Ô nhiễm không khí rút ngắn tuổi thọ dân số thế giới

Lộc Minh, Theo Người lao động 11:35 16/06/2022
Chia sẻ

Theo nghiên cứu được Viện Chính sách Năng lượng của Trường ĐH Chicago (EPIC - Mỹ) công bố hôm 14/6, ô nhiễm không khí khiến tuổi thọ trung bình của dân số thế giới sụt giảm hơn 2 năm, tác hại tương đương thuốc lá và tồi tệ hơn nhiều so với HIV/AIDS hay khủng bố.

Hơn 97% dân số thế giới đang sống trong các khu vực có chỉ số ô nhiễm không khí vượt mức khuyến nghị, EPIC khẳng định trong báo cáo mới nhất về Chỉ số Chất lượng không khí cuộc sống.

EPIC nhấn mạnh nếu nồng độ bụi mịn PM2.5 (loại bụi li ti trôi nổi trong không khí có thể xâm nhập và gây tổn hại phổi) giảm xuống mức khuyến nghị 5 micrograms/m3 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuổi thọ trung bình của dân số thế giới có thể tăng thêm 2,2 năm.

Ô nhiễm không khí rút ngắn tuổi thọ dân số thế giới - Ảnh 1.

Sương khói bao trùm TP Jakarta - Indonesia vào sáng 27/5. Ảnh: REUTERS

Cũng theo nghiên cứu, tuổi đời trung bình của người dân Nam Á bị rút ngắn khoảng 5 năm vì tác động của ô nhiễm không khí, trong khi người dân Trung Quốc có thể sống thọ thêm 2,6 năm nếu nồng độ bụi mịn trong không khí không vượt mức khuyến nghị của WHO.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng tuổi thọ trung bình của dân số Trung Quốc đã tăng thêm khoảng 2 năm kể từ năm 2013, khi quốc gia này phát động "cuộc chiến chống ô nhiễm" cắt giảm 40% PM2.5 trong không khí.

Theo Reuters, cuộc khảo sát về dữ liệu ô nhiễm được công bố vào đầu năm nay cho thấy không một quốc gia nào trong năm 2021 đạt được mức chuẩn 5 micrograms/m3 như WHO khuyến nghị.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày