! Nếu vẫn còn thắc mắc thì bạn chắc chắn chưa biết đến câu thành ngữ "If you run after two hares, you'll catch none" rồi. Câu thành ngữ này có nghĩa là "bắt cá hai tay, tuột ngay cả cặp" hay tương đồng với "lắm mối tối ngồi không".
Tracklist với những tiêu đề bằng tiếng Anh sang xịn trong album mới nhất của Hoàng Thuỳ Linh.
Nghe xong loạt tựa đề tiếng Anh trong album của Hoàng Thuỳ Linh, nhiều fan cho rằng giữ nguyên tên cũ cho bài hát như "Để Mị Nói Cho Mà Nghe" và "Tứ Phủ" thì hay hơn. Nhưng thực ra chủ ý của Hoàng Thuỳ Linh là ngoài truyền tải những câu ca dao, tục ngữ Việt còn muốn phổ cập sương sương luôn một vài câu thành ngữ tiếng Anh. Thế mới thấy được tâm huyết mà nàng ca sĩ này đặt vào album "Hoàng" lớn như thế nào.
Bên cạnh đó, việc Engsub các tựa đề cũng là một điểm mạnh giúp ca khúc của Hoàng Thuỳ Linh có thể tiếp cận dễ dàng hơn với người nghe nhạc quốc tế. Đáng khen cho đội ngũ Hoàng Thuỳ Linh với những ca khúc kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Điều này đã góp phần biến chủ đề văn học hay tín ngưỡng trở nên gần gũi, đơn giản và đại chúng hơn rất nhiều.
Dù ai nói ngả nói nghiêng, "Hoàng" của Hoàng Thuỳ Linh vẫn thực sự là một album đáng nghe, đáng được công nhận bởi sự hoà quyện hoàn hảo giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.