Thương trường là chiến trường, người chiến thắng có thể chính là người từng thất bại nhiều nhất, và cũng là người gan lỳ nhất. Có người “ngã” 1 lần đã chùn chân, nản lòng; nhưng có người “ngã” tới 2-3 lần vẫn quyết tâm “phải làm lại và làm tốt hơn”. Chưa thành công thì không dừng lại!
3 lần khởi nghiệp không thành công, vẫn "lì lợm" tiếp tục tới lần thứ 4 - Đó là hành trình xây dựng sự nghiệp của ông Nguyễn Trung Dũng - Founder, CEO thương hiệu Dh Foods. Khởi nghiệp ở tuổi 50, ông Dũng khẳng định: "Tôi không còn hiếu thắng và ham làm giàu nhanh như thời trẻ".
Ông Nguyễn Trung Dũng - Founder, CEO thương hiệu Dh Foods
Lần đầu khởi nghiệp ở tuổi 28, ông Dũng "bắt tay" với bạn, bán mọi thứ có thể bán, từ quần áo, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ ăn, quầy bán hàng tại các trung tâm thương mại và cuối cùng là nhập khẩu mì ăn liền từ Việt Nam.
"Lần khởi nghiệp đầu tiên của tôi thất bại. Lúc đó, nhóm bạn bè đại học rủ nhau làm chung, thỏa thuận ràng buộc không chặt chẽ, khi công ty phát triển nảy sinh mâu thuẫn giữa các cổ đông dẫn đến chia tay" - Ông Dũng kể.
3 năm sau thất bại đầu đời, ông Dũng tiếp tục khởi nghiệp lần 2 ở Ba Lan. Lần này, ông nhập hàng Việt Nam sang Ba Lan bán, thiếu tiền thì vay nóng người quen tại Ba Lan với lãi suất rất cao. Tuy nhiên, những thay đổi trong chính sách tiền tệ ở Ba Lan một lần nữa khiến doanh nghiệp của ông Dũng rơi vào thế khó. Cuối cùng, ông quyết định bán toàn bộ cơ nghiệp mình đã gây dựng với giá 6 triệu USD.
"Lần khởi nghiệp thứ hai của tôi có thể coi là thành công về mặt tài chính. Tuy nhiên, với tôi nó lại là thất bại về mặt tinh thần do tuổi trẻ còn quá nhiều tham vọng, làm quá sức dẫn đến việc cuối cùng chuyển nhượng công ty" - Ông Dũng chia sẻ về lần khởi nghiệp thứ 2.
Có trong tay một số tiền lớn, lại cảm thấy mình vẫn còn trẻ và đã xây dựng được một số mối quan hệ tại Ba Lan, ông Dũng quyết định khởi nghiệp lần thứ 3. Lần này ông chọn mảng kinh doanh thức ăn chế biến sẵn. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2007-2008 lại giáng cho ông một đòn đau.
Thử đặt mình vào tình thế của ông Dũng, hẳn nhiều người sẽ buông một từ: “Thôi”. Quá tam ba bận rồi, chẳng dại gì mà “chày cối tới lần thứ 4 nữa”. Nhưng ông Dũng thì khác. Thừa nhận mình dại, nhưng cũng thừa nhận mình lì lợm, ông Dũng quyết định về Việt Nam vào năm 2010 để khởi nghiệp lần thứ 4 ở tuổi 50, với thương hiệu Dh Foods.
Lần này, ông Dũng cho biết tâm thế làm kinh doanh của ông đã khác hẳn. Những trải nghiệm trong quá khứ khiến ông nhận thấy phải thay đổi từ tâm tính cho đến phong cách quản lý.
"Tôi cảm thấy lòng đã bình lặng, muốn làm việc vì niềm vui hơn là làm giàu bằng mọi giá" - Ông Dũng bộc bạch.
Ông Nguyễn Trung Dũng
Cuối cùng, ông Dũng cũng thành công. Ở thời điểm hiện tại, Dh Foods đã “vươn mình” tới 30 quốc gia trên thế giới. Bất chấp những khó khăn và gián đoạn trong chuỗi cung ứng trong những năm dịch bệnh, Dh Foods vẫn có mức tăng trưởng dương - trung bình 50%/năm.
Ông Dũng từng khẳng định “chưa từng vay ngân hàng 1 đồng nào” trong suốt hơn 1 thập kỷ gây dựng và phát triển Dh Foods.
Chia sẻ trong buổi Tọa đàm "Marketing vượt gió rẽ sóng trong thời kỳ khủng hoảng" do Hiệp Hội Marketing Việt Nam - Vietnam Marketing Group (VMG) tổ chức vào đầu năm 2024, ông Dũng nói: “Dù là thời điểm khởi nghiệp hay hiện tại - sau hơn 12 năm gây dựng và phát triển Dh Foods, tôi chưa từng đi vay ngân hàng để tránh tự gây áp lực cho bản thân và nhân viên. Càng khủng hoảng, chúng ta lại càng phải tiết kiệm”.
Không vay ngân hàng thì lấy đâu ra vốn xoay vòng, vận hành doanh nghiệp? Câu trả lời của ông Dũng gói gọn trong 3 từ: Vay tiền vợ!
Ông Nguyễn Trung Dũng và vợ
Trong một bài phỏng vấn với báo Đầu tư, ông chủ Dh Foods đã tiết lộ đến cuối năm 2013, công ty cạn tiền. Ông bàn với vợ, lấy tiền riêng cho công ty vay, mỗi tháng mấy trăm triệu để trả lương nhân viên. Cuối năm 2013, may mắn đã mỉm cười với Dh Foods. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng Co.opmart và Big C cũng đồng ý cho sản phẩm của Dh Foods lên kệ, mở ra thời kỳ phát triển mới. Tuy nhiên, sau đó, công ty vẫn lỗ tiền tỷ và ông Dũng lại tiếp tục… vay vợ để bù lỗ.
“Bạn có thể vay gia đình, bạn bè thân vì đó là những người tin tưởng bạn tuyệt đối, không ép bạn vay lãi cao. Quan trọng là doanh nghiệp của bạn minh bạch, phát triển đều, cơ hội vay tiền sẽ cao hơn. Dh Foods năm đầu tiên doanh số chỉ mấy trăm triệu đồng, sau lên mấy tỷ đồng, rồi 10 tỷ đồng, rồi lên mười mấy tỷ đồng,…” - Ông Dũng chia sẻ.
(Tổng hợp)