Như đã thông tin trước đó, ngày 6/4, Bộ Y tế phát hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 243 là nam giới ở Mê Linh (Hà Nội) đã từng đưa vợ đi khám bệnh tại khoa Miễn dịch - Dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai và về nhà trong ngày, có dừng ăn tại quán cơm đường Giải Phóng đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai. Từ đó đến nay, bệnh nhân chưa quay lại bệnh viện này.
Ngày 30/3, bệnh nhân đến Trạm Y tế xã khai báo và được chỉ định cách ly tại nhà. Người này có tiếp xúc gần với người nhà, người thân và đối tác kinh doanh nhưng không có biểu hiện triệu chứng.
(Ảnh minh họa: AI Jareera).
Ngày 4/4, bệnh nhân này đưa người thân đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám bệnh. Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm của người này. Đến ngày 6/4, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Dựa trên những thông tin này, có ý kiến cho rằng bệnh nhân 243 đã có thời gian ủ bệnh lên tới trên 14 ngày (23 ngày). Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, từ ca bệnh 243, không có căn cứ để suy luận ra là thời gian ủ bệnh lớn hơn 14 ngày. Điều này là bởi 3 nguyên nhân:
Thứ nhất, chúng ta không rõ bệnh nhân tiếp xúc với nguồn lây vào ngày nào vì bệnh nhân đến BV Bạch Mai ngày 12/3 nhưng sau đó còn đi nhiều nơi, kể cả các bệnh viện khác.
Thứ hai, bệnh nhân chỉ được xét nghiệm 1 lần vào ngày 4/4, còn trước đó không có xét nghiệm nào được thực hiện nên không rõ bệnh nhân dương tính từ khi nào.
Thứ ba, các xét nghiệm kháng thể của Viện Vệ sinh dịch tễ cho thấy bệnh nhân mới nhiễm gần đây.
Cần hiểu rõ về thời gian ủ dịch
PGS Nga nhấn mạnh, chúng ta cần hiểu rõ thời gian ủ bệnh của Covid-19 tính từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh đến khi có các triệu chứng đầu tiên của bệnh thông thường là 5 ngày. Đây là thời gian virus sinh sôi đủ số lượng để gây bệnh với các triệu chứng biểu hiện. Trong vòng 10 ngày tới, 97% bệnh nhân có biểu hiện bệnh.
Thời gian 14 ngày đối với Covid 19 theo các nghiên cứu dịch tễ học là thời gian mà gần như 99% bệnh nhân đã phát bệnh. Vì vậy người ta coi 14 ngày cách ly là đủ để theo dõi một người tiếp xúc với nguồn lây có bị lây bệnh hay không.
Tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian nào sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao?
Theo các nghiên cứu, sau khi tiếp xúc với nguồn lây khoảng 3 ngày thì đã có thể lây bệnh cho người khác, nguy cơ gây nhiễm cao nhất là lúc mới phát bệnh của bệnh nhân này. Do đó, câu hỏi những người tiếp xúc với bệnh nhân số 243 trong khoảng ngày thời gian nào sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất, PGS Nga nhận định là không thể xác định được vì điều quan trọng là chúng ta không biết bệnh nhân 243 bị lây nhiễm từ khi nào.